Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 15/10/2008 10:45'(GMT+7)

Phát huy vai trò người nhiễm HIV trong phong trào “4 tự”

Phạm Thị Huệ - một trong những người nhiễm HIV tự công khai danh tính đầu tiên ở Việt Nam

Phạm Thị Huệ - một trong những người nhiễm HIV tự công khai danh tính đầu tiên ở Việt Nam

PGS.TS Đào Văn Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo TW), trưởng nhóm chuyên gia khảo sát tại cộng đồng nhiễm HIV/AIDS ở 3 tỉnh An Giang, Lạng Sơn, Khánh Hòa trong thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 9/2008 cho biết: phần lớn các bạn nhiễm HIV đều có nguyện vọng mong muốn phong trào “4 tự” được triển khai ở địa phương mình. Tỉnh An Giang đã thành lập được Hội của những người nhiễm HIV và hội này hoạt động khá hiệu quả. Nhiều đối tượng được hỏi đều cho rằng đây là một sáng kiến hay cần được triển khai và mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bạn Nông Khánh Hùng, Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng Lạng Sơn cho biết: “ Nếu Trung ương mà phát động được phong trào như vậy trong cộng đồng người nhiễm HIV thì tốt vô cùng…”.

Bạn PVS, Câu lạc bộ người nhiễm HIV tỉnh An Giang chia sẻ: “4 tự” rất hay vì nó giúp cho người nhiễm chúng tôi có thể sống đàng hoàng và có thể cống hiến phần đời còn lại cho bản thân mình và cho cộng đồng”. Hiện nay, ở An Giang sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm nhiều, vì thế đã có nhiều người nhiễm HIV tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng tình nhưng còn nhiều băn khoăn

Trong khi đó, chị Huỳnh Như Thanh Huyền thuộc mạng lưới các nhóm Tự lực phía Nam (TP Hồ Chí Minh) vẫn có nhiều băn khoăn: “Theo tôi, nếu phát động phong trào “4 tự” có nhiều điều lợi, rất thiết thực trong việc ứng phó với HIV. Nhưng vào thời điểm này sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại vậy, tôi đề xuất những người nhiễm HIV hãy góp ý kiến cho phong trào “4 tự”, những điểm lợi và bất lợi đối với người nhiễm HIV khi thực hiện phong trào này. Bởi, không chỉ tôi mà rất nhiều người nhiễm HIV vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn khi công khai danh tính, khi tự lập và khôi phục lòng tin của mọi người. Băn khoăn nhất của tôi là “tự công khai danh tính” vì không phải người nhiễm HIV nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay”.

Anh Phạm Quốc Hùng, thành viên Ban điều hành mạng lưới người có HIV/AIDS Việt Nam tâm sự: Trong phong trào “4 tự” thì “tự công khai danh tính” là khó nhất, vì điều đó không chỉ phụ thuộc vào chính bản thân người nhiễm HIV mà còn phụ thuộc vào cộng đồng, vào môi trường xã hội, hệ thống pháp lý…. Khi cộng đồng hiểu và cảm thông đối với người nhiễm HIV thì họ cũng “sẽ tự công khai danh tính”. Khi tự công khai, người nhiễm HIV cũng cần có sự ủng hộ của chính người thân trong gia đình.

Kỳ thị vẫn là rào cản lớn nhất đối với người nhiễm HIV khi họ công khai danh tính. Sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV là một gánh nặng mà bệnh nhân cảm thấy khó chịu đựng hơn so với gánh nặng của bệnh tật. Bạn Đỗ Thị S, thành viên Nhóm Nắng Mai, TP Hồ Chí Minh kể: Con tôi 5 tuổi bị nhiễm HIV đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi. Năm học 2007 - 2008 tôi đưa con đi xin học ở trường mẫu giáo tư nhân gần nhà. Sau khi đi học được 1 tuần thì Ban giám hiệu mời tôi lên văn phòng và đưa ra rất nhiều lý do để từ chối không cho cháu học ở trường. Đến năm học 2008 - 2009 tôi lại đưa con đến trường mẫu giáo công lập; con tôi mới học được đến ngày thứ 4 thì cũng bị cô hiệu trường mời lên và đưa ra nhiều lý do không cho cháu đến trường. Hiện nay tôi không biết phải làm cách nào để con tôi được đến trường được học chữ, nếu tôi không công khai mình có HIV, chắc con tôi đã được đến trường !!!

Ngần ngại, sợ hãi, thiếu tự tin là cảm giác chung của nhiều người nhiễm HIV khi đi tìm việc. Vì thế, theo các bạn nhiễm HIV thì trong “4 tự” thì “tự lập” cũng rất khó thực hiện bởi hiện nay, để có một công việc ổn định thì người bình thường đã khó huống hồ người nhiễm HIV vừa không có trình độ tay nghề, vừa không có sức khỏe. Một bạn nhiễm HIV (CLB Tự Lực, Quảng Ninh) chia sẻ: Hiện nay em ở nhà không làm gì hết, vì đi xin việc ở đâu cũng không được nhận. Em có nộp đơn xin vào làm tại một bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng người ta biết em nghiện và bị HIV nên đã từ chối.

Qua các khảo sát ở các địa phương cũng như qua các cuộc thăm dò ý kiến đối với cộng đồng người có HIV/AIDS Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên phát động phong trào “3 tự”. Vì trong nội hàm “tự giác” cũng đã bao hàm ý nghĩa của việc “tự công khai danh tính”.

Một trong những băn khoăn nữa mà cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS quan tâm, là lâu nay chúng ta phát động các phong trào thường mang tính hình thức. Nếu có một phòng trào nào mới, có yếu tố khả thi thường được tuyên truyền rầm rộ, nhưng sau đó, ít được tổng kết, được đánh giá, được phản biện… Vì thế, nếu triển khai phong trào “3 tự” hay ‘4 tự”, cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá để có những bước đi và lộ trình thực hiện phù hợp.

Trao đổi về những khúc mắc này, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trong quá trình thực hiện phòng, chống HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy việc vận động những người nhiễm HIV và gia đình họ trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV là một việc làm quan trọng, thể hiện tính xã hội cao. Thực tế, sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình họ trong việc phòng, chống HIV đã ngày một tăng nhưng cho đến nay, việc tập hợp người nhiễm HIV trong những tổ chức thích hợp như Câu lạc bộ Tự lực, tổ nhóm Vì ngày mai tươi sáng… vẫn còn hạn chế về số lượng.

Hoạt động của những người nhiễm HIV tuy có đa dạng và phong phú hơn trước nhưng chưa có những phong trào tương xứng với phong trào chung của xã hội trong phòng, chống HIV và nội dung hoạt động chưa được cụ thể. Chính vì vậy, cần phải có một cuộc vận động hoặc một phong trào mà người nhiễm HIV là chủ thể để đóng góp vào công tác phòng, chống HIV. Phong trào này cũng là nét đặc sắc trong hoạt động của những người nhiễm HIV ở Việt Nam.

Dưới góc độ tuyên truyền cần làm rõ vai trò của những người nhiễm HIV, đặc biệt trong việc thực hiện “4 tự” thì họ sẽ được hưởng lợi gì, họ thấy nhiều lợi ích sẽ tự nguyện, tích cực thực hiện. Và đặc biệt, phải thay đổi hẳn cách truyền thông, coi HIV cũng là một căn bệnh, không phải tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV vẫn sống bình thường và không gây hại cho cộng đồng nếu biết cách phòng ngừa. Truyền thông về HIV/AIDS phải hướng tới yếu tố tích cực, từ đó giúp cộng đồng có cái nhìn bình đẳng, thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Ngoài ra, để phong trào “4 tự” đạt hiệu quả cao cũng cần sự chung tay của toàn xã hội. Theo đó, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền, các cấp uỷ đảng trong việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành đoàn thể phải coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và mạnh mẽ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khi họ nhận những người nhiễm HIV vào làm việc như: miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi….


Quý Trọng -Thanh Tâm

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất