Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Hai, 21/3/2011 11:26'(GMT+7)

Phải chăng cũng là “tứ chứng nan y”?

“Xin đúp mà cũng khó...”

“Xin cô cho cháu học lại một năm nữa cô ạ!”. Trong buổi họp phụ huynh kết thúc năm học cho con, tôi chợt nghe được câu nói "lạ tai" kia trong đoạn hội thoại của một vị phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm. Ngỡ mình nghe nhầm.

- Thưa cô, gia đình tha thiết đề nghị cô cho con ở lại lớp. Con học thêm một năm nữa cũng được cô ạ.

- Sao bác đề nghị lạ thế? Cô giáo đáp lại vẻ phân trần. - Người ta xin điểm thêm cho con thành học sinh khá, giỏi hoặc từ yếu kém lên trung bình không được, đằng này bác lại xin cho con lưu ban lại lớp sau. Thật không hiểu nổi.

- Xin cô hiểu cho. Cháu học kém quá, kiến thức rỗng nhiều, cho cháu học lại một năm nữa để cháu có điều kiện bù lại những lỗ hổng kiến thức. Gia đình cũng....

Mặc dù vị phụ huynh đã hết sức năn nỉ "cho con ở lại lớp" nhưng cô giáo vẫn tiếp tục thuyết phục để vị phụ huynh đó cho con mình lên lớp.

Sau khi trao đổi được với vị phụ huynh nọ, câu chuyện thì ra là thế này, cô giáo cũng có cái "khó" của cô. "Trên" đã quy định rồi, mỗi lớp phải đạt số học sinh khá giỏi như quy định và không có học sinh yếu kém, lưu ban thì mới đạt danh hiệu lớp tiên tiến, cô giáo mới đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Vì vậy, ở nhiều lớp xảy ra tình trạng cô giáo phải tự nâng thêm điểm cho học sinh để đạt chỉ tiêu đề ra. Em học sinh con của vị phụ huynh này nằm trong số đó. Tuy em học quá kém nhưng cô giáo cũng nâng điểm cho em thành học sinh có học lực trung bình để lên lớp.

Đó cũng là lời giải cho hiện tượng “phổ cập học sinh... giỏi” hiện nay. Một lớp học chừng 30 em thì có đến 20 em học sinh giỏi, chừng 7 - 8 em học sinh tiến tiến, còn lại 1 - 2 em học sinh trung bình, cũng có lớp “xuất sắc” quá nên chẳng có học sinh trung bình. Trong số 28 - 30 em ấy, có bao nhiêu em là học sinh giỏi thực sự, tiên tiến thực sự? Hay bây giờ, “Con cháu chúng ta giỏi thật?”.

“Cấy đêm” (!)

Ngày ấy, tôi còn là một “anh lính mới 100%” của ngôi trường mà tôi đang dạy bây giờ. Mới về trường, nhiều điều mới mẻ, vui có, buồn có đến với tôi. Có những điều đã trở thành những kỷ niệm khó phai. Nhưng câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây, không biết gọi nó là kỷ niệm vui hay buồn.

Kết thúc học kỳ đầu tiên trong đời giáo viên của tôi, tôi đang miệt mài ngồi cộng điểm thì bác Thu, dạy lịch sử, bước vào văn phòng. Chú Ánh, dạy Sinh, tươi cười hỏi:

- Anh đã cấy xong chưa? Em hì hục cấy cả đêm giờ mới tạm ổn.

Tôi "mắt tròn, mắt dẹt" hỏi như người mới ở cung trăng rơi xuống:

- Nhà bác Thu ở ngoài thị xã mà cũng có ruộng cấy à? Mà sao chú Ánh lại phải đi cấy đêm ạ?

Tất cả mọi người có mặt trong văn phòng đều phá lên cười, có người cười chảy nước mắt, vì sự ngô nghê của tôi. Tôi chưa kịp hỏi xem vì sao mọi người cười thì trống vào lớp đã điểm. Tôi lên lớp với một câu hỏi lớn trong đầu.

Giờ ra chơi tiếp theo tôi mới được vỡ nhẽ cái điều làm tôi băn khoăn. Chú Ánh hỏi bác Thu đã "cấy" xong những điểm còn thiếu vào sổ điểm chưa, còn chú thì đã hì hục "cấy" cả đêm cũng là công việc ấy. Thì ra ở trường tôi có “lệ” như vậy. Vì ngại chấm bài, hoặc muốn nâng điểm học sinh cho đủ với... thành tích, nên một số giáo viên chỉ chấm một số bài đầu học kỳ để biết trình độ chung của từng em. Sau đó cứ tùy theo trình độ ấy mà "cấy" (cho thêm điểm) cho đủ điểm hệ số. Vì vậy, nhiều khi là điểm khống chứ không phải điểm kiểm tra thật. Đã xảy ra một tình trạng dở khóc, dở cười là có một em học sinh bị tai nạn đã mất từ đầu học kì II mà cuối năm cô giáo vẫn đọc đủ điểm tổng kết của em đó. Khi cả lớp nhao nhao lên rằng: "Thưa cô, bạn ấy mất rồi ạ" thì cô giáo mới... nhận ra. Thì ra, trong khi mải miết "cấy" cô đã quên mất điều đó nên cứ thấy em nào còn thiếu điểm thì "cấy" thêm vào.

Và có phải “đem con bỏ chợ, đánh trống bỏ dùi”?

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về một căn bệnh đã trở thành nan y của ngành giáo dục: Bệnh thành tích! Đáng buồn, căn bệnh này đã nhiễm sâu vào tư tưởng nhiều người đến mức như vậy. Thật đáng tiếc, cả một số thầy cô, - những người được xã hội giao cho trọng trách "trồng người", cũng không đủ khả năng "miễn dịch" với "căn bệnh truyền nhiễm" nguy hiểm đó.

Và rồi, phong trào “Ba không” được phát động rầm rộ trong ngành giáo dục, đặc biệt, nói “không” với bệnh thành tích trong học tập, thi cử... được hưởng ứng tích cực nhất. Người người, nhà nhà phấn khởi, hy vọng ngành giáo dục nước nhà sẽ sang trang mới. Nhưng, dường như tất cả lại đang trở về... “mo” khi những khẩu hiệu khó trở thành hiện thực và dần rơi vào quên lãng, hoặc vẫn được phát động ở một số nơi theo kiểu hình thức (lại một bệnh nan y nữa).

Căn bệnh thành tích dường như không thuyên giảm mà còn có phần trầm trọng hơn. Một phụ huynh giật mình khi nhìn thấy con mình (học sinh lớp 2) làm bài thi tìm hiểu Nghìn năm Thăng Long, bài thi gồm hơn chục câu hỏi trắc nghiệm vào dạng hóc búa với cả nhiều người lớn và một bài... tự luận về bốn câu mở đầu trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, yêu cầu học sinh nêu những suy nghĩ, cảm xúc của mình về Hà Nội nghìn năm.

Thấy đề thi khó, nhiều phụ huynh hỏi con, thì được trả lời: “Phần thi trắc nghiệm cô giáo đã đọc cho chúng con lựa chọn đáp án rồi, còn phần tự luận cô bảo... về nhờ mẹ giúp!”.

Đây, cũng lại chỉ là một trong rất nhiều triệu chứng của căn bệnh thành tích hiện nay, và ngày càng biến tướng theo những chiều hướng phức tạp. Ai, liệu pháp gì có thể chữa được căn bệnh này? Một câu hỏi lớn... chưa lời đáp, bởi một trong những người đấu tranh tích cực nhất với căn bệnh này, người đã từng trở thành “Người đương thời” trên VTV3, đã từng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến tận nhà khen ngợi, đã phải tự viết đơn xin thôi việc bởi sự trù dập “hội đồng” của những người sống nhờ căn bệnh nan y đó, mà chưa thấy một ai đưa tay cứu vớt, khác nào “mang con bỏ chợ, đánh trống bỏ dùi”./.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất