Cơn bão số 10 đã qua, nhưng hậu quả để lại cho con người và mảnh đất miền trung vô cùng nặng nề. Bão số 10 đã làm 16 người chết và mất tích, hơn 200 người bị thương; 389 ngôi nhà bị sập, đổ,...; 27.833 nhà bị ngập; 195.801 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.121 trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại; 4.871 ha lúa và 13.410 ha hoa mầu bị ngập, đổ; 444.120 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.438 ha ao cá, tôm bị ngập; 120 tàu thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố; hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng với 206.140 m3 đất, đá, bê-tông sạt, trôi, bồi lấp;... tổng thiệt hại ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Trong những ngày mưa bão, đã xuất hiện tấm gương của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, của những người dân quả cảm đồng sức cứu người, cứu tài sản; và sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An, đã trở thành tấm gương sáng của những con người yêu nước, thương nòi. Tổn thất từ thiên tai làm xáo động nhân dân cả nước, bên sự trợ giúp của Chính phủ, đạo lý "lá lành đùm lá rách" lại tiếp tục thôi thúc để hình thành một phong trào rộng rãi trên cả nước ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả bão lụt.
Song chính trong những ngày hàng chục nghìn đồng bào ta đang trần mình chống chọi với gió mưa lụt lội, lại có một số người tụ tập hò hét để "ủng hộ Lê Quốc Quân" - kẻ phạm tội trốn thuế bị tòa án xét xử. Họ không bận tâm tới đồng bào, vì "nhân quyền" mà họ đòi hỏi không phải là nhân quyền từ đó mọi người có điều kiện được phát triển toàn diện, có cơm ăn và áo mặc, được học hành, cộng đồng sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn,... mà chỉ vì "nhân quyền" cho mục đích xấu xa của bản thân họ. Họ kéo nhau ra đường hò hét, vung tay vung chân, quay phim chụp ảnh để thi nhau đưa lên mạng càng sớm càng tốt, không một chút trắc ẩn khi chỉ cách đó mấy trăm cây số, không biết bao nhiêu con người mà họ "nhân danh" đang cần được chung tay giúp đỡ, rất cần được chia sẻ. Bức xúc trước hiện tượng này, một blogger viết: "Những tên trốn thuế, làm nghèo quốc gia lại được một đám người phong anh hùng, thắp nến cầu nguyện. Nhưng những con người ra đi trong bão lại không được như thế, không có nến, không có băng-rôn khẩu hiệu, những con người đó đang dầm mình trong nước, hy sinh cho công việc vì dân của mình... Tôi nhận ra, hóa ra quân đội, công an, chính quyền chính là nơi duy nhất có thể an ủi con người trước những nỗi lo lắng trước thảm họa thiên nhiên, trước khó khăn bão lũ. Và khi ấy, tôi cảm thấy khinh bỉ đến cùng cực những người đang đứng trước tòa để hóng một tên trốn thuế, những kẻ đang cầu mong cho tên trốn thuế".
Thực tế những ngày qua cho thấy, phiên tòa xét xử hành vi trốn thuế của Lê Quốc Quân không chỉ làm lộ rõ bản chất của một số người đang "nhân danh lòng yêu nước đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ" mà còn làm lộ rõ tính chất phi lý, thái độ đồng lõa, bất chấp lẽ phải của một số tổ chức, cá nhân trên thế giới khi cố gắng cổ vũ, bảo vệ Lê Quốc Quân. Trước và trong khi phiên tòa diễn ra, một số tổ chức và cá nhân đã tiến hành một "chiến dịch" rầm rộ để một mặt vu cáo Nhà nước Việt Nam, một mặt để gây sức ép đòi thả Lê Quốc Quân. Phiên tòa kết thúc, không chỉ mấy cái "loa" như Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức nhà báo không biên giới (RSF), Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW),... cùng thi nhau vu cáo Việt Nam, mà đáng tiếc là cả Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng ra tuyên bố nói rằng "Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại"! Thậm chí đến ngày 7-10, RFA vẫn còn "cố đấm ăn xôi" bằng cách đăng bài Dư âm phiên xử LS Lê Quốc Quân dù trên thực tế, phiên tòa không xét xử "LS Lê Quốc Quân" mà chỉ xét xử "bị cáo Lê Quốc Quân"!
Có một nghịch lý là, trong đủ loại tuyên bố, bản nhận định, lên tiếng của AI, HRV, RSF,... và Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đều như cố tình không biết trong cáo trạng và bản án Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên đều không có bất kỳ câu chữ nào nhắc tới việc Lê Quốc Quân bị xét xử vì "chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị". Họ cố tình đánh tráo sự thật bằng cách biến vụ án xét xử Lê Quốc Quân với tội danh "trốn thuế" thành "phiên tòa chính trị", tảng lờ hành vi phạm tội của Lê Quốc Quân, bất chấp cả việc đồng phạm của Lê Quốc Quân đã nhận tội, từ đó tạo cớ vu cáo Nhà nước Việt Nam. Với lối tiếp cận như thế, chẳng lẽ các tổ chức, cá nhân bênh vực Lê Quốc Quân lại không hề biết tội danh "trốn thuế" có ý nghĩa quan trọng như thế nào ở một quốc gia có kỷ cương. Chẳng lẽ Ðại sứ quán Hoa Kỳ đã quên rằng, chính ngay tại Hoa Kỳ, trốn thuế là một trọng tội và bị xử lý rất nghiêm khắc, không phân biệt người trốn thuế là ai. Vì thế một tòa án Hoa Kỳ tuyên bố "không có biệt lệ" với tội "cố tình không khai báo thu nhập của" diễn viên điện ảnh Wesley Snipes, người này đã phải chấp nhận khoản tiền phạt năm triệu USD cùng bản án ba năm tù. Hoặc ngày 8-7 mới đây, nữ ca sĩ Lauryn Hill từng đoạt giải Grammy, phải thi hành án tù giam ba tháng tại một nhà tù ở bang Connecticut, sau khi thi hành án còn phải quản thúc tại gia một năm vì đã trốn thuế thu nhập. Cách đây vài năm, vì phạm tội chỉ dẫn, tiếp tay cho hành vi trốn thuế nên Bradley Birkenfeld đã bị tòa án kết án 40 tháng tù giam; song sau khi ra tù vì có hạnh kiểm tốt, Bradley Birkenfeld lại được Sở thuế Hoa Kỳ (IRS) thưởng 104 triệu USD do đã tố cáo các sai phạm về thuế của ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Rồi công chúng còn có thể đọc các tin tức cho biết, Tỷ phú đồ chơi Beanie Babies bị kết án 5 năm tù vì trốn thuế, Cụ bà bán dụng cụ tự tử bị kết tội... trốn thuế,... Tương tự như vậy, là thông tin từ một số nước phương Tây, như Bộ trưởng ngân sách Pháp, Jerome Cahuzac từ chức vì bê bối trốn thuế, hay Cựu Thủ tướng Berlusconi đi nhặt rác một năm... Tảng lờ tội trốn thuế, chẳng lẽ các tổ chức, cá nhân đã và đang bảo vệ Lê Quốc Quân muốn cổ vũ cho hành vi tự do trốn thuế?
Ở Việt Nam, ngay từ khi xây dựng Bộ luật Hình sự, đã có Ðiều 169 đề cập tới tội trốn thuế. Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, tội trốn thuế được đề cập tại Ðiều 161 (Chương XVI: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế). Từ sự nghiêm túc của các cơ quan thi hành pháp luật ở Việt Nam mà trong những năm qua, dư luận đã biết tới các vụ án như: Khởi tố điều tra vụ trốn thuế ở khách sạn Equatorial (năm 2010), Bắt Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Duy Linh trốn thuế (năm 2012), Bầu Kiên thêm tội trốn thuế trong kinh doanh vàng (2013)... Như vậy, việc bắt giữ, xét xử Lê Quốc Quân vì có hành vi trốn thuế chính là để bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ xã hội, nghiêm khắc với các hành vi gian lận, hoàn toàn không liên quan tới các hành vi vốn vẫn được các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cổ súy, bảo vệ.
Trong nội dung các tuyên bố, bản lên tiếng, nhận định của AI, RSF, HRW,... và Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam còn có một điều kỳ lạ nữa là: trong khi đưa ra đủ loại "lý lẽ" bảo vệ Lê Quốc Quân, họ tuyệt nhiên không đả động, không đưa ra bất kỳ ý kiến nào để bênh vực Phạm Thị Phương - đồng phạm cùng đứng trước tòa với Lê Quốc Quân và phải chịu mức án tám tháng tù giam vì tội "trốn thuế". Tại sao họ không quan tâm tới "nhân quyền" cho Phạm Thị Phương, không coi bản án đối với Phạm Thị Phương cũng là "bịt mồm những người hoạt động nhân quyền"? Câu trả lời rất đơn giản bởi, với quan niệm "tiêu chuẩn kép", họ chỉ bảo vệ người được họ quan tâm mà thôi. Nói cách khác, họ đâu cần quan tâm tới nhân quyền. Và giả dụ Lê Quốc Quân chưa từng tham gia một khóa học của Quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) có lẽ họ cũng không quan tâm tới anh ta. Mà về NED và Lê Quốc Quân như bài của Hoàng Tứ Duy viết về "anh bạn Lê Quốc Quân" đã đăng trên danchimviet, danluan thì: "NED là cơ quan do Tổng thống Ronald Reagan thành lập năm 1983. Ngân sách của NED do Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp. Do viễn kiến của Tổng thống Reagan và một vị thứ nhì là Dân biểu Dante Fascell để hình thành một cơ quan cổ võ dân chủ trên khắp thế giới nên chương trình học bổng này mang tên là "Reagan - Fascell". Trong suốt lịch sử hoạt động, cơ quan NED đã nhận rất nhiều nghiên cứu sinh. Những người này thường đến từ các quốc gia vừa mới chuyển tiếp sang thể chế dân chủ như Ba Lan, Ukraine hoặc các nước "độc tài nhẹ" như Singapore, Iran và Venezuela. Lê Quốc Quân là người đầu tiên từ Việt Nam được nhận vào chương trình Reagan - Fascell của NED, vì khả năng của luật sư Quân và sự quan tâm của Hoa Kỳ đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam", chẳng lẽ đó lại là sự thật!?
Với ý nghĩa nhân văn và phạm vi rộng nhất, nhân quyền trong xã hội không bó hẹp trong một, hai lĩnh vực. Chỉ chú tâm xuyên tạc, vu cáo, đòi hỏi xã hội phải đáp ứng yêu cầu của mình, mà không bận tâm tới an sinh xã hội, tới quyền của các nhóm yếu thế, tới sự an nguy của đồng bào trước thiên tai,... là không lương thiện, là mạo danh nhân quyền. Chính vì thế, đã đến lúc không chỉ một số người đang ra sức bảo vệ Lê Quốc Quân, mà cả AI, RSF, HRW,... cũng như Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam nên tự vấn về các phát ngôn, hành động của họ chớ nên cổ súy, bảo vệ những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hồng Quang/Nhân Dân