Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên về chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay,
cũng như những giải pháp để giáo viên toàn tâm gắn bó với nghề và thu
hút được nhân lực trẻ vào ngành sư phạm.
ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO ĐANG KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO, VƯƠN LÊN
PV: Trên chặng đường đổi mới giáo dục và đào tạo, nhà giáo chính là
lực lượng nòng cốt quyết định sự thành bại. Bộ trưởng đánh giá như thế
nào về chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong thời điểm hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói, chưa bao giờ ngành Giáo dục có được một lực lượng nhà
giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc
mầm non cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực
tiếp giảng dạy và quản lý.
Chúng ta vẫn nói, hiện nay, giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó
là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm
nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng. So với
nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông
đảo; là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những
nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.
Ở thời điểm này, nhà giáo được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn
trước; được đào tạo cả trong nước, ngoài nước, cả về trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, được bồi dưỡng huấn luyện về phương pháp giảng dạy, tiếp cận
các phương pháp sư phạm mới, khoa học giáo dục tốt nhất của thời đại.
Đặc biệt là giảng viên đại học, tỉ lệ được đào tạo ở nước ngoài, số
lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể.
Những năm gần đây, tỷ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học
cũng gia tăng đem lại những nhân tố mới, làm cho lực lượng nhà giáo
đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía.
Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với
việc nâng cao trình độ của nhà giáo, một mặt là áp lực, nhưng về tổng
thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.
Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm
chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà
giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng
người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để yêu nghề,
chăm lo cho các thế hệ học trò. Có thể nói, lực lượng nhà giáo đang
không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích
nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công
việc.
Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến
với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Những phẩm chất tốt đẹp
từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi
rất tin tưởng và tự hào. Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà
nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,
cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi
tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có
thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát
triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng thách thức, áp lực
như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát
triển, tiếp tục trưởng thành.
PV: Thời gian qua, tuy các chế độ đãi ngộ, khen thưởng, khuyến khích
giáo viên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn còn những
bất cập khiến thầy cô chưa hoàn toàn vững tâm với nghề. Theo Bộ trưởng,
cần có những giải pháp gì để cải thiện vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trước hết phải khẳng định, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo
dục và lực lượng nhà giáo; đã đặt giáo dục ở vị trí quan trọng - là một
trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách
hàng đầu và có rất nhiều những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển
của giáo dục. Thời gian gần đây, các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ
nhà giáo tăng thêm nhằm phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ đổi mới, đội ngũ nhà
giáo mong muốn Nhà nước có thêm những chính sách để có thể hoàn toàn
sống được bằng lương, đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề,
giáo viên trẻ. Đồng thời, có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn
cho những nhà giáo đang làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng
sâu, vùng xa... Bởi thực tế, có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm
không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình
độ… Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo
dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hóa nhiều hơn,
đỡ khó cho cả giáo viên, học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh,
trường lớp khang trang hơn. Có như vậy, công cuộc đổi mới hiệu quả hơn,
thầy cô gắn bó hơn.
Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta phải cố gắng
để đảm bảo các điều kiện tốt. Ngay cả những nơi chưa phải khó khăn nhưng
việc đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất có mức độ như việc trang bị
phòng học bộ môn, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy - học còn
cần thêm nhiều nữa. Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao, yêu
cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một
cách ráo riết trong thời gian tới.
Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi
trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà
giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn,
thấu hiểu nhiều hơn. Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà
ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc
khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo
viên, cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ
huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh.
Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ
từ phía xã hội, kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa
công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo. Trường học là một
thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng, ngoài việc giám sát,
bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.
THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC TRẺ VÀO NGÀNH SƯ PHẠM
PV: Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của ngành Giáo dục là
thiếu giáo viên. Bên cạnh việc tăng cường chế độ, chính sách để giữ chân
đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề, cần những chính sách như thế nào để
thu hút nguồn nhân lực trẻ, giỏi vào ngành, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Định hướng lâu dài của ngành là có nền giáo dục chất lượng cao để
cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy,
phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó, yếu
tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia
khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập
nhưng ít nhất phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh
giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh
hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số
116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí
sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116, việc thu
hút học sinh vào học sư phạm được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh
hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng.
Hiện nay, Bộ đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng
thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.
Một việc nữa là làm sao để thu hút được những người đam mê với ngành
và người ta thấy rằng, nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang,
cao quý, ở đó người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Các trường học trong quá trình đổi mới cần có những điều chỉnh để môi
trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ, khi nhà giáo tham gia hoạt
động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát
triển và luôn luôn được hỗ trợ.
Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ, khi tham gia hoạt động nghề
nghiệp, nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời
sống tốt, phát huy được năng lực…, khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn
những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học,
nếu không thu hút được lực lượng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành
lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một
nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn
cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học,
công nghệ. Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng
nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ.
PV: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì tới các thầy, cô giáo trên cả nước?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn, thách thức còn rất nhiều
ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng cả.
Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi
nhà giáo cần nhận thức rõ, chính mình là những người sáng tạo, vị tha
thông qua công việc cao quý. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng,
đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.
Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có
tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất
nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ,
ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo
viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm
việc của nhà giáo. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta
sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục
kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
VIỆT HÀ/TTXVN (Thực hiện)