Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 18/11/2012 20:20'(GMT+7)

Trẻ học ngoại ngữ sớm: Từ học cho vui đến học cho biết

Một tiết học Anh văn của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM với giáo viên nước ngoài - ảnh: T.U

Một tiết học Anh văn của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM với giáo viên nước ngoài - ảnh: T.U

 
Từ trào lưu…

Theo thống kê của Phòng Tiểu học - Sở GDĐT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 300 trường tiểu học đang triển khai nhiều chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức tự chọn cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Nhưng chỉ có 3 - 4 chương trình được Sở GDĐT Hà Nội thẩm định và kiểm soát được chất lượng dạy học. Dù là hình thức "tự chọn", nhưng ở những nơi tổ chức tiếng Anh tăng cường, đại đa số phụ huynh đăng ký cho con học. Một số trường dùng giáo trình được biên soạn trong nước, còn lại đa số các trường sử dụng giáo trình do nước ngoài thiết kế. Các giáo trình được lựa chọn giảng dạy gồm có Magic time, Let's go, Super kids, Summer school, Walt Disney, Let's learn...

Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng Phòng Tiểu học Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, vừa qua sở có làm khảo sát nhỏ tại một vài trường tiểu học có học tăng cường ngoại ngữ. Kết quả cho thấy hầu hết phụ huynh đều cho rằng cần thiết cho con học ngoại ngữ từ lớp 1.

Tương tự, thậm chí có chiều hướng "lấn át" hơn, tại TPHCM chỉ tính riêng chương trình tăng cường dạy ngoại ngữ tiếng Anh ở cấp tiểu học (từ lớp 1) mà ngành giáo dục đã áp dụng hơn chục năm qua thì số trường tham gia đã lên đến hơn 200 trường. Đó là chưa kể đến khoảng 500 trường tiểu học khác cũng đang thực hiện chương trình tiếng Anh tự chọn (học 2 tiết/tuần).

Không chỉ ở cấp tiểu học, phong trào học tiếng Anh còn phát triển khá rầm rộ ở các trường mầm non. Ghi nhận thực tế từ hai địa bàn trung tâm là Hà Nội và TPHCM cho thấy, không kể hàng nghìn trung tâm ngoại ngữ (chủ yếu là Anh văn) đang phát triển rầm rộ mà hàng trăm trường mầm non cũng đã đưa tiếng Anh vào chương trình cho trẻ từ 3-5 tuổi. Đặc biệt, 100% trường đóng mác "chất lượng cao" hoặc mang danh "trường quốc tế" thì việc dạy tiếng Anh cho trẻ lớp mầm đã trở thành điều tất yếu.

Có thể nói, xu hướng cho trẻ con học ngoại ngữ sớm không chỉ là trào lưu ở phụ huynh, xã hội mà còn là "định hướng" của ngành giáo dục, như lời nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020: Chính sách giáo dục quốc gia nên là một chính sách khuyến học hơn là hạn học. Vì vậy, trẻ em (thậm chí với cả trẻ ở độ tuổi mẫu giáo), nếu có điều kiện, có thể cho học tiếng Anh ở trường, vì các em chơi ở trường cả ngày, có học thêm vài chục phút ngoại ngữ cũng không sao…

… đến tâm lý "học cho vui"!

Dù phát triển khá rầm rộ nhưng tâm lý của không ít phụ huynh khi cho các bé còn đang ở tuổi mẫu giáo đến các lớp học ngoại ngữ chỉ là "học cho vui". Chị Hoàng Lan (Ba Đình, Hà Nội), có con năm nay lên lớp 1, cho biết trong đợt hè vừa rồi chị đã cho con đi học một khóa tiếng Anh 2 tháng.

Chị Lan vui vẻ kể: Nghe bạn bè rủ, rồi mình cũng có đọc một số sách báo nói cho trẻ học ngoại ngữ sớm là tốt, nên hè cho bé đi học thử. Hơn nữa sau này định cho con học ở trường có chương trình tăng cường ngoại ngữ, học tiếng Anh ngay từ lớp 1, nên cũng muốn con biết trước một tí. Kết quả là con đi học không thấy chán, vì các thầy cô cũng bày nhiều trò chơi ở lớp học. Nhưng chữ nghĩa thì chẳng được gì. Về hồi đầu có hỏi thì con cũng nói được vài từ. Rồi vào năm học bé đi mẫu giáo, bố mẹ không có thời gian đưa đi học thêm nữa nên "vốn liếng" từ vựng rồi cũng bay hết. "Thôi đành chờ cho đến khi cháu học tiểu học, thầy cô dạy bài bản thì học".

Với tiến sĩ - kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã từng học kinh tế, kiến trúc, triết học tại Đức thì quyết định cho trẻ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ cũng được thực hiện một cách "ngẫu hứng" qua việc cho cậu con nuôi 9 tuổi học cùng một lúc cả tiếng Anh và tiếng Trung. Anh bảo: Ngoại ngữ với trẻ con chưa cần. Nếu trẻ muốn học thì cho trẻ học, nếu không muốn nữa thì thôi. Nhưng không có gì là lãng phí hoàn toàn, vì dù sao thì cũng đã từng học, đã có khái niệm về một thứ ngôn ngữ, văn hóa. Đến khi nào thực sự cháu cần học, muốn học thì mới là cái học chính thức. Cháu không cần thiết phải giỏi ngoại ngữ ngay lúc này.

Trong khi đó, theo cô Trần Thị Nhã Lan - GV khoa Ngoại ngữ ĐH Sư phạm TPHCM, quyết định cho trẻ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ, phụ huynh phải rất thận trọng, bởi trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, những dấu ấn, kiến thức đầu tiên sẽ rất quan trọng. Chúng sẽ tác động lâu dài đến quá trình tiếp thu về sau, không chỉ thế, khi não trẻ đã "khắc" lại hình ảnh nào đó rồi, sẽ rất khó chỉnh sửa. "Quan điểm "học cho vui" thể hiện bằng việc chọn lớp cho trẻ theo học một cách qua loa hoàn toàn không nên và khác hẳn với phương pháp "học mà chơi" - phụ huynh cần chú ý" - cô Nhã Lan khuyên.

Vẫn đang là "thách thức"

Khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, đưa ra quan điểm ủng hộ đồng thời cân nhắc: Khi áp dụng cho trẻ học ngoại ngữ sớm (đưa ngoại ngữ trở thành môn học chính khóa ngay từ lớp 1) thì ước tính sẽ có khoảng 7,5 triệu học sinh tiểu học được tiếp cận chương trình ngoại ngữ sớm, đồng nghĩa với khoảng 30.000 giáo viên cần được đào tạo mới, kéo theo một khối kinh phí khổng lồ đè lên quyết định vĩ mô này". Từ quan điểm này có thể đưa ra kết luận: Với hệ thống giáo dục quốc dân thì nguồn đầu tư đang là một trong những thách thức đầu tiên đối với công tác dạy ngoại ngữ sớm cho học sinh.

Hay lấy con số "ước tính" từ chương trình thuê giáo viên nước ngoài người Philippines về giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh từ bậc tiểu học đến THPT ở TPHCM ra để minh chứng cho nhận định: Cho trẻ tiếp xúc, học ngoại ngữ sớm với môi trường chuẩn không chỉ là xu hướng mà còn là chủ trương, đồng thời cũng là một trong những thách thức lớn đối với các cấp quản lý giáo dục của ta hiện nay. Bởi, theo ước tính của Sở GDĐT thì trở ngại lớn nhất vẫn xoay quanh nguồn kinh phí và nhân lực.

Để được tiếp cận với giáo viên bản ngữ (người Philippines) và phương pháp giáo dục hiện đại với sự hỗ trợ cùng thiết bị giảng dạy đa chức năng thì phải cần đến một khoản phí lên đến 90 tỉ đồng. Dù gặp khá nhiều trở ngại nhưng dường như chương trình này vẫn đang được Sở GDĐT TPHCM tiếp tục "chạy thử" ngay trong học kỳ II của niên học 2012-2013, với hy vọng nhận được sự hỗ trợ, đồng tình từ phía phụ huynh (vì quyết định cuối cùng là chương trình triển khai theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh chịu mọi khoản phí).

Ở góc độ chuyên môn và khách quan hơn, ông John O'Rourke - Hội đồng Anh - đưa ra quan điểm: Học ngoại ngữ sớm, trẻ cởi mở hơn. Ở Việt Nam từ lâu việc học ngoại ngữ đã rất được quan tâm, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên, việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam đang gặp những thách thức lớn như chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao, phương pháp dạy chưa phù hợp, lớp học đông (khoảng 45-50 người/lớp), tài liệu học tập còn rất hạn chế và thiếu môi trường học ngoại ngữ phù hợp.

Những thách thức đó đã cản trở và triệt tiêu động lực học tập, làm mất đi sự hấp dẫn, lý thú của việc học ngoại ngữ. Để dạy ngoại ngữ hấp dẫn và hiệu quả cần đưa ra khung tự chủ cho giáo viên, cởi bỏ áp lực dạy - học theo sách và loại bỏ những bài kiểm tra cứng nhắc, thiết kế các tiết học ngắn, tươi vui, sinh động. Giáo viên chủ động xây dựng môi trường trao đổi với đồng nghiệp…

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất