Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 19/8/2014 7:31'(GMT+7)

“Với mỗi giảng viên lý luận chính trị, người học luôn là trung tâm”

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Phương Lan

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Phương Lan

Những bài học bổ ích từ cuộc sống

Vượt qua 68 thí sinh từ 25 đoàn, với các phần thi, thiết kế giáo án, thuyết trình bài giảng, ứng xử trả lời câu hỏi, giảng viên Nguyễn Phương Lan - Bí thư đảng ủy phường Lạc Viên (Quận Ngô Quyền – Hải Phòng) đã giành giải nhất Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực miền Bắc năm 2014.

Với vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, ít ai nghĩ rằng giảng viên Nguyễn Phương Lan đồng thời cũng là Bí thư chi bộ rắn rỏi của phường Lạc Viên – nơi có 9/20 chi bộ tổ dân phố nằm trong khu vực có Dự án. Ở đó, có rất nhiều vấn đề dân sinh phát sinh mà bí thư cần phải sâu, sát với cơ sở, giải quyết vấn đề.

Có lẽ bởi vậy, với phần soạn giảng và thuyết trình bài giảng “Lãnh đạo công tác xây dựng chi bộ - Bài 2: Nhiệm vụ của chi ủy và công tác của bí thư chi bộ” (Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên ở cơ sở) của chị đã hoàn toàn thuyết phục Ban Giám khảo cuộc thi. Nội dung bài giảng mang đậm hơi thở của cuộc sống và cơ sở, thể hiện rõ tâm tư, tâm trạng bí thư của các đồng chí cấp ủy viên, cùng với vấn  đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay.

Với câu hỏi của Ban Giám khảo đưa ra: “Hiện nay, giới trẻ chỉ muốn làm công tác chuyên môn và chính quyền, mà không muốn làm công tác Đảng, công tác đoàn thể. Đồng chí hãy phân tích các nguyên nhân và đưa ra giải pháp?”, giảng viên Nguyễn Phương Lan cho biết: “Tôi đã lấy chính kinh nghiệm của cá nhân mình để trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng là một người trẻ tuổi, làm công tác chuyên môn 7 năm. Sau đó, tôi được phân công làm Bí thư Quận đoàn, chuyên trách về Đoàn thanh niên trong vòng 6 năm và 3 năm làm bí thư xã phường”.

“Khi được điều động làm công tác đoàn thể, công tác Đảng, tôi cũng có những băn khoăn, suy tư. Bởi làm công tác đảng, công tác đoàn thể cần phải cố gắng rất nhiều. Đơn cử như, là một bí thư ở cơ sở, làm thế nào để thu hút các bác cán bộ, đảng viên đã ngoài 80 tuổi (bằng tuổi ông nội tôi) ủng hộ cho mình, chứ chưa nói đến công tác chỉ đạo.

Tôi cũng nghĩ rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến các bạn trẻ không muốn làm công tác đảng, công tác đoàn thể là do chế độ đãi ngộ. Không phủ nhận là một số các cán bộ trẻ làm công tác chuyên môn có cuộc sống khá hơn hẳn, sung túc hơn hẳn một số đồng chí đang làm công tác đảng và đoàn thể. Bởi vì trong phương thức quản lý của chúng ta, vẫn còn đôi chỗ lỏng lẻo, kẽ hở của pháp luật. Những đồng chí trẻ tuổi đã lợi dụng kẽ hở đó, mong muốn mau chóng thể hiện mình. Chính vì một vài con người trong xã hội như thế nên các bạn trẻ nghĩ rằng nếu làm được công tác chuyên môn thì sẽ tốt hơn là công tác đảng, đoàn thể.

Bên cạnh đó, công tác trong môi trường của Đảng, Đoàn thể, người trẻ tuổi sẽ phải cố gắng gương mẫu, trong khuôn mẫu. Giới trẻ là người thích tự do, điều đó cũng khi họ ngại làm công tác đoàn thể”.

Từ những kinh nghiệm của cuộc sống, chị đã đưa ra giải pháp của chính bản thân mình: “Hiện tại, tôi vẫn là người trẻ tuổi, được điều động, luân chuyển về địa phương, với vai trò công tác đảng chuyên trách. Tôi đã tự khẳng định được mình bằng sự hoàn thành nhiệm vụ trong công việc, bằng sự yêu mến của các đồng chí đảng viên ở tổ dân phố. Tôi nghĩ phải có những người trẻ dám hy sinh, thì mới có thể có được những cán bộ đoàn thể, cán bộ đảng xuất sắc, tích cực. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng công tác giáo dục tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giáo dục cho các bạn trẻ về đức tính hy sinh vì cái chung, vì Tổ quốc, lòng yêu nước nồng nàn là cực kỳ quan trọng. Tiếp đó, phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các bạn trẻ để họ yên tâm công tác”.

Với giảng viên trẻ Nguyễn Phương Lan, giảng dạy lý luận chính trị không hề khô khan, cứng nhắc như mọi người vẫn thường suy nghĩ. Theo chị, điều làm cho người học hiểu, bị thuyết phục chính là những kinh nghiệm, những bài học bổ ích từ thực tiễn cơ sở. Có lẽ bởi vậy, những nội dung Nghị quyết, kết luận, chủ trương, đường lối của Đảng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở phường, chị đều tự mình soạn giảng, lên lớp, trao đổi với các đồng chí trong chi bộ. Hiếm khi phường Lạc Viên phải mời báo cáo viên về giảng dạy, thuyết trình. “Điều này sẽ mang lại cho cả giảng viên và học viên rất nhiều thuận lợi. Tôi hiểu học viên của tôi, học viên cũng hiểu thầy giáo. Hai bên có thể thoải mái trao đổi, bàn luận để đi đến những mục tiêu, xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát hợp với tình hình ở địa phương”-  chị Lan cho biết.

Cần một "vốn" kiến thức rộng và sâu

Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị, chị Nguyễn Phương Lan cho biết, để trở thành một người giảng viên lý luận chính trị giỏi, trước hết, giảng viên cần phải có một "vốn" kiến thức rộng và sâu theo từng chuyên môn, lĩnh vực.

Một yếu tố quan trọng không kém là người giảng viên có kỹ năng truyền đạt và phương pháp giảng dạy. Đối với một giảng viên lý luận chính trị, người học luôn phải là trung tâm. Bài giảng lên lớp phải có sự lôi cuốn, có tác động qua lại, có sự giao lưu giữa giảng viên và người học. Trong quá trình thuyết giảng, khi phát sinh tình huống, giảng viên phải linh hoạt để ứng xử, giúp người học hiểu tận tường vấn đề. “Khi đặt ra một vấn đề lớn của bài, trước khi đi vào vấn đề lớn đó, tôi cho các đồng chí thảo luận, tóm lược lại ý chính, sau đó cùng trao đổi và rút ra phương pháp luận về vấn đề đó”. – chị Lan chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Phương Lan, các giảng viên lý luận chính trị cũng cần phải đổi mới, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, để lôi cuốn người học. Bên cạnh phương pháp dạy học viết bảng-  ghi chép, giảng viên biết cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, sử dụng trình chiếu, lồng ghép âm thanh, hình ảnh, trích dẫn cụ thể sẽ làm cho bài giảng thêm sâu sắc và sống động.

Vinh dự và tự hào đạt Giải Nhất Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực miền Bắc, giảng viên Nguyễn Phương Lan vẫn luôn mong muốn sẽ có nhiều lớp đào tạo, tập huấn dành cho các giảng viên lý luận chính trị để họ có thể trau dồi, nâng cao trình độ và kỹ năng. Những giảng viên ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cơ sở, nên chăng được hưởng những chế độ đãi ngộ, phụ cấp như các thầy cô giáo trong ngành giáo dục. Bởi họ cũng là những giảng viên thực thụ đang đứng trên bục giảng. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cơ sở được trang bị đầy đủ, khuyến khích các giảng viên phát huy hết những khả năng của mình. Chắc hẳn, những suy tư của giảng viên, bí thư chi bộ Nguyễn Phương Lan cũng là mong muốn của rất nhiều các giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Và điều đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cấp cơ sở.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất