Cần đẩy mạnh và phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, đây là nội dung trọng tâm được đại diện các dân tộc, tôn giáo trên
địa bàn góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội X Đảng bộ Thành phố Hồ Chí
Minh và Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng do Ủy ban MTTQ Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/10.
Ông Hà Tăng, Ủy viên Ủy ban MTTQ phường 5, quận 5 (đại diện Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối người Hoa thành phố) cho rằng: Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tiếp tục phát huy hơn nữa, tạo động lực trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo ông Hà Tăng, cần chú ý phát huy tính năng động sáng tạo của mỗi người, mỗi bộ phận để mọi việc từ quản lý đến sản xuất kinh doanh đạt được năng suất, hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, các tập quán tốt đẹp của các dân tộc; không ngừng phát huy sức mạnh của lòng yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang, tập hợp quần chúng mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phú Văn Hẳn (dân tộc Chăm), Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ nhận định: Để đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững cần sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị; cần phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết các khó khăn vướng mắc của đồng bào các dân tộc.
Theo ông Ysa Umơ, Trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Muwahidin (quận 9), các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo nhiều hơn tới việc phát huy vai trò công tác vận động của MTTQ, các đoàn thể và những người có uy tín trong các dân tộc để tập hợp quần chúng tham gia vào các tổ chức đoàn thể phù hợp với đặc điểm, tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Cùng với đó, tập trung nâng cao trình độ dân trí, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc; thường xuyên chăm lo đời sống, quan tâm giải quyết thỏa đáng các nhu cầu về văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc, hướng tới sự đồng thuận trong xã hội để góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố, đất nước.
Về vấn đề giáo dục cho người dân tộc, tôn giáo, ông Kim Sô, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo phường 1 (quận 8) kiến nghị các cấp chính quyền cần dành sự quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này, có chính sách tạo điều kiện cho con em các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt và có công việc tốt hơn, để cuộc sống của đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng ổn định, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Nhiều đại biểu có cùng ý kiến cho rằng, hiện nay việc dạy tiếng dân tộc cho con em người dân tộc trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy trong thời gian tới thành phố cần quan tâm tổ chức các lớp học dạy tiếng dân tộc cho những người có nguyện vọng. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cần được quan tâm nhiều hơn nữa, có chính sách, quy định cụ thể để chăm lo cho đối tượng là con em người dân tộc./.
Theo TTXVN