Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 7/12/2010 21:7'(GMT+7)

Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu tại Hội nghị - Ảnh TTXVN

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu tại Hội nghị - Ảnh TTXVN

Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) hôm nay 7/12, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và cho biết, tuy đã ra khỏi danh sách nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, cùng với nguồn lực trong nước, ODA vẫn tiếp tục là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam. Nhu cầu dự kiến cho giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 30 tỷ USD.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam trân trọng nguồn vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Trong 17 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam trên 56 tỷ USD. Nguồn vốn này đã thực sự là nguồn lực quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường thể chế, phát triển các lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho biết, cùng với việc tăng cường cung cấp ODA cho Việt Nam, việc mở rộng đối tượng tiếp cận nguồn vốn ODA sang khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) là cần thiết, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tích cực thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như dự trữ ngoại tệ, giảm thâm hụt ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường công khai minh bạch, cung cấp các thêm thông tin bổ ích cho các nhà đầu tư.

Ứng phó với tác động xấu của môi trường cũng là lĩnh vực được ưu tiên. Trong thời gian gần đây, đặc biệt năm vừa qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, bão lũ, hạn hán xảy ra trầm trọng hơn.

Do đó,  Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế phối hợp, hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ hơn để chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Hội nghị, các nhà tài trợ đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc điều hành vĩ mô với tăng trưởng GDP khá và các chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng, tuy nhiên cũng lưu ý việc ưu tiên cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả đầu tư trong dài hạn.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan cho rằng Việt Nam đã vượt qua được những thách thức khó khăn trong thời gian qua để trở thành một nước có thu nhập trung bình, điều đó thể hiện sự lãnh đạo, năng lực của Chính phủ Việt Nam, của người dân và của tất cả các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam W. Michalak cho rằng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động hiệu quả hơn trong việc tiếp nhận các kênh đầu tư cũng như trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, đại diện các nhà tài trợ cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và đi đôi với tăng cường giám sát chi tiêu công, đặc biệt các hoạt động đầu tư doanh nghiệp nhà nước…

Các nhà tài trợ cũng cho rằng Việt Nam cũng cần có biện pháp kiềm chế lạm phát hữu hiệu hơn, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Phản hồi ý kiến các nhà tài trợ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trong chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam sẽ có những mục tiêu đột phá quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, do khủng hoàng tài chính toàn cầu vừa qua, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp chững lại. Thực tế, hầu hết các DNNN đều chuyển biến tích cực về kết quả kinh doanh sau cổ phần hóa.

Việt Nam cũng đã thảo luận về Luật Kiểm toán độc lập, qua đó nâng cao vai trò kiểm toán và việc công khai số liệu kiểm toán. “Chính phủ sẽ ban hành thêm những quy định cụ thể về nâng cao hiệu quả hoạt động các DNNN” Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Trao đổi với các nhà tài trợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thống đốc cho biết năm 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu triển khai Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Đây là cột mốc quan trọng nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình đổi mới ngành ngân hàng theo cơ chế thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung triển khai xây dựng các văn bản dưới luật để ngày càng hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động đối với ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

(Theo: Chinhphu.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất