Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng cho rằng Huỳnh Khương An đã tiếp
thu các tư tưởng tự do và bác ái của một nước Pháp bị chiếm đóng nhưng
quyết tâm kháng chiến chống phátxít Đức.
Lễ tưởng niệm và gắn biển tôn vinh chiến sỹ chống phátxít, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, Huỳnh Khương An đã được tổ chức trọng thể sáng ngày 24/10 tại tòa nhà số 6, đại lộ Porte Brancion, quận 15, Paris, dưới sự chủ trì của chính quyền thành phố Paris.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, đại diện các Hội Ái hữu, Hội cựu chiến binh Pháp và đông đảo kiều bào Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp đã tham dự buổi lễ.
Tòa nhà số 6, đại lộ Porte Brancion là nơi chiến sỹ chống phátxít Huỳnh Khương An đã từng sinh sống cùng người bạn đời là bà Germaine Barjon, trước khi bị phátxít Đức xử bắn ngày 22/10/1941 tại thành phố Châteaubriant, miền Bắc nước Pháp.
Huỳnh Khương An sinh ngày 7/4/1912 tại Sài Gòn. Năm 15 tuổi, ông sang Pháp và học trường trung học Du Parc tại thành phố Lyon.
Sau khi được cấp bằng bằng cử nhân văn chương tại Đại học Toulouse vào cuối năm 1938, ông dự định học tiếp lên bậc thạc sỹ tại Paris. Năm 1940, ông được trường Carnot, tại Versailles, ngoại ô Paris nhận làm giáo sư thực tập.
Trong quá trình học đại học, ông tự trau dồi cho mình nhận thức chính trị và tích cực tham gia nhiều hoạt động và phong trào có tư tưởng tiến bộ tại Pháp.
Từ năm 1936, khi còn ở Lyon, ông đã đảm nhiệm chức vụ Thư ký Hội sinh viên cộng sản. Tổ chức này thường xuyên tổ chức các hoạt động đoàn kết với các trường đại học lớn thông qua các cuộc đình công của tầng lớp thợ thuyền, nhất là những người công nhân tại công xưởng Berliet tại thành phố Vénéssieux.
Đây cũng là thời điểm ông quen biết bà Germaine Barjon - một nữ chiến sỹ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại tổ chức "Những người bạn của Liên Xô" và từ đó gắn bó với bà.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, nước Đức phátxít xâm lược Pháp, ông tham gia các hoạt động bí mật, phát truyền đơn của Đảng Cộng sản Pháp và hội "Những người bạn của Liên Xô" nhằm tuyên truyền và kêu gọi người dân Pháp tham gia kháng chiến.
Ông nghe đài phát thanh Moskva và lấy thông tin từ đó để viết các bài cho tờ báo được phát hành bí mật tại Pháp có tên gọi "Nước Nga ngày nay.''
Khi được nhận làm giáo sư thực tập tại trường Carnot ở Versailles, ông vừa hành nghề để kiếm sống đồng thời vẫn tiếp tục các hoạt động bí mật trong tổ chức kháng chiến của mình.
Tháng 6/1941, ông bị bắt và đưa đến giam tại trại Choisel ở Châteaubriant. Ngày 20/10/1941, khi một sỹ quan Đức bị những người kháng chiến tấn công tại thành phố Nantes, phátxít Đức đã ra lệnh xử tử hơn 50 tù binh người Pháp để trả đũa cho hành động tấn công sỹ quan Đức.
Ngày 22/10/1941, 27 tù nhân ở trại Choisel bị dẫn đến trường đua Châteaubriant và bị xử bắn. Huỳnh Khương An là một trong số những người kháng chiến đó.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, Phó Thị trưởng thành phố Paris, bà Catherine Vieux-Charier đã nhắc bối cảnh nước Pháp vào thời điểm đen tối khi nước Đức phátxít đang trở thành lò lửa chiến tranh, tiến hành xâm lược nước Pháp và đánh chiếm gần như toàn bộ châu Âu, trong khi đó chính phủ bù nhìn của Thống chế Philippe Pétain tại Vichy lại hợp tác với Đức để bắt giam và xử bắn nhiều chiến sỹ yêu nước, tham gia phong trào kháng chiến chống Đức.
Bà ca ngợi hành động dũng cảm cũng như thái độ chính trị rõ ràng của Huỳnh Khương An là đứng về phía những người kháng chiến nhằm chiến đấu chống lại quân Đức.
Bà cũng cho rằng sự hy sinh của Huỳnh Khương An và các đồng chí của mình 73 năm trước đã góp phần vào việc giải phóng nước Pháp, đem lại cuộc sống tự do cho hàng triệu người dân đồng thời nhắc nhở mọi người phải sống xứng đáng với những người đã chiến đấu và hy sinh cho tự do ngày hôm nay.
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng cho rằng Huỳnh Khương An đã tiếp thu các tư tưởng tự do và bác ái của một nước Pháp bị chiếm đóng nhưng quyết tâm kháng chiến chống phátxít Đức.
Theo Đại sứ, chính các tư tưởng và giá trị đó đã khiến nhà giáo Huỳnh Khương An cầm vũ khí đồng thời với phấn và bút trên bục giảng.
Sự hy sinh của ông và các đồng chí của mình đã trở thành biểu tượng cho ý chí không lay chuyển của người Pháp chống lại phátxít Đức cũng như khát vọng chung về hòa bình và tự do của các dân tộc trên toàn thế giới. Đây đồng thời cũng là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế./.
Theo TTXVN