Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 26/8/2014 17:22'(GMT+7)

“Nhật ký chiến trường”


Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam quang vinh (1944-2014) và 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân (1989-2014), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, với tất cả sự kính trọng thế hệ những người lính đã đi qua chiến tranh, xuất bản cuốn “Nhật ký chiến trường” của Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Tiến Bình - nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng, và xem đây như một nén hương tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu.

Chiến tranh đã qua đi, âm thanh của bom đạn đã chìm vào quá khứ nhưng những ký ức về chiến tranh vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam. Và ký ức ấy được hiện về mạnh mẽ, sâu sắc hơn qua từng trang nhật ký, những dòng tâm sự hết sức chân thực, dạt dào từ trái tim thông qua từ ngữ giản dị nhưng sâu sắc trong bối cảnh chiến trường khốc liệt. Vì vậy, đọc "Nhật ký chiến trường”, bạn đọc sẽ phần nào hiểu được tại sao những người lính trẻ đầy nhiệt huyết ấy trong tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn không lúc nào ngớt bom đạn, thiên nhiên khắc nghiệt, ăn đói, mặc rét, ốm đau, bệnh tật hành hạ,... vẫn hứa với nhau: “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng hướng về phía Nam Tổ quốc”. Lần đọc những trang của cuốn sách này, bạn đọc sẽ biết tiếng kêu xé lòng của những người lính mỗi khi đồng đội hy sinh, biết về những tâm sự xúc động của người lính Nguyễn Tiến Bình khi sống giữa nhân dân, được nhân dân che chở, đùm bọc, bảo vệ...
 
"Nhật ký chiến trường” ra mắt bạn đọc như nhà báo, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa chia sẻ và mong muốn khi công bố tập nhật ký chính là “để người đọc hôm nay và con cháu chúng ta sau này được hiểu thêm về những con người đã sống, chiến đấu với tất cả nhiệt huyết, nghị lực, sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng của mình vì nền độc lập, vì danh dự của dân tộc”. Trong đó, có cả nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nỗi lo vì các em còn nhỏ; đồng thời cũng cảm nhận được những người lính quả cảm trên chiến trường năm xưa không phải là những con người sắt đá: Họ yêu đời, yêu thơ, nhớ từng câu thơ đã đọc, và họ làm thơ nữa. Với họ, thơ trước hết không phải là nơi thể hiện tài năng, mà là sự giải tỏa tinh thần, là nơi gửi gắm tâm sự riêng tư, là chuyển tải những nỗi niềm mà không phải khi nào cũng nói thành lời…” giữa những năm tháng gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh.

Qua những trang sách, người đọc hôm nay thật sự kinh ngạc trước thế giới riêng vô cùng cao đẹp của người lính thời chống Mỹ, thế hệ ấy được thừa hưởng một nền giáo dục kỹ càng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, trách nhiệm của thanh niên khi Tổ quốc lâm nguy, nghị lực phi thường vượt qua gian khó, ý chí quyết chiến và quyết thắng không gì lay chuyển nổi để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, với gần 400 trang sách của cuốn nhật ký được xuất bản lần này, thì có tới 200 trang được tác giả ghi khi hoạt động ở chiến trường Phnôm Pênh, bạn đọc cũng thêm một lần hiểu sâu sắc hơn về những trận đánh, những chiến công cùng những mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng chí ở chiến trường nước bạn...
  
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc những trang nhật ký còn nóng hổi hơi thở chiến trường viết cách đây mấy chục năm, thế hệ những người làm nên lịch sử năm nào như gặp lại chính mình những năm tháng gian lao đó đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc như những người anh hùng thầm lặng. Tuổi trẻ hôm nay và các thế hệ mai sau khi đọc “Nhật ký chiến trường” sẽ thêm hiểu và tự hào về cha anh đã cống hiến cả tuổi xuân và không tiếc xương máu của mình vì độc lập, tự do của đất nước; để nâng cao lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước trước vận mệnh Tổ quốc khi Biển Đông còn đang dậy sóng./.


Trần Anh- Nxb. Chính trị quốc gia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất