Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 19/11/2009 20:50'(GMT+7)

Ông Phạm Hồng Phong - Chủ tịch Hội Người VN tại Dresden (Đức):Không hô hào mà phải hành động

Ông Phạm Hồng Phong (thứ hai, trái sang) trao tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt.

Ông Phạm Hồng Phong (thứ hai, trái sang) trao tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt.

Đây là cơ hội để kiều bào hướng về tổ quốc, không phải chỉ qua những lời hô hào, mà bằng hành động cụ thể để giúp xây dựng đất nước" - ông Phạm Hồng Phong - Chủ tịch Hội Người VN tại Dresden (Đức) - nhận định.

* Một trong những mục tiêu của hội nghị là xây dựng một cộng đồng người VN đoàn kết, vững mạnh, hướng về đất nước. Ông có góp ý gì cho hội nghị để đạt được mục tiêu này?

- Bất cứ một người con Việt Nam nào xa xứ cũng luôn có tấm lòng đau đáu dõi về quê hương. Đó chính là yếu tố để gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Để có thể tập hợp người VN ở nước ngoài thành một khối đoàn kết thì việc tổ chức các hội nghị, các diễn đàn để bà con trao đổi, gặp gỡ là cần, nhưng chưa đủ. Những chương trình, mục tiêu được xây dựng sau hội nghị rất cần được khuếch trương, được giải thích cặn kẽ đến những người chưa có điều kiện về dự đại hội, thông qua con đường ngoại giao, qua các sứ quán đến các hội người VN ở mỗi nước.

* Chính phủ VN đã sớm kêu gọi kiều bào góp phần xây dựng quê hương, nhưng đến nay, số lượng trí thức, doanh nhân kiều bào về nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự. Nhận định của ông về vấn đề này?

- Tôi nghĩ nguyên nhân là từ cả hai bên. Chính phủ VN đã có lời hiệu triệu, đã có những quyết định, chủ trương lớn, nhưng lại chưa có được các quyết sách cụ thể cho Việt kiều đóng góp công sức, tài lực.

Về phía kiều bào, không thể phủ nhận một bộ phận lớn cá nhân chưa về nước, hoặc có về nhưng lại chỉ nghe những thông tin chưa đúng về tình hình đất nước. Nhưng tôi hy vọng, con số hơn 900 kiều bào về dự hội nghị lần này sẽ trở thành cấp số nhân trong cộng đồng người VN ở nước ngoài để tiếp tục phát đi những hình ảnh về một đất nước VN đang phát triển và cởi mở.

* Duy trì tiếng Việt đang là thách thức lớn đối với cộng đồng người VN ở nước ngoài. Hội Người VN tại Dresden đối phó với khó khăn đó như thế nào?

- Cộng đồng người VN ở Đức luôn cố gắng nhắc nhở nhau dù đang học tập, sinh sống ở đất nước sở tại, nhưng không rũ bỏ gốc gác. Chúng tôi góp phần xây dựng nước Đức, nhưng đồng thời ý thức mình là một bộ phận không tách rời của VN. Chỉ như thế, chính quyền và người dân địa phương cũng mới tôn trọng chúng tôi. Không ai lớn lên mà không có nguồn cội. Vì vậy, việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba là trách nhiệm của mỗi gia đình.

* Xin có câu hỏi cuối. Sự kiện ông Philipp Roesler - một người Đức gốc Việt - được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Y tế Đức tác động như thế nào đến cộng đồng người VN tại Đức, thưa ông?

- Đó không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng VN, mà của các cộng đồng da màu khác tại Đức. Báo chí Đức đã có những bài ca ngợi nỗ lực vượt khó của ông Philipp Roesler và ca ngợi VN mà tôi đọc thấy cảm động vô cùng. Trước Bộ trưởng Philipp Roesler, chưa từng có bất cứ người nào mang dòng máu ngoại quốc lại được bổ nhiệm vào vị trí cao đến vậy trong chính quyền Đức. Điều này đã tạo nên sự hỗ trợ rất lớn về quan hệ và uy tín của người VN ở Đức nói riêng và nước ngoài nói chung.

- Xin cảm ơn ông!


Kiều bào Pháp, Đức, Trung Quốc ủng hộ đồng bào lũ lụt

Ngày 18.11, đại diện kiều bào Pháp, Đức, Trung Quốc đã trao tiền ủng hộ các nạn nhân lũ lụt và các hoạt động xã hội khác tại VN thông qua Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, Hội Thân hữu Việt kiều tại Ai Lao (Pháp) góp 2.000 euro cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung và 3.000 euro cho chương trình “Trái tim cho em”.

Hiệp hội kiều bào tại Dresden và các vùng lân cận đóng góp 4.350 euro. Hội Người Hải Phòng ở Đức giúp 30 triệu đồng cho đồng bào lũ lụt miền Trung và Hội Người VN tại Vân Nam (của kiều bào và du học sinh) góp 4.700USD.

Chủ nhiệm Uỷ ban về Người VN ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn:
Phải bảo vệ kiều bào, trước khi kêu gọi họ về nước làm ăn

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có một đặc thù là có một bộ phận không nhỏ ra đi bởi hận thù sau chiến tranh. “Chúng ta khép lại quá khứ để nhìn vào tương lai. Đất nước thống nhất, nhưng bà con chưa đoàn kết là chưa trọn vẹn” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

Theo ông, tình cảm của người dân trong nước dành cho bà con bên ngoài là tình cảm người thân dành cho người thân, ruột thịt dành cho ruột thịt, bà con là máu mủ của chúng ta, chúng ta luôn dành cho bà con những tình cảm từ tấm lòng, từ trái tim của mỗi người dân trong nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, cách nhìn nhận, đánh giá về kiều bào cũng đã khác trước. “Chúng ta nhìn nhận bà con bên ngoài cũng có những khó khăn như trong nước, tức là chúng ta phải bảo vệ bà con trước đã. Những người sống xa quê hương, xa đất nước thì chúng ta phải bảo vệ, hỗ trợ, để bà con thấy được những tình cảm chân thành nhất chúng ta là một gia đình, để bà con có niềm tin vào sự phát triển tương lai của đất nước. Sau đó, chúng ta mới kêu gọi bà con đầu tư và về làm ăn trong nước tuỳ theo khả năng của từng người” - ông nhận định.

Phương Thuỷ (Lao động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất