Thứ Tư, 9/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 8/8/2009 18:10'(GMT+7)

Phải giữ tính biểu tượng và mô thức của lễ hội

Lễ hội Lảnh Giang

Lễ hội Lảnh Giang

Phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia; Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á về vấn đề khi lễ hội dân gian truyền thống được cách tân với những nghệ thuật mới trong việc phục dựng, tiến hành nghi lễ, lễ hội.

Lễ hội dân gian luôn có tính biểu tượng và mô thức riêng

- Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, ông là người nhiều năm nghiên cứu về văn hoá dân gian, ông thấy sao khi hiện nay, tình trạng cách tân và đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội dân gian truyền thống đang làm mất đi những bản sắc văn hoá của từng lễ hội?

Truyền thống luôn tìm đường đi vào cái đương đại vì đó là mục đích tự thân tồn tại của nó. Nếu không tìm đường, nó sẽ bị đào thải. Cách đây 10 thế kỷ cũng đã làm như thế rồi. Vấn đề đặt ra ở đây là, truyền thống tự thích ứng với đương đại hay nó bị áp đặt chủ quan của người tổ chức lễ hội.

Điều cần lưu ý, theo cá nhân tôi, đó là các lễ hội dân gian truyền thống luôn kết tinh ở hai khía cạnh tương đối bền vững là tính biểu tượng và tính mô thức.

Ví dụ, như Hội Gióng, các cụ xưa kia nghĩ ra được chuyện lấy ba cái chiếu làm biểu trưng cho cánh đồng và trên mỗi chiếu là một bát úp để biểu tượng cho ba ngọn núi. Ba cánh đồng có có đồi núi và biểu trưng cho ba trận đánh của Thánh Gióng. Và trong trận đánh này, Thánh Gióng không xuất hiện mà ông hiệu cờ xuất hiện thể hiện sức mạnh ghê gớm của Gióng. Đó là ngôn ngữ biểu tượng tuyệt vời.

- Vậy theo ông, tính biểu tượng của các lễ hội dân gian truyền thống nhiều năm qua đã bị phá vỡ như thế nào?

Một trong những ngôn ngữ của lễ hội là tính biểu tượng. Nếu chúng ta nói ngôn ngữ lễ hội

Ảnh minh họa

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

bằng hành động cụ thể là hỏng. Ngày xưa, các cụ nghĩ ra được những biểu tượng thật tuyệt vời và trong tâm linh đó, các thần linh thường không hiển hiện thành người có hình hài.

Tôi nhớ dịp kỷ niệm 950 năm Thăng Long Hà Nội, để nói về sức mạnh của đồng bào Hà Nội 12 ngày đêm đánh máy bay B52 của Mỹ, vị đạo diễn của chương trình đã “hiện thực hoá” bằng cách chăng dây, treo mô hình máy bay B52 bằng giấy cho chạy trên sân khấu và đốt. Làm sao có thể làm lễ hội bằng ngôn ngữ trần tục thế được. Ý tưởng đó chỉ mua được trận cười chứ không thể ghi dấu ấn gì cả.

Ngay cả sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Tháng 8, ban tổ chức tiến hành nghi lễ
rước các thần linh từ thời Vua Hùng Vương đến Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... đi qua quảng trường Ba Đình…. Các thần linh diễu hành ở dưới, còn ở trên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng trên cao vẫy tay chào… làm gì có chuyện người trần mắt thịt lại đứng ở chỗ cao hơn vẫy tay chào thần linh.

- Ngoài tính biểu tượng, theo ông, cái mô thức của các nghi lễ cũng là yếu tố bất biến và không thể “cách tân”?

Vấn đề quan trọng thứ hai kết tinh lên nghi lễ truyền thống đó là chính tính mô thức. Tại sao mọi người lại cứ dùng từ “kịch bản” với nghi lễ truyền thống?

Toàn bộ nghi lễ là những mô thức cố định, được định hình từ khi ra đời lễ hội hay nghi lễ đó, đảo ngược là làm sai hoàn toàn. Nếu không mang tính mô thức, không mang tính biểu tượng – tính thiêng thì không còn là nghi lễ nữa.

“Sân khấu hoá” lễ hội làm mất đi tính thiêng

- Để tiến hành các nghi lễ hay lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội hiện nay hầu như được “chọn mặt gửi vàng” cho các đạo diễn và thường xây dựng theo kịch bản “sân khấu hoá”. Xu hướng “sân khấu hoá” lễ hội xem ra cũng không phải là phương án khả thi cho việc tái hiện các lễ hội dân gian?

Tôi không đồng ý việc sân khấu hoá lễ hội. Lễ hội Lam Kinh thờ Lê Lợi năm rồi cũng thế. Trong khi chúng ta có hai Đền thờ thì không làm trang nghiêm ở đó, tất cả bê hết ra quảng trường, dựng tế Lê Lợi ở đó. Làm sao mà tạo cái thiêng ở đó được.

Lễ hội Đền Lảnh Giang cũng gặp phải cái sai tương tự. Không ai mang chiếu đồng ra giữa cánh đồng để bảo đó là phục dựng. Cả hai lễ Lên đồng trong Đền và ở ngoài đều phá vỡ không gian của nghi lễ. Người ta tưởng mô thức của nghi lễ có thể tuỳ tiện “sân khấu hoá”.

Đừng coi việc tiến hành nghi lễ là kịch bản. Đưa cái gì vào nghi lễ phải hiểu được tính cấu trúc của nó. Đưa cái mới mà không tôn trọng tính liên đới, không tôn trọng mô thức của nó thì sẽ không ăn nhập với nhau. Và làm mới, phải xuất phát từ nguyện vọng của công chúng chứ không phải là áp đặt.

Ảnh minh họa

"Sân khấu hóa" lễ hội sẽ làm mất đi tính thiêng


- Như vậy, nên chăng, lễ hội sẽ do chính người dân bản địa thực hiện nghi lễ đúng bản sắc của họ hơn là việc, họ thuê đạo diễn với kịch bản bài bản nhưng lại không có vốn hiểu sâu về văn hoá lễ hội dân gian?

Theo tôi lễ hội không nên sân khấu hoá. Phải tôn trọng cấu trúc của nó, khi đưa yếu tố mới vào phải tôn lên tính biểu tượng, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại. Không được biến lễ hội thành cách nghĩ của anh.

Ví dụ, lễ hội Lảnh Giang gặp sai lầm lớn là sự áp đặt. Ý tưởng của người tổ chức có thể là tốt nhưng lại làm bằng sự áp đặt và không hiểu gì về hầu đồng. Họ đã biến lễ hội của dân thành cách nghĩ của mình.

Ở đây mất đi nguyên tắc quan trọng của văn hoá, chính là chủ thể. Phải xuất phát từ tiếng nói chủ thể, nhu cầu của chủ thể chứ không phải dùng cái khác thay cho cái đó.

Lễ hội là nơi người dân biểu đạt tiếng nói, những sáng tạo văn hoá của mình thì không thể thành chỗ cho các nhà chuyên nghiệp ở thành phố về dàn dựng, làm mất đi tính chủ thể của văn hoá. Lễ hội là của dân, phải trả lại vai trò cho họ. Lảnh Giang bản sắc văn hoá là thế, bây giờ bị tạo ra bản sắc khác, liệu những lễ hội sau sẽ được duy trì theo bản sắc nào?

Phá vỡ tính biểu tượng là phá vỡ nghi lễ

- Việc đưa nghệ thuật đương đại, nhất là nghệ thuật của nước phương Tây vào các lễ hội văn hoá dân gian cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Lễ hội đền Lảnh Giang là một ví dụ?

Các nhà tổ chức lễ hội, khi tính toán đưa nghệ thuật đương đại vào, nếu không tôn lên được biểu tượng thì không được phá vỡ biểu tượng. Phá vỡ biểu tượng là phá vỡ nghi lễ.

Tại lễ hội Lảnh Giang vừa rồi cũng là một ví dụ điển hình. Ban tổ chức để cho thần rắn xuất hiện đã làm mất tính thiêng của nghi lễ. Họ mới chỉ là giải biểu tượng chứ không phải tôn biểu tượng. Việc vẽ lên 18 người đàn ông hình rồng rắn có ý nghĩa gì hay là sự xúc phạm đến biểu tượng.

Với tính biểu tượng của lễ hội, cái quan trọng với người tổ chức là có nói được ngôn ngữ biểu tượng đó hay không.

Ảnh minh họa

Năm sau lễ hội Lảnh Giang sẽ được duy trì theo bản sắc nào?


- Nhiều lễ hội hiện nay, khi đưa những yếu tố mới vào mới chỉ dừng lại ở “trò diễn”? Và tâm lý người dân hiện nay, coi các lễ hội chỉ như ngày hội vui chơi giải trí, làm mất đi tính thiêng, tính biểu trưng của lễ hội đó. Đó có phải là thực tế đáng báo động?

Tôi ủng hộ những cái mới, nhưng đưa cái mới với liều lượng thế nào. Nếu biến lễ hội thành chỗ vui chơi thuần tuý là sai.

Mọi người đều quên mất, các lễ hội xưa kia bao giờ cũng gắn với mốc thời gian của một quy trình sản xuất nông nghiệp. Các cụ nói, không có nghi lễ, con người không được thực hành những hành động thực tế.

Ví dụ, đến nghi lễ hạ điền, vị chức sắc đứng đầu làng cấy khóm mạ đầu tiên sau đó dân làng cùng xuống ruộng, ném đất vào nhau. Kết thúc nghi lễ đó thì cả làng mới cùng cấy lúa. Việc thực hiện nghi lễ này như một tín ngưỡng, mọi việc thuận lợi thì mùa màng sẽ tốt. Không có nghi lễ đó, không cấy lúa được. Nghi lễ là mốc cắm trong quá trình hoạt động sản xuất. Thậm chí nó còn cao hơn hoạt động sản xuất.

Hay như năm ngoái, họ phục dựng lại nghi lễ cày tịch điền, có vẽ vời lên mình con trâu. Nhưng vẽ với ý nghĩa và biểu trưng gì thì không ai rõ. Dựng lại lễ hội năm đó cũng mới chỉ dừng ở hình thức, trò diễn. Biểu tượng linh thiêng trong nghi lễ tịch điền đã bị giảm.

Lễ hội mang biểu tượng riêng của nó, có vui chơi, giải trí nhưng ngày xưa vui chơi mang tính phong tục, kể cả là tục tĩu nhưng không phải vui chơi thuần tuý như bây giờ. Tại sao họ phải chơi đu, chơi ném còn, tại sao hát quan họ phải đối đáp… tất cả đều là biểu tượng cho giao hoà âm dương, là nguồn gốc sinh sôi nảy nở.

Ngay cả chuyện bơi chải giữa các làng, đó đâu chỉ là vui chơi, mà đó là sự tranh giành quyết liệt. Làng nào thắng sẽ được vào lễ thần và người dân làng đó tin họ sẽ được Thành Hoàng phù hộ cho mùa màng bội thu, sức khoẻ dồi dào. Trong cuộc chơi đó, có chứa niềm tin mang tính tín ngưỡng, không phải là vui chơi giải trí thuần tuý.

- Vậy theo ông, nếu muốn tổ chức lễ hội vừa giữ nguyên bản sắc văn hoá của nghi lễ, vừa muốn tạo nên sự mới mẻ, để nghi lễ đi vào đời sống người dân thì đâu là điều cần coi trọng?

Đổi mới phải xuất phát từ bên trong chủ thể chứ không phải là sự áp đặt bên ngoài. Đặc biệt, dù làm mới thế nào, cũng phải tôn trọng tính biểu tượng và mô thức của nó.

Xin cảm ơn GS.TS Ngô Đức Thịnh!

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất