Ngày 13/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ gồm lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đến thăm, làm việc với tỉnh miền núi Yên Bái về tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay, kế hoạch những tháng cuối năm 2009 và trong các năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc Yên Bái trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, hệ thống chính trị được tăng cường và củng cố.
Những năm gần đây, GDP của tỉnh tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 11,79%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng, đường ô tô đến trung tâm 100% số xã. Nhiều công trình xây dựng trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công như: đường Trạm Tấu - Bắc Yên, cầu Trái Hút qua sông Hồng, dự án nâng cấp tổng thể bệnh viện đa khoa tỉnh...
Ba năm qua, Yên Bái đã ưu tiên đầu tư cho vùng cao trên 650 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, thuỷ lợi, trồng rừng kinh tế, khai hoang ruộng nước, chuyển ruộng 1 vụ sang sản xuất 2 vụ, hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn mức bình quân chung cả tỉnh.
Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ, bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động. 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác tôn giáo được quan tâm. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững và ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Yên Bái phát triển chưa thật vững chắc, năng lực cạnh tranh còn yếu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn, nguồn nội lực còn nhỏ bé, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, phát triển không đồng đều giữa các vùng; cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu và lạc hậu, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Yên Bái cần phát huy tiềm năng, thế mạnh là tỉnh nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội, tài nguyên khoáng sản phong phú - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Yên Bái cần phát huy tiềm năng, thế mạnh với lợi thế là tỉnh nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội, tài nguyên khoáng sản phong phú, có thể phát triển mạnh công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng, khai khoáng, thủy điện, chế biến nông sản, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ, vận tải, đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, duy trì tốc độ trưởng 12,5% - 13% như kế hoạch Đảng bộ Yên Bái đã đề ra.
Tỉnh cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kiên cố hóa trường học, “có vốn mà không thực hiện công trình là có lỗi với dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo, nhất là dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng cường công tác quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng giao các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Nội vụ… xem xét giải quyết một số kiến nghị của tỉnh về nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông vận tải, phát triển công – nông nghiệp, xây dựng đô thị, tổ chức bộ máy, hỗ trợ di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đảm bảo tiến độ xây đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tăng cường chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho nhân dân trong tỉnh.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trường PTTH nội trú Yên Bái - Ảnh: Chinhphu.vn |
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Trường phổ thông trung học nội trú Yên Bái, Công an tỉnh Yên Bái, thăm và chúc sức khỏe đồng chí Hà Thiết Hùng, lão thành cách mạng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Yên Bái./.
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 6.899,49 km2, ở vị trí nối tiếp giữa trung du và miền núi phía Bắc, giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc; phía Đông Bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây Nam giáp tỉnh Sơn La và phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai.
Dân số toàn tỉnh gần 75 vạn người, với 30 dân tộc cùng chung sống, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 49,6%, Tày 18,58%, Dao 10,31%, Mông 8,9%, Thái 6,7%... Tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm: 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; có 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21 phường, thị trấn), trong đó có 70 xã vùng cao, 62 xã đặc biệt khó khăn; có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước.
Yên Bái có tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, tài nguyên rừng, khoáng sản, hệ thống giao thông (cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ) và cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng những năm qua đã và đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt mạnh, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, đời sống của đồng bào còn khó khăn... Yên Bái vẫn là một trong số các tỉnh nghèo của cả nước, đây là những thách thức cho sự phát triển của tỉnh. |
Việt Đông chinhphu.vn