Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 12/1/2013 16:39'(GMT+7)

Phải chăng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý là quan trọng nhất?

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn coi trọng xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Trong mỗi giai đoạn, tùy theo nhiệm vụ từng thời kỳ mà có các định hướng chiến lược, nhiệm vụ, tiêu chí của nguồn nhân lực khác nhau. Trong những năm đổi mới, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực của ta đã góp phần đặc biệt quan trọng làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, điều đó cần khẳng định. Tuy vậy, Đảng ta cũng thấy rõ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đang là một “điểm nghẽn” cho sự phát triển.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Trước những biến động rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cần tiếp tục coi trọng xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh, bồi dưỡng nguồn cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, kiên cường, tinh nhuệ, một lòng vì nước vì dân để bảo đảm hoàn thành sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ mới, tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ kinh tế tri thức, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Đảng ta đã chỉ rõ phải xây dựng đồng bộ bốn loại nhân lực chất lượng cao, đó là:

Các nhà lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, một lòng vì nước vì dân, có kiến thức kịp thời đại, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa, có khả năng đoàn kết để tập hợp lực lượng tổ chức thực hiện thành công đường lối, định hướng chiến lược phát triển các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các nhà văn hóa, khoa học tài năng, có kiến thức sâu rộng, trở thành các chuyên gia có sức sáng tạo, góp phần thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các doanh nhân tâm huyết với đất nước, có tầm nhìn xa và rộng, có khả năng quản lý doanh nghiệp để tạo những sản phẩm hàng hóa đủ sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu có uy tín ở trong nước và trên thế giới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đông đảo những người lao động có tay nghề cao, có khả năng sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có khả năng ứng dụng và sáng tạo trong lao động.

Trong các loại nhân lực đó thì loại nào là quan trọng nhất? Chắc hẳn “cả bốn” đều rất quan trọng, mỗi loại quan trọng ở một lĩnh vực, nhưng phải chăng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp chiến lược là quan trọng nhất? Đó là người đứng đầu các bộ, các ngành, các viện, các cấp và cao hơn, ở cấp lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ. Tôi hiểu rằng, vai trò của người đứng đầu trước hết là vai trò định hướng chính sách đúng, tập hợp được lực lượng với các khuynh hướng khác nhau, chọn lựa con người đúng người tài, đức... nêu gương và quyết tâm tổ chức đường lối, chủ trương, chính sách.

Đánh giá về cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, bên cạnh những ưu điểm làm nên thành công trong sự nghiệp đổi mới không thể phủ nhận, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược cán bộ, thẳng thắn chỉ rõ những mặt yếu kém, bất cập, và đặc biệt nhấn mạnh trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp, ngoại ngữ, khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu. Về mặt đạo đức, nhân cách, Văn kiện Hội nghị nêu rõ: Một bộ phận cán bộ chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì trệ, mắc bệnh thành tích; số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu, nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức phê bình, tự phê bình và tính chiến đấu kém; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân, làm việc theo kiểu quan cách mạng.

Những yếu kém cả về năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đang cản trở sự phát triển của đất nước, do đó cần trước hết nâng cao chất lượng này. Chất lượng nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu sẽ thúc đẩy việc nâng cao chất lượng các nguồn nhân lực khác.

Người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có công tâm và thực hiện dân chủ thực sự mới chọn lựa đúng người, nếu còn để tình trạng “con ông, cháu cha”, bè cánh, tệ “chạy chức”, “chạy quyền” thì làm sao đánh giá đúng, lựa chọn đúng các nhà khoa học, văn hóa thực sự tài năng và khuyến khích họ ngày càng sáng tạo giá trị mới. Đây là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia đầu đàn là lực lượng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực tinh hoa, làm nòng cốt cho việc phát triển khoa học, văn hóa.

Người lãnh đạo quản lý có tri thức, có tầm nhìn xa, không vướng vào chủ nghĩa cơ hội thực dụng, lợi ích nhóm, phe cánh thì sẽ có khả năng có những quyết sách đúng đắn, để cạnh tranh bình đẳng, qua cạnh tranh bình đẳng mà các doanh nhân yên tâm thi thố tài năng kinh doanh vì mình và vì đất nước, đủ sức tham gia cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Người lãnh đạo, quản lý có quan điểm đúng đắn, có chính sách thỏa đáng sẽ quan tâm và giúp những người lao động nâng cao tay nghề, nắm vững kỹ thuật hiện đại để ổn định việc làm và có thu nhập cao.

Người lãnh đạo, quản lý trong sáng, công tâm, biết lắng nghe mọi ý kiến thì sẽ trở thành người sáng suốt và có điều kiện làm cho cơ quan trong sạch, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung.

Tôi cho rằng, nếu có nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, có kiến thức, đạo đức trong sáng, bao dung, lắng nghe, tôn trọng đồng sự thì có khả năng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khác.

Người lãnh đạo, quản lý cấp nào cũng quan trọng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh cấp chiến lược, tức là bộ phận tham mưu, quyết định ở cấp Trung ương. Thiếu kiến thức, chọn lựa, bố trí cán bộ sai, sa vào lợi ích nhóm sẽ không có khả năng có quyết sách đúng đắn hoặc làm sai lạc chủ trương, chính sách đúng đắn. Ôm ấp “tư duy nhiệm kỳ” chỉ biết “bóc ngắn, cắn dài”, khoe khoang, hình thức sẽ gây hậu quả khôn lường cho đất nước./.

Hữu Thọ


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất