(TCTG) - Đối tượng được vay vốn bao gồm những SV-HS thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh; HS-SV có hoàn cảnh mồ côi, lao động nghèo nông thôn đi học nghề...
TP. Hồ Chí Minh vừa tổng kết 5 năm thực hiện chính sách cho sinh viên - học sinh (SV-HS) vay vốn phục vụ học tập.
Qua 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 65.000 lượt đối tượng SV-HS được vay vốn với tổng doanh số hơn 819 tỷ đồng. Đối tượng được vay vốn bao gồm những SV-HS thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh; HS-SV có hoàn cảnh mồ côi, lao động nghèo nông thôn đi học nghề, bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm...
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố có 47.673 SV-HS đang được vay vốn phục vụ học tập với tổng dư nợ đạt hơn 622 tỷ đồng. Tổng số thu nợ thời gian qua trong SV-HS đạt trên 197 tỷ, số nợ còn quá hạn chỉ chiếm 1,04% tổng dư nợ; và điều đáng chú ý là Ngân hàng không lo đến nguồn vốn “nợ xấu” trong đối tượng SV-HS.
Các có sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện nghiêm Hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc tạo điều kiện cho SV giảm thời gian trả vốn đầu năm học 2012 - 2013; đồng thời có chính sách giãn thời gian thu học phí và các khoản thu khác đối với SV-HS thuộc diện được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc tạo điều kiện cho SV-HS nghèo có điều kiện học tập, trong giai đoạn 2012 - 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động tập trung huy động các nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho SV-HS trên địa bàn có nhu cầu vay vốn. Theo đó, phấn đấu mỗi năm cho vay từ 80 đến 100 tỷ đồng, đến năm 2017 sẽ có thêm 60.000 SV-HS trên địa bàn Thành phố được tiếp cận vốn vay, phục vụ quá trình học tập, duy trì các bậc học, ngành học đến tốt nghiệp./.
Phạm Hà Tĩnh