Chiều khá muộn, nhưng căn nhà của cụ Hoành đèn điện sáng trưng và không khí vẫn rất sôi nổi. Thấy lạ, tôi tò mò lại gần tìm hiểu và được biết: Các cụ trong khu phố đang bàn thảo nội dung chuẩn bị cho cuộc họp chi hội người cao tuổi diễn ra vào chiều ngày hôm sau.
Chứng kiến không khí thảo luận sôi nổi của các cụ, tôi tự đặt câu hỏi: Vì sao bây giờ không ít hội nghị không khí tranh luận, thảo luận lại hết sức trầm lắng. Có hội nghị tính chất rất quan trọng nhưng phần lớn thời gian chỉ duy nhất một người diễn thuyết là người chủ trì hội nghị, còn hầu hết các thành viên tham gia, nếu được chỉ định phát biểu thì cũng chỉ nhắc lại những gì mà bản dự thảo đã nêu, hoặc phát biểu cho có phát biểu. Điều đặc biệt nguy hại là không tham gia phát biểu tại hội nghị, nhưng bên lề, hoặc những ngày tiếp theo, không ít người tỏ rõ thái độ phản đối những chủ trương, quyết sách mà chính mình cũng là một thành viên giơ tay biểu quyết.
Đem những suy nghĩ trên trò chuyện với cụ Hoành, tôi nhận được nhiều điều chí lý từ một người từng trải. Cụ Hoành cho rằng, trước hết cần xem lại nội dung của từng hội nghị. Nội dung hội nghị mà không đề cập đến những vấn đề được các đại biểu quan tâm, hoặc vượt quá khả năng phân tích, đánh giá của những người tham dự, thì dù chủ tọa có muốn, họ cũng chẳng biết “phát” thế nào. Thứ hai, một điều hết sức quan trọng là liệu chính người chủ trì có “thích” nghe đại biểu phát biểu không. Bởi khi đã phát biểu thì thường có hai loại ý kiến: Một là ủng hộ, hai là phản đối. Loại ý kiến phản đối, thường thì ít người chủ trì hội nghị thích nghe.
Từ phân tích của cụ Hoành, có thể thấy việc chuẩn bị nội dung hội nghị là hết sức quan trọng. Chuẩn bị chu đáo nội dung, sát với tình hình, nêu rõ được vấn đề cần đề cập chính là điều kiện để các đại biểu tham gia thảo luận, hiến kế. Nội dung chung chung, thiếu thực tế thì thật khó để các đại biểu có căn cứ thảo luận. Mặt khác, thành phần triệu tập cũng cần có sự lựa chọn. Một điều có ý nghĩa quyết định chính là tinh thần lắng nghe của người chủ trì. Việc lắng nghe ý kiến của các thành viên tham gia hội nghị không chỉ là trách nhiệm của người chủ trì, mà còn phải thể hiện nguyện vọng, tuyệt đối cần tránh tư tưởng áp đặt cho rằng: Những ý tưởng được mình đưa ra là “thượng sách”. Mặt khác, khi đã tiếp thu và kết luận theo sự đóng góp của đa số đại biểu, người chủ trì hội nghị (thường là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị) cần triển khai thực hiện đúng theo tinh thần đó. Đây cũng là điều vẫn diễn ra trong thực tế nên dẫn đến tâm lý chán nản, bởi giá trị của những đóng góp không trở thành hiện thực…
Hội họp dù ở cấp nào cũng hết sức cần thiết, để thống nhất nhận thức, ý chí, quyết tâm cao của tập thể trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Hội họp cũng chính là nhằm quy tụ trí tuệ tập thể, tìm ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc. Chống độc thoại trong hội họp cũng là hình thức để mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận trong mỗi cơ quan, đơn vị và toàn xã hội./.
(Theo: Lê Long Khánh/QĐND)