Chuyện cũ nói lại: Vào phút chót trước dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dư luận xôn xao trước tin bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" không được chiếu trong dịp này. Có nhiều lý do, trong đó có một lý do ai cũng thấy, đó là bối cảnh, nhà cửa, đạo cụ, phục trang trong phim cứ nhang nhác, cứ như gặp ở đâu rồi trong nhiều phim cổ trang Trung Quốc.
Hỏi tại sao vậy thì được trả lời: "Có ai biết nghìn năm trước người mình ăn mặc, ở nhà thế nào đâu nên đành ang áng thế thôi".
Nhân chuyện này liên hệ tới một chuyện khác, ít nhiều liên quan, đó là trong khi chúng ta phải đi tìm cái cũ một cách vất vả thì lại rất xem thường cái đang không phải tìm, nhưng sẽ trở thành cũ, thành hiếm. Không chỉ thế, các ngành nghệ thuật ở ta hình như chưa được cấp người, cấp tiền cho việc ghi chép những tư liệu, lưu giữ hiện vật về một thời quá khứ chưa xa để… làm "vốn" khi cần. Nếu cứ đà này, chẳng bao lâu nữa, sẽ lại có những cuộc tranh cãi nảy lửa như hôm nay ta bàn về trang phục thời Lý, binh khí thời Trần, nhà cửa thời Lê, về những thứ như cái hăng gô, cái xe đạp, bộ quần áo bộ đội hồi chống Pháp và nhiều thứ tưởng còn đó nhưng đã xa vời.
Nói như vậy vì có lần được đi xem triển lãm "hiện vật thời bao cấp", không chỉ người khác mà chính tôi cũng ngạc nhiên như mới thấy lần đầu những chiếc bếp dầu, đèn bão, tem phiếu lương thực, thực phẩm. Tôi cũng đã tần ngần hồi lâu trước căn nhà tranh nửa chìm nửa nổi do một người dân tự bỏ tiền, bỏ đất ra để phục dựng tại Quảng Bình. Một căn nhà có hào giao thông bốn phía, có chỗ mắc võng, chiếc đèn ống bơ như thế, bây giờ tìm đâu ra?
Và đôi khi đi xem kịch, nghe ca nhạc, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những bộ quân phục, những chiếc mũ lưới của bộ đội, chiếc cặp sách, mũ rơm của em nhỏ, chiếc cày, chiếc hái… nghĩa là vô số những vật dụng mới đây còn hiện diện trong đời sống nay đã hoàn toàn biến dạng trên sân khấu. Tất nhiên, nghệ thuật có yêu cầu của nghệ thuật, không thể bê nguyên bộ quân phục dày cộp, màu tối, ít phản quang lên sân khấu. Nhưng cũng không thể viện cớ nghệ thuật để biến chiếc mũ nan lợp vải dù, thắt lưng da to bản thời chống Pháp, đôi dép dâu, chiếc hăng gô thời chống Mỹ trở thành một thứ… không giống chính nó, đến chủ nhân của chúng cũng không còn nhận ra.
Không cứ phục trang, đạo cụ, bối cảnh trên các phim, nhất là phim truyền hình hiện nay cũng thật… rụng rời. Trên phim, nhất là phim truyền hình, lấy lý do ít tiền, người ta thuê nhà dân rồi gần như cứ giữ nguyên thế bê lên phim cả nội thất, cả đồ dùng thờ cúng trên rương thờ, nhiều thứ đạo diễn lẫn diễn viên đều chưa thật hiểu.
Tôi nhớ hồi người Pháp quay phim "Điện Biên Phủ". Để quay một đoạn phim mấy chục giây cảnh phố Lý Thái Tổ từ Nhà hát Lớn đến khách sạn Metropol, họ đã huy động xe phun nước đến rửa sạch đường. Không chỉ thế, xe phun nước còn rửa sạch bụi trên mấy cây cơm nguội, chờ cho khô ráo mới bấm máy. Để quay cảnh lính Pháp trong chiến hào Điện Biên Phủ, họ thuê hiện trường rồi đào bục cả mấy quả đồi ở thị trấn Xuân Mai lên chứ không quay ở Điện Biên Phủ vì Điện Biên Phủ bây giờ không giống Điện Biên Phủ năm ấy nữa.
Nghĩ mà thèm. Mình không có tiền để dám bỏ cả buổi quay chỉ vì chưa kịp là 400 bộ quần áo lính thật phẳng phiu. Nhưng cái đáng buồn là ngay cả khi có tiền, bây giờ người ta cũng ngại sự cẩn thận ấy. Ngày xưa ta nghèo hơn bây giờ nhiều, nhưng phim "Cánh đồng hoang" vẫn có đến hàng chục phút trực thăng thật quần đảo; phim "Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm" vẫn có cảnh bơi thúng ngoài biển thật, dù quay phim ngoài biển đâu đơn giản.
Cách đây ít lâu, có nhiều người tỏ ý bực bội vì trên một cuốn truyện tranh, họa sĩ cho Vua Hùng ở trần đóng khố trong khi vua quan Trung Hoa cổ được vẽ trong bộ quần áo lụa là xênh xang. Nhưng hỏi vậy Vua Hùng, An Dương Vương, Mỵ Châu hoặc gần hơn, Hai Bà Trưng hồi ấy ăn mặc thế nào thì ai cũng lắc đầu không biết.
Khoảng cách thời gian đã nghìn năm rồi, nói không biết còn thông cảm được chứ chỉ mới cách đây vài chục năm thì không thể quên, không thể không biết. Cứ đà này, sẽ đến lúc trên sân khấu hay trong phim, người Việt ăn bằng đĩa, dùng thìa, nĩa như Tây cũng nên./.
Vũ Duy Thông
(Nguồn: CAND)