Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 20/11/2012 21:0'(GMT+7)

Nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống giáo viên

PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Thưa thầy, với cương vị một nhà giáo đứng đầu một cơ sở đào tạo ngành sư phạm lớn nhất cả nước, thầy có suy nghĩ gì về chất lượng và đời sống giáo viên hiện nay?

Như chúng ta đã biết, chất lượng nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống có quan hệ rất gắn bó với nhau. Bất cứ một học sinh nào khi thi vào trường sư phạm họ đều xác định nghề nghiệp tương lai sẽ làm thầy giáo, cô giáo. Các em luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp để cống hiến. Thực tế cuộc sống của các thầy giáo, cô giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, thậm chí ngay tại các thành phố, thị xã cũng có nhiều nhà giáo còn rất khó khăn. Chính cuộc sống khó khăn đã gặm nhấm dần những khao khát chính đáng của không ít giáo viên.

Với thực tế như vậy, số học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm nói chung ngày càng thấp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có may mắn là luôn nằm trong "tốp đầu" của điểm tuyển đầu vào). Chúng ta cần các thầy giáo, cô giáo giỏi, nhưng đầu vào thấp thì sau bốn năm học, rất khó một trường nào có thể biến họ thành người giỏi được, trừ một số ngoại lệ do chưa có cơ hội học tập hay sự phát triển thăng hoa về trí tuệ.

Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương và chính sách đối với giáo dục, trong đó có nhà giáo. Tuy nhiên nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền có nơi chưa thật thấu đáo, thậm chí có nơi coi đây là chính sách “đặc thù” của ngành giáo dục thì ngành phải tự lo mà thực hiện.

Các cựu học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký (Quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh) trong Lễ trưởng thành và tri ân thầy cô giáo. (Ảnh: KHT)

- Từ thực tế đó, Nhà nước cần đổi mới cơ chế, chính sách về lương và chế độ đãi ngộ thế nào để cải thiện đời sống giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thưa thầy?

Theo tôi, đánh giá đúng mức lao động của người thầy là việc cần làm, đây là lao động đặc thù để có chính sách phù hợp. Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, các bậc phụ huynh không tiếc bất cứ điều gì để con em họ trở thành những người có ích cho xã hội. Nếu coi đây là điểm khơi nguồn cho chính sách thì vấn đề có thể được từng bước giải quyết. Để có chính sách hợp lý nên bắt đầu từ cuộc sống, từ thực tiễn của đời sống giáo viên và coi đây là vấn đề vĩ mô của đất nước, không nên để chỉ riêng ngành giáo dục phải nghĩ, phải lo.

Phó vụ trưởng Tổ chức Cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Kim Tự: Để triển khai chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo Nghị quyết XI của Đảng, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên gia khoa học. Trong những cuộc hội thảo này, vấn đề hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục… còn có ý kiến khác nhau, nhưng đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo thì các chuyên gia đều thống nhất: nếu không có những đổi mới, cải thiện về tiền lương, nâng cao chất lượng đời sống của nhà giáo - lực lượng chính triển khai công cuộc đổi mới - thì không thể đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được. Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XI cũng định hướng: “Áp dụng một bảng lương chung, thực hiện chính sách đặc thù ngành nghề bằng chế độ phụ cấp; nghiên cứu, mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp”.

- Trong bối cảnh đời sống hôm nay, theo thầy, xã hội cần nhìn nhận, đánh giá và làm gì để nâng cao vị thế nhà giáo?

Tôi nghĩ rằng, chẳng có thầy giáo, cô giáo nào muốn nâng họ lên quá tầm cả, chỉ cần được đánh giá công bằng và đúng mức. Đừng lấy các hiện tượng xấu trong xã hội mà quy kết và "vu oan" cho riêng ngành giáo dục. Có một thực tế đáng buồn là, có rất nhiều bài báo nêu lên những mặt trái của xã hội và thường quy kết cho giáo dục. Rất ít các tác phẩm báo chí nêu lên được sự đóng góp - dù bé nhỏ - của giáo dục? Rất ít ý kiến tâm huyết đề xuất giải pháp cho giáo dục? Dường như, trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, sự hi sinh thầm lặng của các thầy cô giáo cắm bản - những người "nhọc nhằn gieo chữ" ở nơi gian khó của đất nước - là chuyện của thời xa xưa? Tôi thấy đáng tiếc, vì hầu như người ta mới chỉ đòi hỏi nhiều hơn ở giáo dục mà bỏ quên những cống hiến của ngành lao động đặc thù này, đó là giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục và tác động của nó đối với sự phát triển đất nước.

Bản thân giáo dục là mang lại sự phát triển bình đẳng cho con người, vì vậy người thầy chỉ mong muốn được đánh giá bình đẳng cho mình và cho ngành.

- Thầy có thể chia sẻ nỗi âu lo lớn nhất hiện nay với cương vị một người thầy là gì?

Lo âu lớn nhất của mỗi người thầy là làm sao để học trò trở thành người có ích cho xã hôi, cho đất nước. Cơm, áo, gạo, tiền là nỗi lo thường nhật. Ở đây hàm chứa tính nhân văn và trách nhiệm của người thầy đối với đất nước, đồng thời cũng là những lo toan vốn có của mỗi con người.

Tôi và cán bộ, sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn ý thức được vị trí và vai trò của trường mình với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Tôi nghĩ rằng, ngành giáo dục mong muốn được lắng nghe sự phê phán thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.

Nhân đây, tôi muốn gửi gắm rằng, mọi người hãy bình tĩnh và góp ý xây dựng, đừng nên thái quá; giáo dục không tách rời đời sống kinh tế xã hội. Hiến kế mới là vấn đề khó, chỉ có mổ xẻ mà không làm lành vết thương thì rất nguy hiểm./.

- Xin trân trọng cảm ơn thầy!


Khúc Hồng Thiện (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất