Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/12/2010 8:52'(GMT+7)

Cắt cơn… lạm phát

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố “vỡ trận” CPI. Yếu tố khách quan có thể nói tới là đợt thiên tai, lũ lụt lịch sử xảy ra vừa qua ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Hệ quả là hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm khan hiếm, dẫn đến giá những mặt hàng này leo thang.

Mặt khác, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện rất lớn khiến giá cả hàng hóa trong nước nhạy cảm hơn với giá hàng hóa thế giới. Một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương, nhất là khi hầu hết nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Khi giá đầu vào nguyên, nhiên liệu, máy móc thiết bị trên thị trường thế giới tăng cũng đồng nghĩa Việt Nam rơi vào tình trạng “nhập khẩu lạm phát” không mong muốn.

Nhưng đáng nói hơn là những yếu tố mang tính chủ quan dẫn đến CPI liên tiếp lập kỷ lục, cao nhất trong vòng 20 năm qua. Trước hết, phải nói tới “khuyết tật” của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư công, chủ yếu thiên về chiều rộng thịnh hành đã nhiều năm. Thực trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào, các địa phương và doanh nghiệp nhà nước ganh đua nhau thông qua số lượng và quy mô các dự án đầu tư bằng tiền ngân sách mà không tính kỹ hiệu quả kinh tế là khá phổ biến. Hệ số Icor của Việt Nam thuộc loại cao nhất khu vực và thế giới. Một lượng tiền lớn được bơm vào nhiều dự án chưa rõ hiệu quả và để có tiền đầu tư, nhà nước phải vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Đầu tư cao nhưng thiếu hiệu quả dẫn đến bội chi ngân sách, đẩy mạnh cung tiền để tài trợ bội chi càng gây ra lạm phát và sự mất giá của tiền đồng.

Để hỗ trợ xuất khẩu, tiền đồng của Việt Nam hạ giá vài lần cũng là một yếu tố gây áp lực lạm phát. Việc hạ giá đồng tiền tự nhiên đã “phát pháo” cho quá trình tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá cộng hưởng với sự trồi, sụt của kinh tế toàn cầu đã làm bùng phát cơn sốt giá vàng, đô-la trong mấy tháng gần đây. Kiểu đầu tư bầy đàn và sự thao túng ngầm của một vài nhóm lợi ích nào đó càng làm nhân lên sự rối ren, hoảng loạn. Kết quả là Việt Nam phải hứng chịu lạm phát cao hơn, biến động giá lớn, chi phí giao dịch tăng cao, phân bổ tín dụng không hợp lý, kém minh bạch. Sự thiếu độc lập và độ tin cậy cũng như chính sách tiền tệ “không rõ ràng” cũng làm cho lạm phát tăng cao tại Việt Nam.

Cắt cơn lạm phát hiện nay thực sự là một vấn đề cấp bách. Chính phủ mới đây đã triển khai một loạt biện pháp mạnh, yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng hoá, vàng, ngoại tệ... Gặp báo chí sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng tuyên bố tăng lãi suất để giảm cầu đầu tư và kiềm chế lạm phát. Dù lãi suất tăng cao chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhưng “liều thuốc đắng”’ này là sự đánh đổi cần thiết để có được ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, các biện pháp “bàn tay sắt” để bình ổn giá chỉ mang tính chất cấp thời chứ không phải giải pháp căn cơ, lâu dài. Mặt khác, những quyết định hành chính rất dễ bị phản ứng khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Ngân hàng Nhà nước cần được trao nhiều quyền hơn, tăng tính độc lập trong hoạch định, điều hành, phản ứng chính sách tiền tệ. Một đồng nội tệ ổn định sẽ không tạo ra “những mảnh đất màu mỡ” để những cơn sốt giá có đất “nhảy múa” cũng như triệt tiêu tâm lý đầu cơ tích trữ vàng, ngoại tệ phòng rủi ro. Tiến tới xóa bỏ tình trạng xem vàng, đô-la như các đồng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Ngoài ra, thắt chặt chính sách tiền tệ cần phải đi đôi với thắt chặt tài khóa, rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công không hiệu quả nhất là với các doanh nghiệp nhà nước, giảm bội chi và thâm hụt ngân sách. Cuối cùng, cần dũng cảm từ bỏ tư duy chạy đua chỉ tiêu tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, bền vững, hiệu quả thay vì chiều rộng như hiện nay vì tăng trưởng chưa hẳn đồng nghĩa với phát triển./.

Theo TCCS điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất