Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 12/1/2010 20:58'(GMT+7)

Phấn đấu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu

Lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu

Tính đến hết tháng 12/2009, cả nước đưa gần 75.000 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, đạt 83% kế hoạch.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu đề ra một phần rất lớn là do khách quan, như: khủng hoảng kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế ở trong nước. Bên cạnh đó, người lao động của chúng ta cũng còn một số mặt hạn chế về sức khỏe, kỹ năng làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao. Hiện nay, thị trường đòi hỏi một số nghề mà lâu nay chúng ta chưa đào tạo được”.

PV: Vậy ông nhận định thế nào về tình hình xuất khẩu lao động năm 2010? Đâu sẽ là thị trường triển vọng đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Năm 2010, theo đánh giá của các chuyên gia thì tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều khởi sắc. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ cao hơn so với năm 2009. Do đó, thị trường xuất khẩu lao động cũng có nhiều triển vọng. Trong năm tới, chúng ta sẽ tập trung làm tốt đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời đẩy mạnh đưa lao động sang làm việc có thời hạn ở Malaysia sau thời gian khá trầm lắng trong năm quan trong năm qua. Đặc biệt là chú ý hơn đến thị trường Trung Đông, đây là thị trường tiềm năng, phù hợp với người lao động Việt Nam.

PV: Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cần có những biện pháp gì thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Chúng ta có trên 20 năm thực hiện công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Hệ thống luật pháp của chúng ta cũng ngày càng hoàn thiện hơn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội thông qua là một ví dụ.

Hệ thống pháp luật của chúng ta về lĩnh vực này tương đối đầy đủ. Chúng ta thực hiện tốt luật pháp thì đã góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng mặt khác thì cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật. Tăng cường giáo dục định hướng cho người lao động về trách nhiệm, quyền lợi của mình để họ tự phòng ngừa trong quá trình tham gia quan hệ lao động ở bên ngoài.

Đồng thời, về mặt quản lý Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý thành lập thêm một số Ban Quản lý lao động ở ngoài nước. Tôi cho rằng, những giải pháp này sẽ góp phần tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

PV: Nhà nước sẽ có chính sách gì hỗ trợ người lao động xuất khẩu, đặc biệt là các lao động ở 62 huyện nghèo, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Nhà nước đã có những chính sách tương đối toàn diện để hỗ trợ người lao động nghèo đi làm việc tại nước ngoài.

 Trong năm 2009, chúng ta cũng đã trình Chính phủ Đề án giúp 62 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động. Qua 6 tháng thí điểm thực hiện, cuối năm 2009, đã được 1.000 lao động của các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Năm nay, kế hoạch phấn đấu là đưa khoảng 5.000 lao động.

Đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai một dự án xuất khẩu lao động ở những vùng khó khăn nhất của đất nước, mà lao động chủ yếu là người dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, cho nên việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua triển khai 6 tháng cuối năm 2009, chúng ta có thể tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu của năm nay, góp phần giúp cho những lao động ở vùng khó khăn nhanh chóng thoát nghèo.

PV: Thưa ông, Bộ LĐ-TB và XH đã có giải pháp gì trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn lao động?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Những năm qua, Bộ có nhiều chương trình giúp các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, như: Dành một phần ngân sách để đặt hàng các doanh nghiệp đào tạo những nghề mà hiện nay chúng ta còn yếu mà doanh nghiệp có khả năng đào tạo. Đề án này đã được thí điểm trong năm 2009 và năm 2010 Bộ sẽ tiếp tục thực hiện; đồng thời đào tạo cán bộ quản lý lao động ngoài nước cho các doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp có đội ngũ có năng lực, góp phần cùng các cơ quan đại diện quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 - Việt Nam hiện có gần 450.000 lao động đang làm việc có thời hạn tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ.

- Mỗi năm lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về cho thân nhân ở trong nước 1,6 đến 2 tỷ USD.

- Năm 2009: Việt Nam đưa 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và mục tiêu năm 2010 sẽ là 85.000 lao động.

- Phấn đấu từ 2010 trở đi, số lao động qua đào tạo chiếm khoảng 70-80% lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Huyền Trang - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất