Xây dựng nông thôn mới: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
Sau hơn năm năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân, với nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có nhiều khởi sắc, đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện. Các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở, các chi bộ thôn, xóm đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, tập hợp, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Các chi, đảng bộ khu vực nông thôn luôn coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Cấp ủy các cấp có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều giải pháp phát huy vị trí vai trò, trách nhiệm của chi bộ, đảng viên ở cơ sở; gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, những vấn đề nhân dân quan tâm, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Quá trình triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và nhân dân và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhìn một cách tổng thể, người nông dân không chỉ ở các xã được chọn xây dựng điểm mà hầu hết các xã, thôn bản, đã và đang tạo ra một diện mạo nông thôn mới hiện đại, văn minh. Thực hiện xây dựng nông thôn mới đã giải quyết được những vấn đề cấp thiết trước mắt của người dân nông thôn như đường - trường - điện - trạm và các thiết chế văn hóa, làm nền tảng cho phát triển. Đặc biệt, nhiều địa phương đã xây dựng được mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường, thay đổi tư duy và tạo ra một tư duy mới, cách làm mới cho người nông dân: thực sự chuyên nghiệp trong sản xuất, sản xuất mang tính bền vững lâu dài.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm. Các tổ chức đảng, chi bộ nông thôn thực tế có gì khó khăn, vướng mắc và cách tháo gỡ như thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đảng, cấp ủy trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp (xây dựng vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề nông thôn) để vừa giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường và nhất là an ninh trật tự xã hội nông thôn; vai trò của tổ chức đảng trong tổ chức, huy động sức dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (đóng góp tiền, sức lao động, xây dựng điện, đường, trường, trạm, giao thông, thủy lợi nội đồng); trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất; trong giải quyết các điểm nóng nảy sinh bởi những bất cập trong quản lý, sử dụng đất; các cấp ủy đảng, chi bộ lãnh đạo như thế nào trong việc chăm lo đời sống văn hóa nông thôn để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới; giữa phát triển công nghiệp dịch vụ gắn với bảo tồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa của mỗi làng, xã (xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, bài trừ các tệ nạn xã hội). Đó là những vấn đề, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bên cạnh đó, những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, củng cố tổ chức đảng và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế, chậm được khắc phục. Nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn xem nhẹ. Tình trạng quan liêu xa thực tiễn, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chủ chốt, đảng viên nông thôn vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở. Những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng củng cố tổ chức đảng và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, chậm được khắc phục… Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, yêu cầu phải có nguồn lực không nhỏ, nhưng điểm xuất phát của nhiều địa phương còn thấp kém, đòi hỏi quá trình tổ chức, thực hiện phải năng động, sáng tạo, trong khi năng lực lãnh đạo của nhiều tổ chức đảng còn yếu và lúng túng, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình.
Một số giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng nông thôn mới
Kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức đảng, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng nông thôn mới đặt ra nhiều vấn đề cần được làm rõ về nhận thức, quan điểm, giải pháp. Những hạn chế, yếu kém trong xây dựng nông thôn mới xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tổ chức đảng, cấp ủy các cấp chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo của mình.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 26, bảo đảm đúng lộ trình xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; để kinh tế, xã hội nông thôn phát triển, mấu chốt là phải có sự lãnh đạo hiệu quả, nhất quán, quyết liệt, triệt để của các cấp ủy đảng với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, là tổ chức gần dân, sát dân, nên dễ dàng nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, suy nghĩ của người dân. Theo đó, việc tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và chi bộ nông thôn trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, năng lực tổ chức, điều hành lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương là nhiệm vụ quan trọng.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng nông thôn mới, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao năng lực định hướng của tổ chức cơ sở đảng, đây cũng là một nhiệm vụ căn bản trong việc xây dựng và thực hiện chương trình nông thôn mới. Bởi xây dựng nông thôn mới không chỉ ở việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở nông thôn mà còn là cơ hội để kiện toàn bộ máy quản lý cơ sở, trong đó có các tổ chức cơ sở đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng chọn ra cho mình một hướng đi, cách tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Không làm ồ ạt, không nên cố làm cho đủ các tiêu chí, không nên chạy theo phong trào, cố ép phải đạt cho đủ các tiêu chí, càng không nên coi nông thôn mới là một danh hiệu, mà cái chính là lãnh đạo, chỉ đạo làm thế nào để khai thác, phát huy được các tiêu chí ấy để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, bền vững. Muốn làm được điều đo, cần đào tạo, bồi dưỡng năng lực định hướng, chỉ đạo và làm gương của từng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.
Đổi mới nội dung lãnh đạo của cấp ủy các cấp từ xã đến chi bộ thôn, xóm, cần xác định đúng nội dung lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời xác định rõ nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, tránh dàn trải.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, tạo ra sự thống nhất về nhận thức, trước hết là trong cấp ủy, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể ở địa phương và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, những yêu cầu, tiêu chí đặt ra theo Bộ tiêu chí quốc gia đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đơn vị mình phụ trách. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt của chương trình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và huy động sức mạnh toàn dân cùng tham gia. Bởi vì, khi người dân được bàn bạc, thấy công việc có lợi cho thôn, xã cũng là có lợi cho mình thì có được sự đồng thuận, nhất trí cao và tích cực tham gia.
Cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia, ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào xây dựng nông thôn mới tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết hợp tuyên truyền với cam kết thực hiện các tiêu chí trong khả năng của các hộ gia đình và cộng đồng dân cư; đồng thời vận động các nhà tài trợ, các gia đình tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí.
Ba là, từng cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo trong ổn định và phát triển sản xuất, giữ vững kỷ cương, bảo đảm an ninh chính trị, nâng cao thu nhập của người dân. Nông dân cần được hướng dẫn và hỗ trợ phát triển sản xuất. Cấp ủy, chính quyền các cấp hướng dẫn để nông dân từ chưa biết đến biết và giỏi trong cách làm ăn, sản xuất, gắn với vấn đề bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa và bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo đảm an ninh xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là khâu trọng yếu để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng khu vực nông thôn
Bốn là, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn mới ở cơ sở. Trong sinh hoạt chi bộ, nội dung xây dựng nông thôn mới phải được xác định là một trong những vấn đề trọng yếu của công tác lãnh đạo, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong tình hình mới. Chi bộ, đảng bộ cơ sở cần xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, chương trình hoạt động cụ thể để thực hiện các tiêu chí của Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đề ra; Đổi mới việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, qua đó chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể và các chi bộ, đảng bộ trực thuộc thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới; về vai trò lãnh đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là, cấp ủy cấp trên tiếp tục tổ chức, rà soát, đánh giá lại các tổ chức đảng yếu kém để có phương án củng cố, kiện toàn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đi sâu vào từng loại hình chi bộ để chỉ đạo, nhân điển hình tiên tiến về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đổi mới nội dung sinh hoạt và hoạt động, gắn với việc “ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng quy trình, tiêu chí cụ thể đánh giá cấp ủy cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc việc phân tích, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm để dần khắc phục trình trạng né tránh, nể nang, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Sáu là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Chương trình nông thôn mới. Tổ chức đảng, cấp ủy cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã về xây dựng nông thôn mới. Cần tạo điều kiện để các đoàn thể chính trị, xã hội tham gia vào việc thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, dịch vụ, vốn, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật... cho nông dân. Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Thái Sơn/TCCS