Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 4/6/2011 9:47'(GMT+7)

Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân

 Để hiểu thêm căn cứ lý luận của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta không thể bỏ qua những tư tưởng chỉ đạo của Lê-nin trong luận cương "Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết" được Ban Chấp hành Đảng Cộng sản toàn Nga thông qua ngày 3-5-1918 và trở thành Cương lĩnh của Đảng, nhằm bác bỏ quan điểm của "những người cộng sản cánh tả, đòi có ngay chủ nghĩa xã hội (CNXH), không thừa nhận phải trải qua thời kỳ quá độ". Luận điểm hết sức tiến bộ của Lê-nin chính là cần phân biệt sự khác nhau cơ bản về vị trí người lao động trong hai cuộc cách mạng. Lê-nin cho rằng: Chủ nghĩa tư bản đã hình thành trong chế độ cũ. Cách mạng tư sản chỉ kết thúc mọi việc bằng cách thay chế độ bóc lột, người lao động chỉ tham gia "công việc phá hoại" các quan hệ phong kiến, ở nguyên vị trí là người bị trị. CNXH không thể sinh ra trong chế độ cũ. Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là sự bắt đầu "những công tác tích cực, có tính sáng tạo" của người lao động nhằm thiết lập một hệ thống tổ chức mới, cực kỳ phức tạp và tinh tế, quan hệ đến đời sống hàng chục triệu con người.

Từ sự khác nhau cơ bản đó, trước hết, Lê-nin chỉ ra rằng: Sau khi đã bảo vệ chính quyền cách mạng chống lại sự phản kháng của các thế lực thù địch thì nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyển từ chính trị sang kinh tế: "Không phải hàng đầu là chính trị mà hàng đầu là tổ chức lại nền kinh tế". Trong kinh tế không thể lập công đột xuất như trong chiến tranh mà phải động viên mọi người kiên nhẫn, bền bỉ lao động, trong vòng phong tỏa của đủ loại tư tưởng tư hữu cá nhân lười biếng, muốn lấy về nhiều hơn đóng góp, chủ nghĩa quan liêu, ăn cắp, hối lộ, chủ nghĩa danh vọng, địa vị. Không thoát khỏi vòng vây ấy thì không thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Hai là, phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý của cải, quản lý con người: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một đảng XHCN đưa dân nghèo lên tham gia quản lý. Đã đến lúc không thể chỉ dùng trấn áp để chiến thắng mà phải dùng quản lý để chiến thắng. Đã đến lúc ta phải biết tổ chức một cách mới mẻ những cơ sở sâu xa nhất của đời sống".

Ba là, "CNXH phải coi trọng kiểm kê, kiểm soát toàn dân". Thiếu cái đó, không thể có việc nâng cao năng suất, vật chất hóa CNXH. Nhà nước phải nắm được nguồn vật chất, nhiên liệu, nguyên liệu, sức người, sức của ở đâu và được sử dụng như thế nào; số người đang làm việc và thu nhập ra sao... Phải nắm chắc cơ cấu giai cấp, xã hội, mỗi tầng lớp thu nhập như thế nào; phải kìm chế, nâng đỡ tầng lớp nào để làm căn cứ xác định nhiệm vụ, chính sách tài chính, ngân hàng, ngoại thương, chính sách thuế. Phải củng cố kỷ luật lao động, không chỉ của công nhân viên chức mà là kỷ luật Nhà nước. Phải kiểm tra công tác thực tế của cán bộ, kiểm tra kỷ luật và trách nhiệm của người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức kinh tế, để không quan liêu độc đoán, chuyên quyền, vi phạm lợi ích nhân dân.

Với những tư tưởng tiến bộ nêu trên, Cương lĩnh của Lê-nin đã động viên được tuyệt đại đa số người lao động tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa. Theo đó, chỉ từ năm 1925 đến năm 1930 nước Nga đã xóa xong nạn thất nghiệp, trong khi thế giới tư bản còn 30 triệu người. Năm 1933, nước Nga trở thành nước công nghiệp tự túc được nhiều công cụ hiện đại và năm 1927 đã đứng đầu châu Âu, vượt Đức, Anh, Pháp về khối lượng công nghiệp, trong tình hình không đi vay nợ, cũng không có giúp đỡ từ bên ngoài.

Việt Nam xúc tiến công nghiệp hóa trong hoàn cảnh đã trải qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đạt nhiều thành tựu trong xóa đói giảm nghèo; GDP cả nước tăng 3,2 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168USD; tuổi thọ trung bình lên tới 72 tuổi. Đặc biệt, Việt Nam từ nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình; đất nước từ bị bao vây cô lập trở thành nước có uy tín trong nhiều tổ chức quốc tế... Những thành tựu đó càng chứng minh "Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động" là đúng đắn.

Nghiên cứu các văn kiện và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta vui mừng nhận thấy những tư tưởng chỉ đạo của Lê-nin và Hồ Chí Minh đều được Đảng ta quán triệt và cụ thể hóa cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nổi lên là quan điểm "phát huy nền dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân". Có thể nêu lên mấy dẫn chứng.

Một trong 5 bài học kinh nghiệm được Đảng ta nêu rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) là: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử...". Cũng chính từ vấn đề cốt lõi ấy, các văn kiện Đại hội XI của Đảng đều nhấn mạnh "tính dân chủ, do nhân dân làm chủ". Đặc biệt, trong đặc trưng xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Nhằm mục tiêu đó, trên cơ sở giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN... nghị quyết coi kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, lấy việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN làm định hướng lớn đầu tiên, lấy phát triển bền vững làm yêu cầu xuyên suốt nhưng vẫn kết hợp với phát triển nhanh để sớm đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là thể hiện sinh động tư tưởng Lê-nin coi nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức lại nền kinh tế, đang được cuộc sống chứng minh nổi bật.

Tư tưởng "không thể chỉ dùng trấn áp để chiến thắng mà phải dùng quản lý để chiến thắng, phải làm cho mọi người dân tham gia quản lý" thể hiện rõ trong chủ đề của Báo cáo chính trị "Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc"; lấy sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với toàn thể nhân dân (bao gồm cả đồng bào cư trú ở nước ngoài, làm nguồn lực chính để đẩy mạnh đổi mới toàn diện, trong đó phần kiểm điểm ưu, khuyết điểm và phương hướng phấn đấu trong nhiệm kỳ đều đi sâu trước hết vào năng lực lãnh đạo và quản lý mọi mặt của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Tư tưởng "CNXH phải coi trọng kiểm kê, kiểm soát toàn dân" được thể hiện nổi bật trong Báo cáo chính trị "Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát" với nội dung thiết thực và súc tích, trong đó "chú trọng kiểm tra giám sát người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao". Việc Nhà nước mới ban hành "Huân chương Dũng cảm" để thưởng cho những người có công chống tham nhũng là một bằng chứng đáng khích lệ về quyết tâm "thoát khỏi vòng vây" của các tệ nạn nội sinh để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đang ở thời kỳ quán triệt, chấp hành luận điểm "bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân" là một tư tưởng gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thực hiện "lời nói đi đôi với việc làm". Trong cuộc đấu tranh hội nhập giữa các chế độ trên toàn thế giới, đã đến lúc mỗi chế độ đều phải có "chỉ số dân chủ" được người dân thừa nhận. "Chỉ số dân chủ" cũng giống như mỗi con người phải có chỉ số "IQ" (thông minh), biểu hiện khả năng đứng vững và phát triển. Mong rằng chủ trương phát huy dân chủ XHCN của Đại hội XI sẽ không ngừng nâng "chỉ số dân chủ" của Việt Nam lên tầm cao mới.

Thiếu tướng, GS BÙI PHAN KỲ/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất