(TG)-Chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng” tái hiện rõ nét
hào khí Thăng Long, lòng quả cảm, khát vọng hòa bình của quân và dân Hà
Nội, niềm vui chiến thắng trong ngày giải phóng, một Hà Nội nhẹ nhàng,
sâu lắng trong truyền thống ngàn năm và một Hà Nội mạnh mẽ trong thời kỳ
đổi mới.
Tối 10/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng” tại các địa điểm, di tích lịch sử của Hà Nội như: Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt bao gồm các chương trình: Tạm biệt Hà Nội, Ngời sáng Điện Biên, Hà Nội ngày trở về, Non sông liền một giải, Hà Nội linh thiêng và tỏa sáng. Thông qua chương trình, người dân trong cả nước đã được nghe lại những câu chuyện lịch sử từ những ngày đầu kháng chiến, cho đến ngày giải phóng Thủ đô và một Hà Nội tiếp tục tỏa sáng trong giai đoạn hiện nay.
Đúng 8h tối, cầu truyền hình với chủ đề "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng" được bắt đầu với hình ảnh về Hà Nội nhìn từ trên cao với không khí rộng ràng, tấp nập, những đường phố nhộn nhịp, tòa nhà cao tầng, rồi những hình ảnh rực rỡ sắc màu khi Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng. Các nghệ sĩ Trung Kiên-Đăng Dương- Minh Quân trình bày ca khúc “Hà Nội-Niềm tin và hy vọng”, cùng với những hình ảnh Hà Nội tại các thời điểm lịch sử trên sân khấu. Khán giả cả nước một lần nữa được ngắm nhìn lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc nhật lệnh trong lễ kỷ niệm ngày Trung ương về Thủ đô.
* Cùng thời điểm hiện tại, ở sân khấu trước nhà Đại bái, Văn Miếu, Quốc Tử Giám đang diễn ra chương trình "Hương sắc Hà Nội". Chương trình là sự kết hợp tinh tế, uyển chuyển giữa những nhà thiết kế thời trang, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân làng nghề, diễn viên để trình diễn một đêm nghệ thuật mang tính chất liên hoàn , tôn vinh những nét tinh hoa nhất của hương sắc Hà Nội. Chương trình "Hương sắc Hà Nội" gồm 10 màn trình diễn liên hoàn, trong đó có 5 màn trình diễn áo dài truyền thống Hà Nội với các BST "Sắc màu tuổi thơ" của NKT-NSƯT Đức Hùng; BST "Hà Nội 36 phố phường" của NTK Ngọc Hân và Võ Thuỳ Dương; "Nồng nàn Hà Nội" của NTK Anh Thư; "Sen Hà Nội" của NTK Lan Hương và cuối cùng là màn trình diễn "Người Hà Nội" của NTK-NSƯT Đức Hùng. Thông qua sân khấu được sắp đặt và tương tác, một không gian sống động được tạo ra, phác hoạ sinh động những giá trị nghệ thuật và văn hoá, vật thể, phi vật thể của Hà Nội. Qua đó, biểu hiện được văn hoá truyền thống và hơi thở thời đại, thành quả của lao động, nghệ thuật và tinh thần nhân văn của Người Hà Nội, thành phố biểu tượng của Hoà bình, trái tim nhân văn của cả nước, trí tuệ dân tộc.
|
|
* Tại sân khấu Quảng trường Cách mạng tháng 8 – Nhà Hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật “Tháng mười Hà Nội” được dàn dựng công phu với quy mô hoành tráng theo hình thức bán sử thi. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca, múa, nhạc, kết hợp hình ảnh các phim, phóng sự, tài liệu làm toát lên âm hưởng ngợi ca Hà Nội với nội dung: Hà Nội - Một thời Hoa lửa; Thời hòa bình và 30 năm đổi mới và Thành phố vì Hòa Bình.
Khán giả Thủ đô đã được thưởng thức những ca khúc về bất hủ về Hà Nội như: Người là niềm tin tất thắng, Người Hà Nội, Mong về Hà Nội, Chiều Hồ Gươm, Nhớ về Hà Nội, Tiến về Hà Nội, Bài ca Hà Nội, Trời Hà Nội xanh.... với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sỹ tên tuổi tham gia như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy, NSƯT Hoàng Chè, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Quốc Hưng, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương…và các nghệ sỹ của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.
* Tại điểm cầu Hoàng Thành Thăng Long-nơi linh thiêng của Hà Nội đang là Tiết mục nghệ thuật Sức trẻ do các sinh viên Hà Nội trình bày. Hình ảnh hơn 1.000 bạn trẻ trong đồng phục xanh, đỏ biểu diễn tiết mục Flaschmos trên nền nhạc trẻ trung, sôi động cho thấy một sức trẻ đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ Thủ đô.
Trở lại cầu truyền hình, khán giả đã được trò chuyện với ông Doãn Thạch Khôi, người đã tham gia tiến vào Thủ đô năm xưa, bồi hồi nhớ lại thời kỳ cách đây 60 năm, nhớ về công tác chuẩn bị để tiến vào Thủ đô, ngày đầu tiến vào Thủ đô; ông Lê Văn Ba, cựu học sinh kháng chiến Hà Nội, chia sẻ về sự chuẩn bị kỹ càng cho sự kiện ngày 10/10, đặc biệt là việc may các lá cờ.
Khán giả cả nước cũng được xem phóng sự về Hà Nội những năm đầu hòa bình lập lại. Người dân Thủ đô hăng say xây dựng cuộc sống mới, nhưng không lâu sau đó lại đối mặt với nhiều thử thách khi cuộc chiến mới bắt đầu xảy ra. Thêm một lần nữa, Thủ đô lại tiễn những người con thân yêu đến vùng máu lửa. Bất chợt, tiếng còi báo động vang lên trong trường quay, gợi nhắc đến tiếng còi này trong những năm chiến tranh bắn phá tại Hà Nội khi người dân Hà Nội bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ bảo vệ Thủ đô. Tiếng còi mang ý nghĩa đặc biệt, vừa là còi báo động vừa là còi báo yên. Ai đã từng trải qua thời gian này đều khó mà quên được tiếng còi báo động một thời chống Mỹ tại Hà Nội.
|
|
Hình ảnh chiếc xe đạp đặc trưng của những năm sơ tán, cồng kềnh chở hành lý cũng được tái hiện lại trong chương trình nghệ thuật “Hà Nội: Niềm tin và Hy vọng”. Chiếc xe đạp cũng là phương tiện dân công tải đạn cho Điện Biên trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, lại là phương tiện chính cho các gia đình Hà Nội về sơ tán. Và Hà Nội những năm bao cấp, khi đối mặt khó khăn hậu chiến, vẫn lạc quan để vượt qua. Những ký ức về thời xếp hàng mua thực phẩm, nhớ những tiến rao hàng; tiếng tàu điện leng keng… chợt ùa về; tiếp đó là hình ảnh về Hà Nội tươi sáng với những ngôi nhà cao vút, những gương mặt trẻ trung, những nụ cười rạng rỡ… Đó cũng là niềm tin về một tương lai tốt đẹp là sức mạnh lớn nhất của người Việt Nam và người dân Thủ đô để vượt qua khó khăn của dân tộc, giành chiến thắng và xây dựng đất nước. Hà Nội đang trong công cuộc xây dựng và hiện đại hóa sẽ đứng trước nhiều thử thách nhưng chắc chắn với những gì đã làm được trong lịch sử, người Hà Nội luôn có quyền hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho Thủ đô, nơi mà ngày hôm nay đã được tập trung bởi nhiều sức trẻ của những công dân mới.
Đúng 9 giờ, tại 30 điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã đồng loạt bắn pháo hoa mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Những màn pháo hoa rực rỡ, nhiều sắc màu. Những gương mặt của người dân Thủ đô vui tươi, háo hức, bồi hồi, xúc động nhớ về những ngày cách đây 60 năm khi Thủ đô được giải phóng.
Có thể khẳng định, chương trình nghệ thuật “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng” tái hiện rõ nét hào khí Thăng Long, lòng quả cảm, khát vọng hòa bình của quân và dân Hà Nội, niềm vui chiến thắng trong ngày giải phóng, một Hà Nội nhẹ nhàng, sâu lắng trong truyền thống ngàn năm và một Hà Nội mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới. Chắc chắn, những người Hà Nội sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức, cùng nhau xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, một thành phố vì hòa bình.
Thu Hằng