Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 6/9/2022 11:45'(GMT+7)

Khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới.

Ngày 6/9, tại tỉnh Hoà Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9 khu vực phía Bắc.

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình; Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoà Bình; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí đại diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh Hoà Bình; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, phòng tham mưu lĩnh vực công tác tuyên truyền miệng thuộc Ban Tuyên giáo 29 tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc, các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đồng chí báo cáo viên Trung ương; lãnh đạo Trường Chính trị các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...

HÒA BÌNH THỰC HIỆN LINH HOẠT MỤC TIÊU VỪA PHÒNG, CHỐNG DỊCH VỪA PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình thông tin Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình thời gian gần đây; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long thông tin chuyên đề.

Đồng chí Nguyễn Phi Long nêu rõ, Hòa Bình là một tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Trong 8 tháng năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 8/2022, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 43.458 ha đạt 96% so với kế hoạch. Tổng diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ là 2.700 ha và 4.820 lồng nuôi cá, tăng 220 lồng; sản lượng cá thu hoạch ước đạt 1.000 tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 8 tháng đạt 34.000 tỷ đồng, đạt 64,80% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu lỹ kế 8 tháng ước đạt 933,262 triệu USD, tăng 22,43% so với cùng kỳ, đạt 64,95% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu lỹ kế 8 tháng ước đạt 716,978 triệu USD, tăng 11,84% so với cùng kỳ, đạt 65,36% kế hoạch năm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.540 tỷ đồng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả; công tác hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn… được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt. Công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình được thực hiện tốt. Công tác xây dựng chính quyền; cải cách hành chính; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động tư pháp được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được đảm bảo, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẨY MẠNH

Báo cáo về chuyên đề Kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây; nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, từ sau phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những tác động khó lường từ tình hình quốc tế và khu vực gây ra, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, vừa chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học báo cáo chuyên đề.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cho chủ trương xử lý đối với những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với những nội dung trên, Hội nghị cũng nghe đồng chí Trần Huy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao báo cáo chuyên đề Tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian gần đây; dự báo tình hình Trung Quốc và định hướng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Huy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao báo cáo chuyên đề.

KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Phát biểu kết luận và định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp và ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thời gian qua, Trung ương đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước. Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng đã được nêu trong Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23/7/2022 về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 4952/VPCP-V.I ngày 5/8/2022 về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới; các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền..

Hai là, tuyên truyền về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Khẳng định, hơn 70 năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp lợi ích lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới; đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai nước…

Ba là, tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (10/12/1982 - 10/12/2022); 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC (4/11/2002 - 4/11/2022) và 10 năm Luật Biển Việt Nam.  Khẳng định, sau Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. 4 thập kỷ từ khi ra đời (1982-2022), UNCLOS vẫn giữ vẹn nguyên giá trị và được coi là Hiến pháp của Đại dương; nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực, là cơ sở để tiến hành đàm phán COC thực chất, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển bền vững kinh tế biển…

Các đại biểu dự Hội nghị.

Bốn là, tiếp tục tuyên truyền một số nội dung quan trọng liên quan đến các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; năm học mới 2022-2023; một số ngày lễ, ngày kỷ niệm... Theo đó, tiếp tục tuyên truyền những nội dung cơ bản, những điểm mới của các nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII, đồng thời tập trung tuyên truyền Chương trình hành động của các đảng bộ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những đánh giá, nhận định khoa học của quốc tế về tính hiệu quả của việc tiêm mũi vaccine tăng cường, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân về sự cần thiết hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên. Đồng thời tăng cường tuyên truyền sự nỗ lực, trách nhiệm, cống hiến của lực lượng y tế và các lực lượng phòng, chống dịch. Đấu tranh phê phán những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tâm lý tiêu cực cho cán bộ nhân viên ngành y tế.

Tuyên truyền nhấn mạnh, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; được cụ thể bằng 12 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo.

Tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022; Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022; kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2022) - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trên cơ sở bám sát Hướng dẫn số 67-HD/BTGTW ngày 15/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nguồn thông tin, tư liệu chính thống do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phát hành, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động xây dựng các chuyên đề chuyên sâu để tuyên truyền tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.

Tin, ảnh: Thế Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất