Đã có một thời, nhất là những năm tháng chống Mỹ cứu nước, công tác tuyên truyền (bao gồm văn nghệ cổ động, tuyên truyền miệng và cổ động trực quan) là những phương thức hoạt động có hiệu quả cao của các đội thông tin lưu động từ cấp tỉnh, huyện đến xã/phường. Với sự chỉ đạo trực tiếp của hai bộ (Bộ Thông tin và Bộ Văn hóa), thời đó chủ yếu là Bộ Thông tin, nhiều hoạt động tập huấn nghiệp vụ, giao lưu nghề nghiệp thường xuyên diễn ra trên các địa bàn miền Bắc, qua đó các phương thức thông tin cổ động không ngừng được đổi mới và thu được nhiều kết quả khả quan. Thành viên của các đội thông tin cổ động cấp huyện/thị xã thời đó thường có từ có 5 đến 9 người, mỗi thành viên thường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như đàn, hát, diễn xuất hoạt cảnh, viết tin, kẻ chữ, vẽ tranh, sử dụng loa đài; phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đạp, nhiều nơi không có xe đạp thì mang vác bộ, nhất là hoạt động ở miền núi, nhưng hiệu quả rất cao. Bất chấp oanh tạc của máy bay Mỹ, mưa, bão, giá rét, nóng nực, các thành viên trong đội thông tin vẫn hoạt động tích cực, góp phần quan trọng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời chiến, vừa chống Mỹ cứu nước và vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau khi hòa bình lập lại, giang sơn Bắc Nam quy về một mối, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta có chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở rộng quan hệ hội nhập đa phương hóa với các nước trên thế giới, vì vậy công tác thông tin cổ động cũng đòi hỏi phải thích ứng, sáng tạo cho phù hợp, được biểu hiện trên những vấn đề sau:
Một là, đổi mới công tác thông tin cổ động để đáp ứng với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cách thức hoạt động thông tin cổ động trực quan như theo kiểu thời chiến ở những năm 1960 kể cả nội dung và hình thức trong tình hình hiện nay không còn phù hợp và hiệu quả. Đây là vấn đề khách quan liên quan đến cục diện phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, phù hợp với quy luật nhận thức theo quan điểm triết học biện chứng “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”.
Tình hình mới đòi hỏi công tác thông tin cổ động phải có cách làm mới, kể cả quy mô và nghệ thuật tuyên truyền. Các công trình kinh tế, công nghiệp, các hệ thống cầu đường, kiến trúc, quy hoạch dân cư, v.v.. đã khác trước rất nhiều, thì cổ động trực quan cũng phải có cách làm mới, đảm bảo sức hấp dẫn, truyền cảm và nhanh nhạy. Ví dụ như quá trình tuyên truyền cho một sự kiện chính trị, kinh tế nào đó, hình thức cổ động trực quan trước hết là phải có khẩu hiệu, pano bản trích, tranh cổ động, cờ, v.v.. nhưng trong bối cảnh công nghiệp hoá, tiết tấu mạnh, khẩn trương, phương tiện ô tô, xe máy không những nhiều mà còn nhanh, thì tranh cổ động cũng phải lớn, khẩu hiệu phải rõ ràng súc tích, tính cổ động phải cao, màu sắc phải mạnh để người đi ô tô, xe máy có thể lướt qua mà vẫn nhận biết được nội dung tuyên truyền. Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với việc trang trí tư liệu trực quan như tranh cổ động, khẩu hiệu, ảnh, pano bản trích cần lưu ý đến nội dung chủ đạo của mục đích tuyên truyền (nói về vấn đề gì là chính), qua đó xác định cách cấu trúc, bố cục đúng ý tưởng của người chỉ đạo nội dung (ví dụ như tuyên truyền về Ngày Quốc khánh 2/9 thì cụm cổ động là hình ảnh tổng hợp về Đảng, Bác Hồ và đại diện các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác thì hình ảnh Bác là chủ đạo trong cụm cổ động tuyên truyền…).
Hai là, cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết để xây dựng cụm cổ động trực quan.
Có thể nói, người làm công tác văn hóa - truyền thông trực quan trong bối cảnh hiện nay, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán một cách bền vững cho việc xây dựng quy hoạch cổ động trực quan, khi mà các khu công nghiệp, đường giao thông, nhà cao tầng… liên tục mở rộng phá vỡ cảnh quan hiện có. Điều này đòi hỏi tư duy sáng tạo, linh hoạt của người làm quy hoạch kế hoạch cổ động trực quan (tượng đài, cụm cổ động, tranh hoành tráng, v.v..). Người làm truyền thông - văn hóa phải có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để đưa ra những dự báo cho công tác tuyên truyền, đặc biệt là cổ động trực quan.
Điều đáng nói là nhiều địa phương do thiếu tính quy hoạch nên có các cụm tranh cổ động chính trị lại đặt bên cạnh những quảng cáo hàng hóa cỡ lớn như mỹ phẩm, thời trang gây phản cảm. Nhiều cụm cổ động mới xây dựng tốn kém hàng trăm triệu đồng với những tác phẩm tranh có chất liệu quý (như sơn dầu, gốm sứ…) phải phá đi để xây dựng một công trình hạ tầng, đường giao thông mới…
Bên cạnh những quy hoạch cụm cổ động trực quan cố định, cần có những quy hoạch chi tiết và kế hoạch cụ thể cho công tác thông tin tuyên truyền như kết hợp cổ động trực quan với tuyên truyền miệng, âm nhạc, v.v.. Thực tế cho thấy, cùng với các trục đường chính (quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện, đường phố đô thị) thì hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng mới cùng với giao thông đường thuỷ (kênh, rạch, sông, ngòi) cũng rất thuận tiện cho công tác tuyên truyền trực quan di động. Các phương thức truyền thông có quy mô nhỏ và đơn sơ ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đến nay đã không còn thích hợp. Vì vậy cần phải thay đổi, đầu tư đồng bộ các phương tiện hiện đại, thiết bị tiến tiến nhằm nâng cao chất lượng lượng công tác tuyên truyền cổ động trong tình hình hiện nay, đáp ứng trình độ dân trí ngày càng cao, góp phần tham gia vào công cuộc đổi mới, đưa xã hội ngày một tiến bộ hơn.
Ba là, chú trọng tính linh hoạt. mềm dẻo trong cách thức tuyên truyền miệng, tờ tin với phương thức cổ động trực quan.
Những phương thức hoạt động như văn nghệ cổ động, tuyên truyền miệng, tờ tin, hoạt cảnh - câu chuyện thông tin, v.v.. đã áp dụng cách đây nửa thế kỷ, tuy không phải đã lạc hậu những có sự hạn chế về quy mô, địa bàn hoạt động theo vùng, miền. Theo chúng tôi, hiện nay ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân trí còn thấp, đời sống còn nghèo - nhất là miền núi, dân tộc ít người, giao thông đi lại khó khăn… thì tất yếu phải sử dụng đến các phương thức như tuyên truyền miệng, văn nghệ cổ động, cổ động trực quan nhỏ lẻ v.v.. để có thể chuyển tải thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách có bài bản, hiệu quả cao. Muốn nâng cao chất lượng công tác truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, cần có kế hoạch xây dựng cụm cổ động bền vững trong đó có tin, khẩu hiệu và tranh ảnh đặc thù dễ hiểu. Những ngày lễ lớn cần có tranh cổ động in bạt làm chủ đạo gắn với hình ảnh cổ động về những sự kiện lịch sử hoặc phong trào sản xuất xã hội để nhân dân dễ nhớ và làm theo. Các phương thức cổ động nếu có nội dung tham quan du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thì cần bổ sung cho phù hợp.
Tác dụng của cổ động trực quan không chỉ tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị mà còn tác động đến các nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương (như xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội…). Như vậy, có thể nói, cùng với các hình thức tuyên tuyền, vận động khác, truyền thông cổ động trực quan (bao gồm cụm cổ động, cụm tin, cổ động mặt đường, triển lãm lưu động diễu hành…) đã và đang góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả về kinh tế-chính trị, an ninh quốc-phòng, văn hóa-xã hội.
Bốn là, coi trọng tính khoa học, thiết thực và chất lượng tuyên truyền cổ động trong bố cục, hình thức.
Thực tế hiện nay nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan kể cả ở trung ương, nhiều nơi vẫn còn thiếu tính nghiêm túc, khoa học và còn quá đơn giản trong việc trang trí khánh tiết vào những dịp lễ, hội mang tầm quốc gia cũng như ở địa phương tỉnh/thành. Xin lấy máy ví dụ: Vừa qua, nhiều nơi in thiếp chúc Tết trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc sai quy định của Nhà nước. Theo quy định, nguyên tắc từ trái qua phải thì phải là Tổ quốc rồi mới đến cờ Đảng và cờ Đảng không được chặn lên cờ Tổ quốc, nhưng nhiều nơi lại làm ngược lại nghi thức trang trí này; vẫn còn tình trạng đặt cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dùng Bác Hồ không đúng với quy định, hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây). Việc vẽ Quốc huy in ấn ở giấy khen, bằng khen và trang trí nơi công sở ở nhiều nơi cũng đã thể hiện những sai sót rất cơ bản về cấu trúc, ý nghĩa của Quốc huy, việc này báo, đài đã nói nhiều nhưng chưa dược khắc phục triệt để. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp trang trí chúc mừng năm mới để quá lâu trước cổng đơn vị mình tới hơn nửa năm mà không tháo dỡ. Nhiều cụm cổ động tuyên truyền cho sự kiện này nối tiếp cho sự kiện sau, nội dung, hình thức và thời điểm sự kiện không ăn khớp./.
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai