“Thông tin giò lụa phát sáng là chính xác và được nhiều người chứng
kiến,” ông Trương Hoàng Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh
thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, người trực tiếp tiến hành kiểm tra vụ việc
khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ
sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ
sinh thực phẩm quốc gia đã gửi email phiếu kết quả kiểm nghiệm các mẫu
giò, chả được Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh gửi lên,
trong đó, xác nhận mẫu giò đã không còn hiện tượng phát sáng, không
phát hiện chất huỳnh quang.
Ông Chung khẳng định cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tìm hiểu, điều
tra nguyên nhân hiện tượng giò phát sáng và tăng cường các biện pháp đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.
Trao đổi với Thạc sĩ Vũ Thị Hằng, khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại
học Nông nghiệp I, bà nói hiện tượng phát sáng của thực phẩm, mà cụ thể ở
trong giò lụa có thể do một số nguyên nhân, khả năng xảy ra như: do
thực phẩm nhiễm vi sinh vật phát quang, do quá trình protein động vật
phân giải tạo ra chất phát quang (thịt động vật hỏng, thối rữa) hoặc
thực phẩm có chứa chất phốt pho, trong điều kiện nhất định, chất này bị
oxy hóa và phát quang. Nhưng hiện tượng phát sáng này thường chỉ diễn ra
trong thời gian ngắn, sau đó do những biến đổi hóa học, hiện tượng phát
quang sẽ không còn. Tuy nhiên nếu con người ăn phải những thực phẩm này
có khả năng bị ngộ độc.
Ngày 22/5, anh Đỗ Văn Tuấn (làng chài Cửa Vạn, thành phố Hạ Long) phát
hiện miếng giò lụa mua để làm mồi câu cá phát sáng giữa trời đêm và gọi
những người xung quanh đến xem.
Khi được chứng kiến, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi miếng giò phát
ánh sáng màu xanh dương trong khi trời tối đen lúc 1 giờ đêm. Nghi ngờ
bị phủ một lớp huỳnh quang lên, miếng giò được đem ra rửa và xắt nhỏ
nhưng giò vẫn phát sáng. Tiếp tục mang một miếng giò lụa mua ở nơi khác
ra để so sánh thì thấy miếng giò này không phát sáng trong điều kiện
tương tự./.
(Vietnam+)