Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nêu rõ: Chương trình hành động tổng thể của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính, gồm: (i) Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; (ii) Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; (iii) Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (iv) Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; (v) Đầu tư và phát triển hạ tầng; (vi) Phát triển và huy động nguồn lực. PGS..TS. Nguyễn Xuân Phong cho rằng, những nội dung trong Nghị quyết 120 là rất toàn diện, tại Hội thảo này, ngoài việc đánh giá tình hình vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và những thuận lợi, khó khăn trong phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề nghị Hội thảo tập trung vào một số vấn đề: (1) những kết quả đã đạt được, hạn chế trong việc rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách; (2) đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra liên quan đến công tác cập nhật, hệ thống hóa số liệu; (3) đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (4) đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành đến nay; (5) đánh giá thực trạng, kết quả và một số vấn đề đặt ra về đầu tư và phát triển hạ tầng; (6) đánh giá thực trạng, kết quả và một số vấn đề đặt ra trong phát triển và huy động nguồn lực; (7) đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện Nghị quyết này cũng như kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này ở từng địa phương.
Tại hội thảo, chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đã trình bày các tham luận: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ - Nghị quyết “thuận thiên” để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững; kết quả thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP-Nhìn từ chiến lược phát triển “8 chữ G”; An ninh nguồn nước và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; Định hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP; Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ở Cần Thơ; Phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với quan điểm và và định hướng của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ: Nhìn từ thực tiễn tỉnh An Giang.
Các tham luận Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, những kết quả đã đạt được, hạn chế trong việc rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách về điều phối vùng và tăng cường liên kết vùng; cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện đại; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại đưa sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào các chuỗi phân phối quốc tế; việc rà soát, sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh, hiệu quả cao và bền vững; việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của từng vùng và tiểu vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Khmer và đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, đánh giá kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra liên quan đến công tác cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành và tăng cường điều tra cơ bản, nhất là việc cập nhật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu liên vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ nhằm thực hiện tốt phương châm “chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ” cũng như làm cơ sở và định hướng cho việc hình thành các tiểu vùng, phát triển kinh tế, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị và điểm dân cư nông thôn, nhất là đánh giá thực trạng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và xây dựng tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Thứ tư, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành đến nay, nhất là thực trạng việc thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình mới, đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thực trạng việc xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm thủy sản - cây ăn quả - lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái; thực trạng việc phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên; thực trạng việc phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, nét đặc trưng văn hóa và con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ năm, đánh giá thực trạng, kết quả và một số vấn đề đặt ra về đầu tư và phát triển hạ tầng, nhất là việc nâng cao hệ thống đê biển, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng; việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển sinh kế, phục vụ phát triển kinh tế; việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước, y tế; việc phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, các khu xử lý chất thải rắn...
Thứ sáu, đánh giá thực trạng, kết quả và một số vấn đề đặt ra trong phát triển và huy động nguồn lực, đặc biệt là việc truyền thông nhằm nâng cao nhận thức từ các cấp lãnh đạo tới doanh nghiệp và người dân về những cơ hội của các mô hình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; việc phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; việc huy động và quản lý nguồn lực tài chính...
Thứ bảy, cùng với việc đánh giá việc triển khai, kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP gắn với quyền hạn, trách nhiệm của Trung ương, Hội thảo còn đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền địa phương trong thực hiện Nghị quyết này cũng như kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, các đại biểu đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy nhanh, hiệu quả việc hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực; đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ tổng thể; đẩy mạnh việc xây dựng cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường việc đầu tư và phát triển hạ tầng; tăng cường nguồn lực tài chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Trần Hoàng Hiểu khái quát một số kết quả đạt được của Hội thảo như: ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết số 120/NQ-CP; những kết quả đã đạt được trong xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời đề xuất một số gợi mở nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách.
Các tham luận đều nhấn mạnh những kết quả về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, như thể chế, chính sách về liên kết vùng; về xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng đồng bằng sông cửu Long theo bốn lĩnh vực chính. Những thể chế, chính sách này góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; kết quả đạt được và liên quan đến công tác cập nhật, hệ thống hóa số liệu; và điều tra cơ bản, cũng như kết quả đạt được trong xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ nhằm thực hiện tốt phương châm “chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ”; thực trạng xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng, kết quả đạt được về phát triển hạ tầng; đánh giá thực trạng, kết quả đạt được về phát triển và huy động nguồn lực. Nhiều tham luận đã chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nguồn lực tài chính đầu tư cho sự phát triển của vùng không ngừng tăng lên. Theo đó, tỷ lệ vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long trong tổng vốn đầu tư cả nước đã từng từ 12% trong giai đoạn 2010-2015, lên gần 17% giai đoạn 2016-2020.Cùng với tăng cường nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển vùng, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương còn quan tâm đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân của hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, cũng như một số thách thức mà vùng đang gặp phải hiện nay; đồng thời hiến kế một số giải pháp, đề xuất kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết này trong thời gian tới.
Ban Tổ chức sẽ tiếp tục biên tập kỷ yếu Hội thảo và tổ chức lan tỏa để các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
TRƯỜNG GIANG