Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 10/11/2010 21:35'(GMT+7)

Để đánh giá thực chất phong trào

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Lâu nay, bình xét các danh hiệu “văn hóa” như “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”... đã trở thành việc làm khá phổ biến ở các địa phương. Trước hết phải khẳng định, việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; làm cho đời sống vật chất, tinh thần ở các khu dân cư ngày càng tiến bộ. Tình làng, nghĩa xóm; tình người ngày càng đoàn kết và bền chặt…

Tuy nhiên, bình xét thế nào cho chính xác, phản ảnh được thực chất của phong trào thì vẫn còn vấn đề. Nhìn kỹ vào tình hình thực tế, thấy rằng trong cách bình xét, có nơi thì quá “khắt khe”, có nơi lại quá “rộng rãi”.

Sẽ là vô nghĩa và làm mất đi động lực của phong trào, nếu một khu dân cư có tỷ lệ “gia đình văn hóa” cao, nhưng ở đó có nhiều quán xá chấp hành không nghiêm các quy định của Nhà nước, kinh doanh không lành mạnh, không bảo đảm vệ sinh môi trường, gây mất trật tự công cộng…

Vẫn biết, bất cứ một hình thức bình xét nào đều có tiêu chí riêng. Song cụ thể hóa các tiêu chí đó và vận dụng vào thực tế, phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Thí dụ, quy định tiêu chí về phương tiện nghe nhìn để tiếp nhận thông tin hiện đại, áp dụng với các địa phương vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thì rõ ràng là chưa đáp ứng được. Nếu “dựa” vào đó để làm căn cứ bình xét, thì tỷ lệ sẽ rất thấp, dù rằng ở đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nếp sống văn hóa… đều rất tốt.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy ở các địa phương nghèo tuy thiếu một số tiêu chí so với quy định, nhưng đời sống văn hóa (chúng tôi muốn nhấn mạnh hai từ “văn hóa” không phải là trình độ học vấn, mà là lĩnh vực quan hệ xã hội) ở đó lại tốt hơn nhiều những nơi có mức sống vật chất cao. Vì vậy, để việc công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đúng thực chất, cơ quan chức năng cần tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn bình xét phù hợp với đặc điểm và tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng vùng… Có như vậy mới thật sự có tác dụng, tạo ra động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất