Thứ Tư, 27/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 3/6/2014 16:16'(GMT+7)

Phát triển công tác xã hội với chăm sóc sức khỏe tâm thần

Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, thực hành nghề công tác xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; cập nhật thông tin, mô hình tiên tiến, tìm kiếm cơ hội hợp tác nâng cao chất lượng nghề công tác xã hội. 

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sự phát triển của nền kinh tế mở cửa và sự phát triển nhanh của tiến bộ kỹ thuật thông tin đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần. 

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như: Tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu và ma túy. 

Sau hai năm thực hiện Quyết định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về quy hoạch mạng lưới các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, khoảng 26 trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức lại trung tâm, một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng. 

Hệ thống các trung tâm này nuôi dưỡng và chăm sóc, phục hồi chức năng cho hơn 10.000 đối tượng, mỗi trung tâm chăm sóc trung bình từ 100-500 đối tượng, cá biệt có trung tâm chăm sóc hơn 1.000 đối tượng. 

Các trung tâm này đang từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng; đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc đối tượng ngày càng tốt hơn, bảo đảm hệ thống an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, việc chăm sóc các đối tượng tâm thần còn gặp nhiều khó khăn như chưa đáp ứng đủ cơ số thuốc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; cơ chế chính sách trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và gia đình chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. 

Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần hiện còn thấp; nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khỏe tâm thần còn hạn chế... 

Các đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng khung chiến lược quốc gia về lĩnh vực sức khỏe tâm thần và thông tư tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế tổ chức của trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. 

Các đại biểu cũng cho rằng Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở; đồng thời ban hành các cơ chế để gia đình đối tượng có điều kiện kinh tế đóng góp phí chăm sóc, phục hồi chức năng tại cơ sở./. 

Phúc Hằng/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất