Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 7/6/2012 15:55'(GMT+7)

Phát huy các giá trị của hệ thống di tích Cố đô Huế

 Xin ông cho biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phải đối phó thế nào để hệ thống di tích Huế thoát khỏi tình trạng cứu nguy khẩn cấp?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Cần phải nhắc lại là, 30 năm trước, ngày 10/6/1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập. Đó là đơn vị tiền thân của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế ngày nay. Trải qua ba thập niên xây dựng, phát triển, đến nay Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có bước trưởng thành vượt bậc, trở thành đơn vị bảo tồn di sản hàng đầu của Việt Nam.

Di sản văn hóa Huế là một phức hệ bao gồm cả quần thể di tích cố đô đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, chùa quán, cầu cống, phủ đệ; hệ thống kiến trúc cộng đồng, tôn giáo và kiến trúc dân gian; các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú; các giá trị cảnh quan môi trường độc đáo. Tuy nhiên, sau khi triều Nguyễn chấm dứt, hai cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) đã tàn phá nghiêm trọng các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo cùng việc tu sửa các di tích một cách tùy tiện trước đây đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các di sản.

Năm 1983, Luận chứng kinh tế-kỹ thuật tổng hợp về bảo tồn di sản cố đô Huế đã được bảo vệ thành công ở cấp Nhà nước. Từ đó, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước dành cho Huế ngày càng tăng, góp phần quan trọng để cải thiện công tác bảo quản, chống xuống cấp và bước đầu trùng tu các di sản của cố đô. Cho đến năm 1991, hầu hết các di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ (căn cứ theo Pháp lệnh Bảo vệ di tích năm 1984) và đã được các ban ngành liên quan từ trung ương đến cơ sở công nhận. Trên cơ sở đó, vào năm 1992, một bộ hồ sơ khoa học mang tính tổng thể về di tích cố đô Huế đã được thiết lập và được đệ trình lên Ủy ban di sản thế giới của UNESCO.

Năm 1993, hệ thống di tích Cố đô Huế được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, điều quan trọng nhất với Huế lúc đó là xây dựng được một chiến lược phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được công nhận. Chiến lược đó đã được cụ thể hóa bằng Dự án "Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu cơ bản của dự án là bảo tồn di sản văn hoá Cố đô Huế; phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế bao gồm giá trị di sản văn hóa vật chất, giá trị di sản văn hoá tinh thần, giá trị di sản văn hoá môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được những thành tựu chính: Bảo quản cấp thiết hầu hết các di tích bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa v.v. nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

Trùng tu, phục hồi một số công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, các cổng Kinh thành ... Củng cố hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài; điện đường đến các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng đã được đầu tư, nâng cấp; hệ thống sân vườn sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung An Định... được đầu tư chỉnh trang theo hướng trả lại không gian vốn có.

Hệ thống di sản văn hóa Huế từ đó đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản. Điều quan trọng là, các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

- Việc phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế hiện nay ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Phan Thanh Hải: Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với di sản văn hóa truyền thống… Nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc Cung đình phục vụ du khách), Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài. Các công trình hạ tầng Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện chiếu sáng Đại Nội và các lăng đã phục vụ tốt các lễ hội Festival cũng như cầu truyền hình trong các dịp lễ, Tết.

Các di sản văn hóa phi vật thể của Huế như thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế ...luôn được phát huy.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương, như Khoa cử và khoa bảng triều Nguyễn, Thần kinh nhị thập cảnh - thơ vua Thiệu Trị, Kinh thành Huế, Huế - Di sản văn hóa thế giới, Âm nhạc cung đình Huế, Tuồng cung đình Huế, Khảo cổ học tại Di tích Cố đô Huế, Di sản văn hóa Huế - Nghiên cứu & bảo tồn, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (6 tập), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (10 tập)...

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn được hàng chục tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng như 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong Tế Liệt miếu, 5 nhạc chương trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên Đán, 37 nhạc chương diễn tấu với dàn Tiểu nhạc, 10 nhạc chương diễn tấu trong các đợt vua ngự, 14 bài bản Đại nhạc… Trung tâm còn sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu như Trình tường tập khánh, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Bát Dật, Long Hổ hội...; nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật…

Trung tâm đã nghiên cứu phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Nam giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô - Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến Sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mới nhưng dựa trên chất liệu truyền thống như Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi, Thiên hạ Thái bình… Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Festival Huế, các loại hình nghệ thuật Cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi cung đình… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của đơn vị chủ nhà, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế. Chính nhờ những nỗ lực trên mà tháng 11 năm 2003, UNESCO đã chính thức công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nay là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại).

Từ bấy đến nay, trung tâm lấy việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hệ thống di tích Cố đô Huế làm giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Đặc biệt là đầu tư tu bổ để phát triển ngành công nghiệp du lịch và các loại dịch vụ, tạo cơ sở để giải quyết việc làm cho người lao động. Việc khai thác hợp lý làm cho di tích thoát khỏi sự lãng quên mà Luật Di sản Văn hóa đã chỉ rõ là hướng đến xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Phát triển du lịch là xu thế tất yếu của xứ sở giàu di sản văn hóa này. Đây cũng là lĩnh vực thể hiện kết quả trực tiếp của công tác bảo tồn di sản.

Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương. Trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại, các giá trị di sản văn hóa Huế còn được giới thiệu ở các nước như Lào, Pháp, Bỉ, Áo, Nhật, Hàn Quốc thông qua các đợt trưng bày triển lãm của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; các giá trị văn hóa phi vật thể được giới thiệu ở các nước như Hàn Quốc, Philippines, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Italy, Nhật Bản, Thụy Sĩ... thông qua các đợt lưu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.

Ngành du lịch dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong những năm qua đã có những bước phát triển nhanh chóng và thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2011 đã đạt gần 724,5 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.

Việc khai thác và phát huy giá trị di sản còn tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, chằm nón lá, làm kẹo mè xửng, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch.../.

Quốc Việt (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất