Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 26/8/2014 22:15'(GMT+7)

Phải chăng tự do tôn giáo là không có giới hạn ?

Người dân đi lễ Chùa Hương - Ảnh minh họa

Người dân đi lễ Chùa Hương - Ảnh minh họa

Ðọc tin bài của BBC, RFA, VOA,... và một số blog ở trong, ngoài nước sau khi ông H.Bi-e-lê-phen tổ chức họp báo tại Hà Nội, không khó nhận ra người ta cố tình tảng lờ việc ông cho rằng các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được cải thiện hơn trong các năm gần đây, họ chỉ soi mói vào những điểm gọi là "giới hạn tôn giáo". Trước hết cần nói rõ là ông Báo cáo viên mới chỉ đưa ra một phát biểu, một thông báo báo chí; và đại diện của Việt Nam cũng nêu rõ, việc xử lý của chính quyền trong một số trường hợp là việc làm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp nhằm bảo vệ an ninh trật tự, kỷ cương phép nước mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều thực hiện để giữ vững sự ổn định xã hội, được nhân dân và hàng triệu tín đồ tôn giáo chân chính hoan nghênh. Ðó là sự thật và do đó, đề cập tới tự do tôn giáo, không thể không nhắc tới giới hạn của tự do tôn giáo, vì đó là hai mặt của một vấn đề.

Theo Ðiều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thì tôn giáo hay tín ngưỡng có thể phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định, các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản, quyền tự do của những người khác. Các quy định tương tự cũng được đề cập trong khoản 2 Ðiều 9 Công ước châu Âu về nhân quyền. Vì thế, đánh giá các "giới hạn tôn giáo" ở một quốc gia cần có cái nhìn tổng quát, khách quan, dựa trên điều kiện cũng như hoàn cảnh lịch sử, đồng thời chú ý tới hiện tượng mà rất nhiều bằng chứng cho thấy, tuy cùng là một sự việc nhưng lại có những đánh giá khác nhau, có khi còn trái ngược nhau.

Một thí dụ là việc đánh giá về tổ chức Scientology. Scientology (tạm dịch là Khoa luận giáo) ra đời, phát triển nhất tại Mỹ. Ở đây, tổ chức này được công nhận là một cộng đồng tôn giáo và được hưởng chế độ miễn đóng thuế cho các nhà thờ. Tuy nhiên ở châu Âu, lại có chỉ vài nước công nhận Scientology là tổ chức hay phong trào tôn giáo. Ở CHLB Ðức, tháng 6-1997, tại Hội nghị thường niên của Bộ trưởng Nội vụ các tiểu bang đã thống nhất đưa ra nghị quyết sử dụng cơ quan bảo vệ hiến pháp (tức cơ quan tình báo đối nội) để theo dõi Scientology. Thông thường, trước khi một tổ chức bị cấm tại CHLB Ðức, cơ quan chuyên trách sẽ phải theo dõi chặt chẽ và thu thập bằng chứng, khi có đầy đủ chứng cứ sẽ tiến hành thủ tục cấm. Thông tin thu thập cho thấy tổ chức này có những hoạt động mang tính chất chính trị chống lại chế độ xã hội.

Năm 2004, Scientology đã phát đơn kiện ra tòa án hành chính Cologne, nơi cơ quan tình báo đối nội Liên bang đặt tổng hành dinh. Ðơn của Scientology bị bác. Năm 2008, qua một phán quyết thủ tục phúc thẩm, Tòa án hành chính tối cao tiểu bang Nordrhein-Westfalen xác nhận bản án của thủ tục sơ thẩm. Ở Pháp cũng vậy, Quốc hội có những biện pháp cứng rắn với tổ chức này và cơ quan tư pháp cũng đã ra tay. Vì hoạt động của Scientology mà ngày 25-10-2009, người đứng đầu tổ chức tại Pháp bị tòa án tuyên phạt hai năm tù treo và 30 nghìn ơ-rô; ngoài ra, hai chi nhánh của Scientology bị phạt 600 nghìn ơ-rô. Cũng tại Mỹ, mọi người hẳn chưa quên sự kiện Osho (1931 - 1990).

Theo tác giả Hoàng Liên Tâm: "Osho dạy một loại thiền mới, một loại thiền động (dynamic meditation) mà ông lấy từ Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn giáo (Hinduism), Phật giáo, Lão giáo (Taoism), Thiên chúa giáo (Christianity) và một vài tư tưởng triết học nổi tiếng đương thời, rồi pha trộn thành của mình", "Ông đã thiết lập được một làng tâm linh tu học rộng lớn cách thị trấn An-te-lốp 12 dặm với một giảng đường rộng 88,000 phút vuông, một sân bay nhỏ, 4.000 hội viên thường trú, một số được trang bị súng phòng thủ".

Tại Mỹ, từng xảy ra một số sự kiện liên quan tôn giáo do Osho đứng đầu như: va chạm với cư dân địa phương, "thành phố từ chối cấp giấy phép xây cất và ra lệnh triệt hạ các cơ sở xây dựng không có giấy phép. Khi các viên chức chính quyền địa phương ngăn cản việc xây cất không phép thì văn phòng chính quyền bị nhóm người lạ mặt ném chất nổ", "Hai phụ tá cao cấp của Osho là Xa-li An, Xu-dan Ha-gan bị truy tố liên quan đến một số tội ác, bao gồm cả tội dự mưu ám sát luật sư công tố C.Tơ-nơ và bác sĩ riêng của Osho. Hai phụ tá này bị kết tội 5 năm tù với tội danh âm mưu ám sát luật sư công tố liên bang C.Tơ-nơ, trong việc ngăn chặn việc đóng cửa nông trại. Một số phụ tá khác của Osho chạy thoát về Thụy Sĩ, ở đó họ còn nắm giữ một số trương mục ngân hàng cho tổ chức "Osho"... Về sau, "Osho bị bắt giữ vì đã liên tiếp vi phạm luật di trú Hoa Kỳ. Ông bị kết tội môi giới làm giả hôn nhân cho những đệ tử mang quốc tịch Ấn kết hôn với những đệ tử mang quốc tịch Mỹ để hợp pháp hóa việc định cư. Osho cũng bị truy tố về tội khai man trên các giấy tờ di trú. Năm 1987, Osho nhận tội, bị phạt 400 nghìn USD và trục xuất khỏi Mỹ". Nên lưu ý, dù hiện nay thiền theo tinh thần của Osho đang được một số người ở Việt Nam sùng bái và lúc cao điểm cái gọi là tôn giáo do Osho đứng đầu có khoảng 200 nghìn hội viên và 600 trung tâm tu học trên thế giới, nhưng Osho vẫn bị trục xuất khỏi Mỹ !

Một vấn đề khác liên quan giới hạn tôn giáo cũng đã tranh cãi gay gắt ở châu Âu. Các tổ chức theo đạo Hồi kịch liệt phản đối việc cấm phụ nữ ở Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha mặc áo choàng che kín toàn thân theo quy định của đạo Hồi khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vi phạm quy định này, ở Pháp có hai phụ nữ đã phải hầu tòa và bị phạt tiền. Những người theo đạo Hồi cho đây là một vi phạm tự do tôn giáo. Nhưng điều cấm đó lại không có ở Ðức và quốc gia khác ở châu Âu. Nhiều khi giới hạn tôn giáo chỉ có trong một hoặc vài khu vực của một quốc gia. Thí dụ, ở Thụy Sĩ, trên cơ sở cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 22-9-2013, tại tiểu bang Te-xin cũng cấm mặc áo choàng che kín toàn thân theo quy định của đạo Hồi khi xuất hiện nơi công cộng. Ở CHLB Ðức, việc trùm khăn che đầu của nữ giới - một hành động được coi là thái độ biểu hiện sự ngoan đạo của phụ nữ theo đạo Hồi, bị cấm đối với nữ giáo viên khi làm việc, nhưng chỉ ở các tiểu bang Ba-va-ri-a, Ba-đen Vu-ten-bớc, Béc-lin, Bre-men, He-xen, No-rên Vét-pha-len. Ðiều cấm đó đôi khi được giới hạn trong phạm vi nhỏ. Ngày 24-9-2003, một phán quyết của Tòa án Hiến pháp CHLB Ðức (Tòa án cấp cao nhất) cũng gây tranh cãi trong cộng đồng đạo Hồi về giới hạn tôn giáo.

Người kiện là một phụ nữ theo đạo Hồi muốn trở thành giáo viên trường công lập và đòi được chấp nhận cho trùm khăn che đầu khi làm việc. Sau khi bị từ chối tuyển dụng, cô đã kiện qua tất cả các Tòa án trong hệ thống pháp luật. Các tòa đã thống nhất quan điểm: Sự giới hạn tôn giáo đó là đúng luật vì công chức phải có thái độ trung lập về tôn giáo khi thi hành nhiệm vụ. Ở Mỹ cũng có các giới hạn tôn giáo. Theo Ðiều bổ sung số 1 của Hiến pháp Mỹ, Quốc hội không được đưa ra văn bản nhằm thực hiện một quốc đạo và phân biệt đối xử (ưu tiên, hay đối xử không công bằng) với một tôn giáo.

Tuy trong Hiến pháp ghi Quốc hội, nhưng sau đó qua một số phán quyết của Tòa án tối cao, quy định này cũng có hiệu lực cho các tiểu bang. Tuy quy định pháp lý như thế, nhưng trong thời gian dài tổ chức Nhân chứng Giê-hô-va đã bị chịu nhiều giới hạn. Tuy tính trung lập về tôn giáo của Nhà nước được quy định và đề cao, nhưng đến nay trên các tiền giấy của Mỹ vẫn ghi rõ "In God we trust" (Chúng tôi tin tưởng ở Chúa). Khi đưa ra lời thề trước sự hiện diện của công chúng, người ta đều đặt tay lên Kinh Thánh (Bibel), song một cuộc tranh cãi đã xảy ra khi một nghị sĩ theo đạo Hồi thề với Kinh Cô-ran. Từ khi Chính phủ Mỹ phát động chương trình chống khủng bố, nhiều tổ chức, trong đó có các tổ chức tôn giáo, nhất là tổ chức của những người theo đạo Hồi, bị vi phạm quyền lợi, dù đã được ghi rõ trong Hiến pháp.

Theo quy định của khoản 1 và 2 của Ðiều 4 Ðạo luật cơ bản của CHLB Ðức (tức Hiến pháp) tự do tôn giáo và tín ngưỡng được bảo đảm. Nhưng theo các quy định của khoản 2 Ðiều 9 Hiến pháp, thì hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm, nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Ðể cụ thể hóa nguyên tắc này, một Bộ luật về hội đoàn được ban hành, thay đổi lần cuối vào ngày 21-12-2007, có hiệu lực từ 1-1-2008. Trong đó quy định cụ thể việc một hội đoàn, trong đó có thể là một tổ chức mang tính chất tôn giáo, bị cấm.

Trên thực tế, một số tổ chức tôn giáo trong thời gian qua đã bị cấm, thí dụ qua quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang, tổ chức "Kalifatsstaat" bị cấm năm 2001, tổ chức "Al-Aqsa e. V." bị cấm năm 2002... Mới đây, năm 2013, một tổ chức Hồi giáo khác theo đuổi mục đích như của "Kalifatsstaat" trước đây cũng bị nghiêm cấm ở Ingolstadt. Các nước châu Âu khác cũng có những quy định pháp lý tương tự như thế. Thí dụ, ở Cộng hòa Áo, theo các quy định của Ðiều 28 Bộ luật về hội đoàn, một tổ chức tôn giáo có thể bị giải tán, nếu tổ chức đó vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự.

Các dẫn chứng trên đây cho thấy, tự do tôn giáo không phải là không có giới hạn. Trong nhiều trường hợp, việc chính quyền một quốc gia nào đó đặt ra giới hạn cho tự do tôn giáo là cần thiết, để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, nhà nước, các cộng đồng tôn giáo khác trong một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của quốc gia đó. Sẽ là không công bằng, thiếu khách quan khi đánh giá chung về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam lại chỉ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến giới hạn tôn giáo, nhất là khi các vấn đề đó là rất cần thiết do hoàn cảnh lịch sử lâu dài để lại, có tính chất tạm thời, hoặc tôn giáo bị lợi dụng để phục vụ mưu đồ chính trị đen tối.

Theo Hồ Ngọc Thắng/NhanDan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất