Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/10/2008 19:53'(GMT+7)

Phát triển doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn: Cần tạo nhiều "Lực hấp dẫn"

Với số lượng khoảng trên 300.000 doanh nghiệp hiện nay cộng với khoảng trên dưới hai triệu hộ kinh doanh cá thể đủ khả năng trở thành doanh nghiệp cùng nhiều yếu tố thuận lợi sẽ là niềm tin vững chắc cho mục tiêu trên. Tuy nhiên, việc làm thế nào để tạo ra “lực hấp dẫn” để phát triển doanh nghiệp trải đều trên tất cả các ngành, các khu vực, đặc biệt khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khoảng trống đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan nghiên cứu chính sách.

Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những triển vọng phát triển mới khi nền kinh tế đất nước hoà chung vào nền kinh tế toàn cầu; cùng với đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích về thuế, đất đai... nhằm thu hút đầu tư phát triển tại các vùng nông thôn. Do đó nông nghiệp, nông thôn chính là nơi sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn không được như kỳ vọng, cơ hội thì đã được mở ra, nhưng vẫn còn thiếu một "lực hấp dẫn" đủ mạnh để cuốn hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Đình Thuý-Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Tổng cục Thống kê: Tính đến năm 2007, số doanh nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn khoảng trên 40.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng gần 30% trong tổng số doanh nghiệp cả nước), trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tỷ lệ chiếm đến gần 30% trong tổng số các doanh nghiệp cả nước nhưng xét về quy mô vốn, các doanh nghiệp khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 16% tổng vốn của khu vực doanh nghiệp, và chỉ bằng 18,7% tổng vốn của các doanh nghiệp khu vực thành thị.

Từ năm 2000, sau khi có Luật doanh nghiệp mới ra đời, số doanh nghiệp nông thôn tăng mạnh. Tính đến thời điểm 1-1-2007 đã có 39.414 doanh nghiệp (bình quân trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm tăng 5.255 doanh nghiệp). Đến nay tổng số lao động khu vực này đang thu hút là 2,1 triệu người (tăng bình quân 236 nghìn người/năm trong 3 năm gần đây). Trong năm 2006, các doanh nghiệp khu vực nông thôn đã tạo ra 602 nghìn tỷ đồng doanh thu, trong đó có 18,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Mặc dù số doanh nghiệp khu vực nông thôn và nhiều yếu tố khác liên quan đều tăng năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức đóng góp bình quân của doanh nghiệp khu vực này cho Ngân sách Nhà nước (577 triệu đồng/doanh nghiệp/năm 2006) lại thấp hơn so với năm 2005 và 2004.

Như vậy, rõ ràng về "lượng" thì có tăng, nhưng "chất" nhìn theo một khía cạnh nào đó thì lại giảm. Vậy phải chăng có nguyên nhân của sự thiếu "mặn mà" và thiếu "lực hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư vào khu vực này?

Cũng theo ông Phạm Đình Thúy, cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn thể hiện trên 6 yếu tố chính là: Diện tích, mặt bằng đầu tư và mở rộng cho sản xuất kinh doanh thuận lợi; Đất nông nghiệp Việt Nam màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển nhiều chủng loại cây nông nghiệp và công nghiệp có giá trị cao; Nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành công nghiệp phát triển, đặc biệt đối với các ngành: Chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dệt may, da, giầy, vật liệu xây dựng,…; Nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công thấp; Đặc biệt, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế phát triển (Luật doanh nghiệp được cải tiến thường xuyên, Chú trọng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển,...); Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với số lượng dân số đông, rất thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá của các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, khu vực nông nghiệp nông thôn cũng còn những thách thức đối với doanh nghiệp, đó là: 

- Đất đai trong nông nghiệp. Cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, manh mún đối với đất nông nghiệp, đặc biệt với các tỉnh, thành phía Bắc, gây trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến.

- Nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao đối với cả đội ngũ quản lý và lao động trực tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đào tạo của Việt Nam còn yếu kém.

- Cơ sở hạ tầng (Đường giao thông, điện, nước, viễn thông…) còn nhiều bất cập.

- Cơ chế quản lý, cấp phép, giải phóng mặt bằng, dịch vụ công của các cơ quan công quyền mặc dù đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.
 
- Tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của một số cán bộ của cơ quan công quyền ở một số phương còn phổ biến. Thủ tục quản lý hành chính của một số cơ quan quản lý một số nơi chưa được cải thiện, làm giảm lòng tin của doanh nghiệp.

- Thị trường thế giới và trong nước bất ổn, gây khó khăn đối với việc sản xuất, phát triển và duy trì một số nguồn/vùng nguyên liệu…

Theo kết quả điều tra môi trường kinh doanh hàng năm, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều liệt kê ra 3 cản trở lớn nhất đối với họ, bao gồm: Đất là yếu tố gây cản trở nhiều nhất đến môi trường kinh doanh ở hầu hết các tỉnh, thành (thể hiện ở việc các doanh nghiệp mới thành lập tốn nhiều thời gian, chi phí cho các khâu xin cấp đất, giải phóng mặt bằng và thu xếp đấu nối với hạ tầng và xin cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất; môi trường pháp lý và xử lý tranh chấp; cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.

Hiện nay các doanh nghiệp ngoại quốc doanh đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm đang chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng tăng, trong khi đó chúng ta chứng kiến sự suy giảm của khối kinh tế nhà nước trong khu vực này. Đặc biệt, khu vực này đang thu hút nhiều dòng vốn FDI đổ vào. Tuy nhiên, điều đáng nói là dòng vốn này không ổn định và đang có chiều hướng suy giảm. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực và thực phẩm – là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, đầu tư vào ngành công nghệ nông nghiệp cần phải song hành với đầu tư vào các doanh nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng cần phải tăng cường các hoạt động đổi mới công nghệ.  Nhà nước cần hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, tạo dựng các vườn ươm chuyên ngành về chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cần chú ý đến thị trường trong nước, khai thác tiềm năng về lao động và đất đai song phải trên cơ sở tăng năng suất lao động.

Một vấn đề quan trọng khác để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp là việc giải quyết đầu ra cho nông sản. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đặc điểm của nông dân là rất thích làm ăn cá thể, nhưng chỉ làm manh mún và năng suất không cao. Trong khi đó nếu áp dụng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao hơn. Các doanh nghiệp thì lại cần phải đưa vào các quy trình sản xuất cao, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cho nên, cần phải hình thành các hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại, cụm sản xuất với nguyên liệu đồng nhất và thu hoạch, bảo quản và chế biến, đóng gói bao bì, thương hiệu theo quy chuẩn. Sau đó, doanh nghiệp tự tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tìm thêm nhiều thị trường mới để mở rộng sản xuất.

Vấn đề cung cấp nguyên liệu cũng là vướng mắc mà các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang gặp phải hiện nay. Người nông dân thu hoạch nông sản theo mùa trong khi doanh nghiệp lại cần nguyên liệu quanh năm. Mặc khác, quy mô sản xuất của người nông dân thì nhỏ và thiếu liên kết, trong khi doanh nghiệp lại cần những sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn... Nếu giải quyết tốt bài toán này, người nông dân không chỉ có thu nhập và đời sống tốt hơn mà doanh nghiệp cũng ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào để yên tâm đầu tư công nghệ. Từ thực tế đó, cho thấy, Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này (hỗ trợ về vốn, tín dụng, thuế, giải phóng mặt bằng, thực hiện các tiện ích xã hội, mở mang đường giao thông, tổ chức các chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học..).

Việc Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay vẫn được thực hiện theo Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, quyết định này đã thể hiện nhiều bất cập. Thực tế, thường xảy ra tình trạng doanh nghiệp đầu tư cho nông dân nhiều hạng mục (giống, thuốc trừ sâu, thiết bị, công nghệ…) và ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân. Nhưng thường là, nông dân chỉ bán cho doanh nghiệp khi giá các sản phẩm này trên thị trường thấp hơn giá doanh nghiệp thu mua. Nếu giá thị trường cao hơn thì nông dân lại "phá hợp đồng" mà đem bán cho tư thương. Hiện tượng này xẩy ra phổ biến nhưng chưa hề có chế tài để xử lý người nông dân vi phạm hợp đồng.

Việc phát triển ngành nghề, làng nghề là hướng chủ yếu để tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Do đó, việc phát triển thêm nhiều doanh nghiệp ở nông thôn là hết sức cần thiết. Đây là giải pháp chủ yếu để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Các cơ quan chức năng cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính trong việc đăng ký kinh doanh, bổ sung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu. Nông thôn đang rất cần hình thành các doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ... Trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, hình thức phổ biến vẫn phải là hộ gia đình từ quy mô nhỏ tiến lên trang trại quy mô lớn, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Cần thực hiện sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa “bốn nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) để phục vụ việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng nông sản, tôn trọng hợp đồng đã cam kết trong việc tạo đầu ra cho hàng hóa nông sản.

Đối với các doanh nghiệp phi nông nghiệp, cần hình thành đồng bộ các loại hình doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề từ chế biến nông-lâm-thủy sản đến xây dựng, thương mại, dịch vụ; có đủ các quy mô trong đó nhỏ và vừa là chủ yếu; thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, mà chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh, quy mô nhỏ và vừa (hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể tiểu thủ công nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân...)

Để thúc đẩy, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển thêm nghề, thêm doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, theo ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà doanh nghiệp, cần giải quyết tốt 4 loại giải pháp rất quan trọng sau:

- Khắc phục những yếu kém về kết cấu hạ tầng, chủ yếu là giao thông vận tải và năng lượng, đang ảnh hưởng lớn đến việc triển khai đầu tư của doanh nghiệp cả về thời gian và tiền bạc.

- Giải quyết mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp làng nghề, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản xuất.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong doanh nghiệp, nhân lực được coi là tài sản quý giá nhất, là nguồn vốn đặc biệt, yếu tố bảo đảm cho năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

- Tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước. Để khuyến khích, thu hút được nhiều đầu tư vào phát triển nghề, phát triển doanh nghiệp làng nghề ở nông thôn hiện nay, việc tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó có hai loại vấn đề đặc biệt cấp bách là: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch của mỗi địa phương một cách bài bản, căn cơ, làm căn cứ tin cậy cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước. Nhiệm vụ và nội dung đầu tiên, quan trọng nhất của Nhà nước trong thời kỳ hiện nay là cải cách thể chế kinh tế, thể chế hành chính...

 
Đỗ Hải - Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất