Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 4/11/2013 13:4'(GMT+7)

Pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế

Trong những năm qua, dựa trên sự phát triển của internet, của nền dân chủ XHCN và sự cởi mở của xã hội ta, ở ngoài nước, các tổ chức chính trị thù địch đã tăng cường các thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, tạo dựng dư luận để cô lập Việt Nam. Họ tìm cách thúc đẩy các lực lượng chống đối, tự xưng là “chiến sĩ” đấu tranh cho “dân chủ” và “nhân quyền”, phá hoại ổn định chính trị ở Việt Nam. Họ khuyến khích những người này phát tán trên mạng những thông tin về sai lầm khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta trong những thời kỳ lịch sử đã qua, những khó khăn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, tình trạng quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là họ vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm các quyền công dân và quyền con người. Từ đó họ quy kết tất cả nguyên nhân của mọi tiêu cực, khó khăn đều bắt nguồn từ sự “chuyên quyền, độc đoán” của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ hệ tư tưởng của Đảng, từ chế độ XHCN.

Những năm gần đây, các thế lực chống đối trong và ngoài nước còn trắng trợn đòi Nhà nước ta phải hủy bỏ nhiều điều luật về tội phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng trong Bộ luật Hình sự 1999. Trong những đòi hỏi vô lý đó có Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 79 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân).

Cách đây không lâu, được biết Nhà nước ta chính thức thông báo với cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền khóa 2014-2016, một nhóm chống đối đã mưu toan cản trở Việt Nam tham gia Hội đồng nhân quyền. Họ ra tuyên bố đòi “Chính quyền Việt Nam và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS 1999), sửa đổi năm 2009”. Họ vu cáo: “Chính quyền Việt Nam đã sử dụng Điều 258 để bắt giam những người đi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bắt giam những người viết blog bộc lộ chính kiến của họ, họ “yêu cầu Việt Nam thực hiện các cam kết về nhân quyền”, cho rằng "Việt Nam không xứng đáng là thành viên của cơ quan bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc...".

Trước hết phải nói rằng, nếu chỉ muốn “phân phát” bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” thì người ta hoàn toàn không phải mất công làm cái việc “Dã ngoại nhân quyền” làm gì. Bản Tuyên ngôn này sẵn có trên mạng. Thực chất cái gọi là “Dã ngoại nhân quyền" là một hình thức tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, là một hình thức vận động, tập hợp, rèn luyện lực lượng chính trị chống đối và đương nhiên điều này là mầm mống của bất ổn xã hội.

Còn điều vu cáo “người viết blog bị bắt bớ” thì sao? Theo số liệu công bố cuộc khảo sát mới nhất của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu vào tháng 10-2012, hiện nay, Việt Nam có tới 30,8 triệu người sử dụng internet. Trong số đó hẳn có tới hàng vạn blogger. Nếu chỉ vì viết blog mà bị bắt thì thử hỏi liệu Việt Nam có đủ nhà tù cho các blogger không? Trên thực tế, những blogger bị bắt, xét xử, cầm tù là vì họ đã vi phạm quy định của pháp luật, trong đó có Điều 258 BLHS 1999.

Bây giờ xin được nói về những “quy định mù mờ” mà người ta nói về Điều 258, trong BLHS 1999 như thế nào? Cơ sở chính trị và pháp lý mà họ lấy làm chỗ dựa để đòi hủy bỏ điều này là gì?

Bộ luật Hình sự 1999 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999, ra đời đến nay đã hơn 10 năm (1999-2013). Bộ luật này ra đời trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, các thế lực thù địch đẩy tới chiến lược “diễn biến hòa bình” thay cho các cuộc chiến tranh xâm lược đối với các nước đi theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam.

Pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không có gì khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. Về mục tiêu đó là quy định của pháp luật nhằm bảo đảm ổn định xã hội, bảo vệ chế độ, nhất là về chính trị; là bảo vệ thành quả của cách mạng; bảo vệ các quyền công dân và quyền con người; thiết lập trật tự, kỷ cương trên tất cả các mặt của đời sống. Về nội dung, pháp luật thể hiện sự kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm với phương châm giáo dục, phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo. Về nguyên tắc xử lý tội phạm là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, người phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người tự thú, khai báo trung thực, biết ăn năn hối lỗi. Pháp luật nói chung, BLHS của Việt Nam nói riêng luôn luôn tôn trọng nghĩa vụ tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Dựa trên chính sách bảo vệ an ninh của Nhà nước ta, các Điều 88, Điều 79, Điều 258 của BLHS đã phản ánh đúng những đòi hỏi của cách mạng trong bối cảnh tội phạm đã có những diễn biến mới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Chiến lược chống phá của các thế lực thù địch dựa trên thủ đoạn chiến tranh “không khói súng”, thủ đoạn “ôn hòa”, “bất bạo động”.

Điều 88 BLHS 1999 quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” nhằm, một mặt nghiêm trị những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, mặt khác nhằm chủ động phòng ngừa các hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội.

Điều 258 BLHS 1999 quy định về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” nhằm một mặt nghiêm trị những hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, mặt khác nhằm chủ động phòng ngừa những hành vi tương tự gây tổn hại đến Nhà nước và chế độ xã hội.

Trong khái niệm “tội phạm” của BLHS 1999, không loại trừ cái gọi là những hoạt động "ôn hòa", “bất bạo động”. Khái niệm tội phạm trong Bộ luật này quy định, đó là “những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự,… thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa” (Chương III-Tội phạm, BLHS, 1999).

Thực tế đời sống chính trị trên thế giới cho thấy, những bất ổn về chính trị, bạo loạn xã hội thường bắt đầu từ những hành vi “ôn hòa”, “bất bạo động”. Đối với Việt Nam, trong nhiều vụ án xét xử theo các Điều 88, Điều 79, Điều 258 BLHS 1999, nhiều bị can, bị cáo đã thừa nhận trước tòa - họ đã từng được đưa ra nước ngoài để đào tạo về hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động”. Họ cũng đã thừa nhận có mối liên hệ với tổ chức chính trị chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và tổ chức khủng bố “Việt Tân”, hoặc tổ chức “Fulro” lưu vong. Bởi vậy, những luận điệu tuyên truyền rằng, Điều 88, Điều 258 là những quy định “mù mờ”, là “vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí ” được quy định trong Điều 19, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị là vô lối. Điều 1 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định rằng: “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai có quyền can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận”… “Việc thực hiện những quyền… này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt… do đó phải chịu một số hạn chế theo luật định, để: Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[1]. Như vậy, Điều 88, Điều 258 BLHS 1999 quy định về các tội phạm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia là hoàn toàn phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966.

Con đường phát triển của dân tộc ta, của chế độ xã hội XHCN của chúng ta phải do nhân dân ta tự quyết định. Những ảo tưởng áp đặt mô hình dân chủ nhân quyền “ngoại nhập” - như có người nói, hoặc sử dụng những hành vi “ lách luật”, phi pháp nhằm thực hiện những ý đồ đen tối đó chắc chắn sẽ thất bại/.

Vọng Đức-Linh Nghĩa (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất