Theo bà Eliza Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam,
phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em,
đặc biệt là trẻ em gái vẫn còn là hình thức vi phạm quyền con người phổ
biến nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất.
Ngày 6/3, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khai mạc Triển lãm lưu động "Hành trình bình an", nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Triển lãm là một trong những hoạt động nằm trong chủ đề của năm 2019 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em" và hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Bà Eliza Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam, cho biết, phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn còn là hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất trên thế giới.
Đây cũng là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất. Thông qua triển lãm UN Women mong muốn khuyến khích mọi cá nhân và cộng đồng cùng chung tay hành động với mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em gái phải được an toàn để phát huy sự tự tin, chủ động, tự do và tất cả tiềm năng của mình.
Triển lãm được tổ chức dưới hình thức thiết kế mở là các xe lưu động và được đưa tới một số không gian công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội như Hồ Hoàn Kiếm, công viên, trường học, trụ sở hội liên hiệp phụ nữ một số phường...
Triển lãm tập trung vào ba chủ đề chính: Chủ đề thứ nhất là An toàn hay không an toàn: Phản ánh về thực trạng mất an toàn tại không gian công cộng trên địa bàn thành phố qua những số liệu và câu chuyện của cá nhân tập trung vào những vấn đề chính, định kiến gia đình và xã hội trong việc hạn chế cơ hội được ra ngoài, làm việc của của phái nữ; phương tiện giao thông và chất lượng cơ sở hạ tầng công cộng; sự thờ ơ của những người xung quanh; sự mất an toàn nơi đến (trường học, nơi làm việc, lao động, không gian công cộng với các vấn đề như: quấy rối, bạo lực, an toàn thực phẩm, an toàn lao động).
Chủ đề thứ hai là Bình an giúp tôi có thể: Là tiếng nói của cá nhân và cộng đồng chia sẻ về những mong muốn “bình an” trong cuộc sống và làm thế nào để được “bình an”, đâu là những giá trị đích thực.
Chủ đề thứ ba là Hành trình bình an: Cung cấp thông tin về những can thiệp của các tổ chức trong nước và quốc tế, các ban, ngành Chính phủ và cá nhân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc nỗ lực xây dựng một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Trong khuôn khổ triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ cũng tổ chức nhiều hoạt động tương tác như: chụp ảnh cầm biển với thông điệp của chiến dịch; chia sẻ câu chuyện của bản thân (viết hoặc vẽ) với mục đích kêu gọi sự tham gia và nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay hành động xây dựng một thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Triển lãm kéo dài từ ngày 6 đến 31/3/2019, kết thúc chương trình, triển lãm sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam./.
(TTXVN)