Nghiên cứu những văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 – 2020, chúng ta thấy rằng, nhận thức về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được bổ sung những nội dung mới.
“Sắp xếp” lại vị trí của “dân chủ” trong mục tiêu xây dựng đất nước
“Dân chủ” đứng trước “công bằng” và “văn minh”. Điều này không chỉ là vấn đề “câu chữ” mà là logic của phát triển, là trình tự ưu tiên trong các mục tiêu phái thực hiện. Dân chủ là tiền đề, là điều kiện của “công bằng” và “văn minh”. Cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ, có dân chủ chúng ta mới có sức dân, một nhân dân không phân biệt giàu nghèo, dòng giống, tôn giáo, giai cấp, nam, nữ... để một nước nhỏ mà đánh thắng các đế quốc to trong các cuộc kháng chiến thần thánh giành và bảo vệ nền độc lập. Không có dân chủ là không có dân, mà mất dân là mất tất cả, như người xưa đã từng nói.
Phát triển nhận thức về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong các văn kiện, cụm từ “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân... do sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” trước đây thường sử dụng từ “dưới” nay thay bằng từ “do” – “do sự lãnh đạo của Đảng”. Đây là một sự thay đổi nhận thức quan trọng, khẳng định rằng, dù Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, dù “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” thì Đảng cũng không đứng trên Nhà nước pháp quyền, không đặt Nhà nước pháp quyền “dưới” Đảng. Điều này cũng thể hiện sự chuyển biến nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Lãnh đạo không phải là người đứng trên mà là người tiên phong, người chỉ đường và dẫn đường. Như vậy, những bức xúc từ thực tiễn, những tranh luận khoa học, ở mức độ nào đó đã đưa lại chuyển biến trong nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Sự đổi mới vị trí vai trò, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, cũng đồng nghĩa với đổi mới nhận thức của Đảng về Nhà nước. Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan quyền lực công cộng của toàn xã hội, do nhân dân lập nên, thực hiện chức năng công quyền, hành động theo pháp quyền, mọi lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp đều được thực hiện thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước với hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước là một phương thức thực hành dân chủ của nhân dân.
Nhận thức về Nhà nước và chủ quyền Nhà nước đã bắt đầu đổi mới từ khi Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đặc trưng quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền là chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước là tổ chức đại diện cho nhân dân, cho mọi giai cấp, tầng lớp, tộc người, tôn giáo... được lập ra nhằm thực hiện ý chí chung. Để thực hiện ý chí chung đó, mọi tầng lớp nhân dân phải đoàn kết, đổng thuận. Chính Nhà nước pháp quyền đã làm thay đổi, khắc phục cách nhận thức biệt phái, cực đoan, coi Nhà nước chỉ đơn thuần là công cụ thống trị mà coi nhẹ hoặc phủ nhận tính xã hội, tính công quyền của Nhà nước.
Sự chuyển biến theo hướng tích cực trong nhận thức về Nhà nước, sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của nhân dân, khi nhân dân thấy rằng, Nhà nước là của mình, do mình và vì mình. Với nhận thức đó, việc nhân dân tổ chức ra Nhà nước, kiểm soát hoạt động của Nhà nước sẽ trở thành hiện thực. Điều đó có nghĩa một nền dân chủ thực sự sẽ trở thành hiện thực. Nền dân chủ ấy sẽ khắc phục dần tình trạng lộng quyền, lạm quyền, cửa quyền hoặc nhược quyền vẫn đang tồn tại khá phổ biến trong hệ thống chính trị nước ta. Nó cũng góp phần khắc phục tình trạng đặt Đảng cao hơn Nhà nước, Nhà nước cao hơn nhân dân một cách cơ giới, siêu hình. Vớì tình trạng đó, nhân dân không thể kiểm soát được quyền lực của mình khi đã tin cậy trao vào các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước.
Kiểm soát quyền lực nhà nước
Trong một chế độ nhà nước, khi “quan chủ” lấn át “dân chủ” thì người dân không còn quyền gì, không thể kiểm soát quyền lực của mình đã ủy thác cho nhà nước, thậm chí còn trở thành nạn nhân của các hành vi chuyên quyền, lộng quyền, lạm quyền...
Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ có ý nghĩa ở chỗ là chủ thể quyền lực nhà nước kiểm soát quyền lực của minh đã ủy thác cho Nhà nước, mà ý nghĩa lớn lao hơn, là ở chỗ nhân dân chỉ có thể tin tưởng vào Nhà nước, tự nguyện tuân thủ sự quản lý của Nhà nước như là tuân thủ ý chí chung, khi họ kiểm soát được cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Nhân dân sẽ không thấy rằng họ đã mạo hiểm và phí phạm lòng tin khi trao quyền cho các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước.
Trên cơ sở những phân tích tính tất yếu chính trị như trên, chúng ta mới thấy rằng, những luận điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước trong Cương lĩnh chính trị của Đảng và trong Báo cáo chính trị của Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI là một bước tiến lớn trong nhận thức của Đảng về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung nội dung kiểm soát quyền lực trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát, mà trước hết là kiểm soát ngay từ bên trong Nhà nước, ngay trong quá trình tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, sau đó là sự kiểm soát của nhân dân bằng các hình thức giám sát, phản biện xã hội khác nhau.
Đảng chủ trương: “Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”
Đại hội XI đã ghi dấu ấn của mình về dân chủ trong tổ chức Đại hội cũng như trong những quyết định của Đại hội. Tuy nhiên như Đai hội đã nhận định: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội” .
Để thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước như là một quá trình “tự nhiên” trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thì sự chuyển biến về nhận thức là chưa đủ. Quá trình biến nhận thức của Đảng thành nhận thức và hành vi của toàn xã hội đòi hỏi phải tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Phải xây dựng cho được những thể chế, cơ chế, quy phạm cụ thể về kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là một quá trình không dễ dàng, cần phải có quyết tâm cao, tri thức rộng và kỹ năng thành thạo. Đó cũng chính là quá trình đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn/Đại đoàn kết