Thứ Ba, 2/7/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Sáu, 7/6/2024 15:20'(GMT+7)

Phải thực hiện đầy đủ quy định về ATGT đối với phương tiện vận chuyển đưa đón học sinh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau vụ trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong khi bị bỏ quên trên ôtô đưa đón học sinh, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu "mạnh tay" xử nghiêm vi phạm đối với ôtô đưa đón học sinh.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm ATGT đối với xe ô tô đưa đón học sinh.

Để bảo đảm an toàn cho các cháu học sinh trong hoạt động vận tải đưa đón học sinh đến trường, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 10/2020 của Chính phủ, điểm b khoản 6 Điều 4 Thông tư 12/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT (phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe, người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe).

Bộ GTVT yêu cầu xử lý "mạnh tay" với vi phạm của xe đưa đón học sinh- Ảnh 1.
 Hiện trường vụ việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên ôtô đưa đón ở Thái Bình.

Song hành với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành GTVT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh.

"Tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải", Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT yêu cầu ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về ATGT, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe cần phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.

UBND các tỉnh thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.

Cùng với đó, các sở, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, Chỉ thị 31/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Riêng với tỉnh Thái Bình, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Thái Bình kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Đồng thời phối hợp với Sở GTVT có liên quan xử lý theo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải để xảy ra vụ việc nêu trên; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình trong công tác rà soát, xử lý vi phạm và thực hiện các giải pháp.

Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường đôn đốc các Sở GTVT trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương, đặc biệt là xe đưa đón học sinh, sinh viên, người lao động; khai thác hiệu quả thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô.

Đối với vụ việc trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong sau gần 11 tiếng bị bỏ quên trên xe đã một lần nữa dấy lên lo ngại của người dân về việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường bằng dịch vụ xe ô tô đưa đón. Cụ thể, ngày 29/5, sau khi đưa trẻ đến trường, cả người phụ trách và lái xe đều không phát hiện cháu H. vẫn còn ở trên xe. Chỉ khi người thân của bé H. đến đón, không thấy cháu thì tất cả mới đi tìm kiếm. Khi được phát hiện thì mọi việc đã quá muộn, cháu H. đã tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón.

Cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) cũng từng khiến nhiều người xót xa. Vụ việc xảy ra vào ngày 6/8/2019 tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có cơ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón. Sau khi tỉnh ngủ, em đã đập cửa nhờ người dân giải cứu.

Tháng 9/2020, một học sinh lớp 3 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón. Do đã được nhà trường hướng dẫn cách thoát hiểm trên ô tô nên học sinh này đã tự mở cửa xe để đi vào trường. Tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón khi đi dã ngoại, nhưng may mắn đã được trường phát hiện sớm.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe nhận định, chúng ta chưa thật sự quan tâm đến an toàn đưa đón học sinh tới trường.

“Chúng ta đều nhận thấy, điều kiện của nước ta không phải gia đình nào cũng có tiền đóng để cho trẻ em đi học bằng xe đưa đón. Song, nếu các bậc lãnh đạo, nhà quản lý thấm nhuần câu và thực sự hiểu khẩu hiệu ‘Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Đây là mục tiêu chúng ta cam kết thực hiện theo Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em mà nước ta ký đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên toàn cầu trước 193 nước. Nó không phải là chỉ dùng để cho người lớn hô khẩu hiệu suông”.

Do đó, theo bác sĩ An, việc cần thiết là dành một khoản ngân sách cho việc đưa đón học sinh an toàn về xe cộ, người giám hộ và tài xế để không xảy ra sự đau thương bỏ quên em bé đến tử vong vì nóng, đói khát ở trên xe.

Cũng theo bác sĩ An dẫn chứng, Mỹ là quốc gia đã có xe buýt trường học từ những năm 1993, tức là hơn 90 năm trước. Hiện tại, xe buýt trường học vẫn đang tồn tại tại quốc gia này, với màu sơn vàng dễ nhận biết từ xa, mũi xe to và dài. Điều đó mang lại sự an toàn nếu va đập, cửa kính xe thấp quan sát được rộng, không gắn kín mà đẩy mở được dễ dàng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, trong xe có camera kết nối với cảnh sát khu vực, nhà trường và gia đình. Tài xế chuyên nghiệp, được đào tạo thuần thục kể cả kỹ năng sơ cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp. Xe còn có chế độ ưu tiên đặc biệt như xe cứu hỏa.

Theo bác sĩ An, đã có nhiều kiến nghị từ nhiều chuyên gia để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. “Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy chuẩn an toàn là trên hết, thì quy chuẩn an toàn về ô tô đưa đón học sinh cần thiết phải phù hợp với trẻ em, từ bậc lên xuống đến kích cỡ ghế ngồi, các phương tiện bảo đảm như dây an toàn.

Xe cần có trang bị giám sát trẻ như kính, gương, camera, chuông… các phương tiện xử lý trong tình trạng khẩn cấp: Đèn, còi báo động, búa phá kính, nút mở cửa thoát hiểm, bình chữa cháy, băng cáng cứu thương, mặt nạ cấp cứu”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận định.

Bên cạnh đó, xe buýt đưa đón học sinh cũng cần có phương tiện thông tin liên lạc. Ngoài ra, xe nên có thiết bị chống bỏ quên trẻ: Phải có 2 chìa khóa, 1 ở chỗ lái xe như bình thường. Bởi, khi muốn tắt máy, lái xe buộc phải đi xuống hàng ghế cuối trong xe để bấm một cái nút - chìa khóa thứ 2, thì xe mới tắt máy.

Theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức y khoa trên thế giới, người ngồi trên xe đóng kín, đỗ ngoài nắng có khả năng chịu đựng trung bình khoảng 1 giờ hoặc ít hơn. Người bên trong xe có nguy cơ cao bị tử vong vì các vấn đề như thiếu oxy, sốc nhiệt.

Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3 - 6 độ C sau mỗi 10 phút.

Khi trẻ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ cơ thể đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động. Khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì trẻ nguy cơ cao tử vong./.

Tuyên Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất