(TG) - Đã có nhiều sách và những bài báo quy mô lớn của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà khoa học viết về sự cống hiến to lớn của Anh Văn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng Đảng. Trong phạm vi công tác nhỏ hẹp của mình, nhân dịp này tôi xin kể lại một vài kỷ niệm với Anh trong quá trình công tác, có quan hệ tới công tác xây dựng Đảng.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp - Anh Văn kính yêu của chúng ta đã về với Bác Hồ ở tuổi đại thượng thọ. Nhân dân ta và bạn bè thế giới ca ngợi Anh là vị tướng thiên tài ngang hàng các tướng lĩnh nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử quân sự thế giới. Nhưng Anh Văn của chúng ta còn là người cộng sản kiên trung từ những năm 27 của thế kỷ trước trong tổ chức tiền thân của Đảng, là người học trò xuất sắc, gần gũi của Bác Hồ. Do đó, cùng với việc lãnh đạo, chỉ huy Quân đội, Anh luôn quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, vì sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có sự lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân như Anh đã từng viết khi tổng kết tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đã có nhiều sách và những bài báo quy mô lớn của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà khoa học viết về sự cống hiến to lớn của Anh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng Đảng. Trong phạm vi công tác nhỏ hẹp của mình, nhân dịp này tôi xin kể lại một vài kỷ niệm với Anh trong quá trình công tác, có quan hệ tới công tác xây dựng Đảng.
Theo Quyết định điều động của Thường vụ Khu uỷ Tả ngạn, tôi rời khỏi bộ phận lãnh đạo Thị uỷ tiếp quản thị xã Hải Dương, cũng là rời quân ngũ năm 1957 lên công tác ở Báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng. Trong thời kỳ làm báo, tôi cũng được vài lần gặp Anh Văn, chủ yếu trong thời gian giải lao ở các cuộc họp mà Anh có mặt. Biết tôi làm báo Đảng, lại đã từng là bộ đội, Anh hay gặp hỏi han, trao đổi ý kiến mà tôi cho đó là những lời dặn dò, nhắc nhở của người làm báo bậc thầy, vì tôi biết Anh đã từng viết sách, viết báo trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, đã từng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Báo giới Bắc kỳ năm 1937. Với nghề báo, tôi còn nhớ Anh tâm sự, thuở các anh làm báo thời Mặt trận dân chủ, những bài bình luận thường đăng trong mục "Thời đàm". Các bài bình luận thường tỏ rõ quan điểm, chính kiến của người viết, của tờ báo nhưng cùng đàm luận về thời sự trong mục "Thời đàm" nghe thoải mái hơn, không có không khí áp đặt. Rồi, làm báo lúc đó thường có những cuộc "bút chiến". Đấu tranh bảo vệ chân lý nhưng qua tranh luận thì cũng thoải mái hơn và bắt buộc người viết phải dùng luận điểm, thực tiễn để thuyết phục...
Đến khi tôi được điều động lên công tác trên Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, tuy Anh Văn không còn ở cơ quan lãnh đạo của Đảng, nhưng tôi lại được gặp Anh nhiều hơn trong các cuộc họp, có khi tại nhà riêng của Anh, khi thì trên điện thoại... chủ yếu nghe Anh dặn dò công tác xây dựng Đảng.
Còn nhớ, năm 1998, tôi được Bộ Chính trị cử vào Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về "Mấy vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay", được phân công cùng một số đồng chí Uỷ viên Trung ương tham gia một đoàn khảo sát của Bộ Chính trị ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ do đồng chí Nguyễn Minh Triết (Sáu Phong), Uỷ viên Bộ Chính trị làm Trưởng đoàn. Ở TP. Hồ Chí Minh, Đoàn chúng tôi được làm việc với lãnh đạo địa phương và một số đồng chí lão thành cách mạng do đồng chí Bí thư Thành uỷ Trương Tấn Sang chủ trì. Sau cuộc họp hai ngày, thấy nhiều đồng chí còn muốn nói thêm, đồng chí Trưởng đoàn phân công tôi gặp riêng các đồng chí Mai Chí Thọ, Lê Toàn Thư, Nguyễn Thọ Chân - là những đồng chí đã từng ở cơ quan lãnh đạo của Đảng và đã công tác nhiều năm ở miền Nam, đồng thời gặp một số trí thức như Giáo sư Lý Chánh Trung, Luật sư Trương Thị Hoà và một số thanh niên quận 3. Đối với các đồng chí lão thành cách mạng yêu nước thì được gặp riêng từng người, cuộc gặp nào cũng "đẫy" một buổi. Trong các cuộc gặp đó, đồng chí Trưởng đoàn dặn chúng tôi chỉ ghi chép trung thực, có thể gợi ý, hỏi thêm, nhưng không tranh luận để ý kiến được phản ánh khách quan.
Biết có những đoàn công tác của Bộ Chính trị đi khảo sát tình hình, Anh Văn cho gọi tôi lên hỏi (chắc rằng không chỉ có mình tôi) để anh chuẩn bị góp ý kiến với Trung ương. Tôi lên 30 Hoàng Diệu - nhà riêng của Anh - để làm việc. Buổi làm việc đó không thấy đồng chí thư ký riêng rất tin cậy của Anh cùng dự, chắc để tôi có thể thoải mái báo cáo.
Tôi thưa với Anh cách làm việc của Đoàn và công việc được phân công. Anh nói muốn nghe ý kiến cụ thể của từng người, sợ chỉ nghe báo cáo tổng hợp sẽ mất đi những ý kiến cụ thể sinh động, vì theo Anh, có khi những ý kiến tưởng nhỏ nhưng lại đặt ra vấn đề rất lớn. Cũng có thể coi đó như lời dặn dò nhắc nhở với những người được trao công việc tham mưu với lãnh đạo. Và tôi đã báo cáo theo ý của Anh. Đặc biệt nhấn mạnh những ý kiến rất bức xúc, thậm chí gay gắt của các đồng chí lão thành cách mạng về trí tuệ của cơ quan lãnh đạo không ngang tầm và những dư luận khá phổ biến về tình hình lãng phí, phô trương, tham nhũng của cán bộ công chức, trong đó có một số cán bộ cấp cao, sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước... Nghe xong Anh lại hỏi: "Thế còn ý kiến của các nhà trí thức?". Tôi lại tiếp tục báo cáo ý kiến của Luật sư Trương Thị Hoà và Giáo sư Lý Chánh Trung. Tôi lần lượt nói lại ý kiến từng người, nhấn mạnh ý kiến của anh Lý Chánh Trung. Giáo sư Lý Chánh Trung theo đạo Thiên Chúa, dạy Triết học ở Sài Gòn. Khi Bác Hồ qua đời, tháng 10 năm 1969, Giáo sư đã viết bài trên Báo Đất nước công khai ca ngợi Bác Hồ. Giáo sư nói: "Trong thế kỷ này và cả thế kỷ sau, tôi chưa thấy có lực lượng chính trị nào có thể so sánh với Đảng Cộng sản, nhưng nếu để tham nhũng kéo dài, kinh tế trì trệ, niềm tin trong dân giảm sút... thì sẽ là một thảm hoạ cho đất nước". Nghe đến đây, Anh Văn nói: "Đồng chí nói lại ý kiến anh Trung?". Vì đây cũng là ý kiến tôi cho là chân thành, sâu sắc, đã ghi chép cẩn thận, cho nên nhắc lại không có gì khó khăn.
Sau khi nghe tôi báo cáo, Anh Văn hỏi: "Thế các đồng chí xử lý tài liệu khảo sát thế nào?". Tôi thưa: "Theo ý kiến chỉ đạo của anh Sáu Phong thì báo cáo tổng hợp đã có bộ phận thư ký lo, nhưng mỗi đồng chí có báo cáo riêng, ghi rõ ý kiến từng người gửi về bộ phận thường trực của Tiểu ban gồm 3 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị. Riêng báo cáo của tôi dài gần 30 trang cũng đã gửi kèm theo báo cáo của Đoàn. Nghe thế, Anh nói: "Làm như thế là tốt, cần để các đồng chí lãnh đạo biết cụ thể dân tình".
Thế rồi trong công tác của mình, kế tục truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm phong phú của Ban Tuyên huấn, sau là Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, nhưng trong tình hình mới của thời kỳ đổi mới, tập thể Lãnh đạo Ban thấy cần phải bổ sung phương thức công tác cho phù hợp. Nhưng thay đổi không dễ, có khi còn bị hiểu lầm. Tuy vậy cũng cần thay đổi, bổ sung. Lãnh đạo Ban kiến nghị phương thức công tác tư tưởng trong tình hình mới, nói gọn là "Hướng về cơ sở, tăng cường thông tin và đối thoại". Cũng không hoàn toàn mới, nhưng cũng có điểm mới theo hướng dân chủ, sát cuộc sống hơn trong công tác tư tưởng. Để nói rõ ý kiến của Lãnh đạo Ban, tôi viết bài giải thích trên Tạp chí Công tác Tư tưởng số 6 năm 1998, sau đó lại viết tiếp một bài đăng trên số tháng 2 năm 2000. Hai bài này đều đăng ở Tạp chí phát hành nội bộ (thường gọi là "Tạp chí bìa trắng") nhưng lại có số phát hành cao hơn các tạp chí công khai - phổ biến rộng rãi.
Còn nhớ, khi sắp sửa ăn cơm tối gia đình vào một ngày tháng 3 năm 2000 thì có chuông điện thoại. Tôi đến cầm máy thì nghe: "Đồng chí Thọ đấy hả. Văn đây". Đúng là tiếng nói của Anh Văn, nhưng không biết có chuyện gì vậy! Anh nói: "Tôi đã đọc bài báo của đồng chí. Bài trước tôi cũng đã đọc. Tôi hoan nghênh. Công tác tuyên huấn bây giờ chủ yếu phải qua thông tin, đối thoại, không thể áp đặt. Các đồng chí cố gắng làm theo hướng đó!". Tôi trả lời: "Thưa anh, chúng tôi xin cố gắng, nhưng cũng báo cáo thật với anh là làm không dễ đâu ạ". Anh cười trên máy rồi động viên: "Đổi mới không dễ, nhưng khó khăn mới cần những người cách mạng...!".
Đúng là không dễ. Hướng là đúng, nhưng muốn làm được phải đổi mới tư duy và phong cách, phải chuẩn bị một đội ngũ dám đối thoại và đủ bản lĩnh, trí tuệ để đối thoại.
Nhớ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn kính yêu, nhắc lại vài kỷ niệm nhỏ để ghi lại sự quan tâm của Anh, đặc biệt là vấn đề dân chủ trong công tác xây dựng Đảng đang là vấn đề bức xúc hiện nay, và cũng xin tự phê bình với Anh, vì chúng tôi đã không làm được bao nhiêu trong nhiệm lỳ công tác của mình như Anh mong muốn!./.
Tháng 10 năm 2013
Hữu Thọ