(TG) - Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng với những thay đổi nhanh chóng và rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đời sống xã hội đặt các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trước những thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu đổi mới tư duy, phát triển hệ thống GDNN, xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, nội dung, chương trình phương thức tổ chức đào tạo chất lượng và hiệu quả, năng lực quản lý sự thích ứng với những thay đổi.
Chúng tôi đề xuất một số vấn đề nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như sau:
Thứ nhất, phải chuyển đổi mô hình, mục tiêu, phương thức tổ chức đào tạo
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi hệ thống GDNN tập trung vào kỹ năng thực hành trong môi trường kinh doanh, dịch vụ và cung cấp những sản phẩm qua đào tạo có năng lực thích ứng và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Theo Hệ thống đào tạo của Phần Lan: Để có chỗ đứng trong thế giới văn minh, giáo dục-đào tạo phải dựa trên 3 trụ cột: Kỹ năng, kiến thức, sáng tạo (sáng tạo là cơ sở của cạnh tranh). Trong đào tạo nguồn nhân lực, Nhà máy Hyundai–Hàn Quốc đưa ra thông điệp: “Resources are limited-Creativity is unlimited” (Tài nguyên là hữu hạn-Sáng tạo là vô hạn). Doanh nhân Sheldon Adelson (Hoa Kỳ) xuất thân từ một cậu bé bán báo rong đã trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới, với tài sản hiện là 25 tỷ USD đã nói: “Triết lý kinh doanh của tôi là luôn tạo ra giá trị gia tăng bằng cách thực thi nó theo cách chưa ai làm trước đó”. Cách chưa ai làm chính là sự sáng tạo.
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với những thay đổi nhanh của các thiết bị thông minh sẽ tạo ra những hình thức đào tạo trực tuyến, đặt ra những thách thức với các hình thức đào tạo truyền thống. Theo đề xuất của Viện nghiên cứu WBI của Ngân hàng thế giới (World Bank-WB) thì: Một quốc gia muốn chuyển sang Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phải có 4 trụ cột: lực lượng lao động có kỹ năng; Sáng tạo và hiệu quả; Cơ sở công nghệ thông tin hiện đại; Thể chế chính sách phù hợp.
Thứ hai, Phải hình thành mô hình đào tạo chất lượng- hiệu quả cao
Để đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thì nhu cầu nhân lực trình độ cao cho các ngành sẽ tăng nhanh, hệ thống GDNN cần phải có sự chuẩn bị để dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo. Sẽ xuất hiện nhóm công nhân trí thức – nghĩa là lao động có trình độ tri thức nhưng lại trực tiếp trong sản xuất.
Hình thành hệ thống GDNN mở, linh hoạt để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của khoa học-kỹ thuật-công nghệ (khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng đã rút ngắn tối đa: Thế kỷ 19 khoảng 60-70 năm, Thế kỷ 20 khoảng 30 năm, gần đây là 3 năm và trong Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 thời gian còn ngắn hơn nữa).
Mark Ostour trong cuốn Tư duy lại tương lai đã viết : “Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ XXI là kỹ năng cao của lực lượng lao động”.
Thứ ba, GDNN thúc đẩy ươm mầm và khởi tạo doanh nghiệp
Theo Giáo sư Robert S. Kaplan (đại học Harvarrt) cho rằng: “Quốc gia là con thuyền và doanh nghiệp là những tay chèo”. Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và “đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp” là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đối với các doanh nghiệp, khi công nghệ và tự động hóa lên ngôi, họ sẽ đối mặt với áp lực cần nâng cao chất lượng, cải tiến và đổi mới các dây chuyền công nghệ, tuyển lựa nhân lực có năng lực về công nghệ, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của doanh nghiệp khác.
Chương trình đào tạo GDNN nhất thiết phải được cập nhật, bổ sung kiến thức và kỹ năng khởi sự doanh nghiệp. Nhà trường phải đổi mới quản trị như doanh nghiệp, là vườn ươm tạo những nhà quản trị doanh nghiệp mới trong kỷ nguyên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ tư, Phát triển giáo viên động lực phát triển nguồn nhân lực trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Giáo viên luôn là người quyết định chất lượng đào tạo, trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng không ngoại lệ. Giáo viên cần định vị vai trò của mình trong đào tạo nhân lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đội ngũ giáo viên GDNN cần nhận thức rằng sự thay đổi là sống còn, họ phải chấp nhận, chuẩn bị điều kiện để làm việc và phát triển trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ không giống với bất cứ những gì đã trải qua và chưa thể lường hết được những chuyển biến và tác động, giáo viên đối diện một cách linh hoạt và thích ứng khi có sự thay đổi.
Với vai trò phức tạp hơn, giáo viên phải là chuyên gia kiến thức về công nghệ, kỹ thuật số, không chỉ dạy trong môi trường học tập lấy người học làm trung tâm, mà còn kiến tạo môi trường phát triển tính sáng tạo, năng động để giải quyết những vấn đề phát sinh. Sự phát triển dựa trên nền tảng tri thức và số hóa, yêu cầu giáo viên phải đương đầu với thách thức to lớn từ cách truyền thụ sang vai trò xúc tác và điều phối, giúp người học tự định hướng trong học tập. Vai trò giáo viên đã và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập sáng tạo, là người cung cấp, gây ảnh hưởng tới cách tư duy và học có phê phán của người học.
Phương pháp đào tạo nhấn mạnh đến một số kỹ năng dạy của người giáo viên và học của người học như:
Về kỹ năng dạy:Dạy khả năng tưởng tượng, phát triển trí tưởng tượng;Dạy tổng thể, toàn diện và cân đối; Dạy tích hợp, liên kết, đồng nhất;Dạy sử dụng phương tiện điện tử để phát triển; Dạy công cụ và phương tiện dự báo tương lai;Dạy phát triển các giá trị cá nhân;Dạy niềm tin, hy vọng vào viễn cảnh tương lai.
Về kỹ năng học: Học bằng Trí nhớ; Học bằng Tư duy phê phán, tư duy uyên bác và khôn khéo; Học bằng Trí tuệ thông minh… Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN sẽ góp phần tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.
Phan Chính Thức