Thứ Sáu, 18/10/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Bảy, 11/2/2017 11:11'(GMT+7)

Phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng - hiệu quả - chất lượng bền vững

PV: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại những kết quả ngành Y tế đạt được trong thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Bộ trưởng hài lòng nhất với những kết quả nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi đi kiểm tra đột xuất tại một số bệnh viện, nhiều người bệnh cũng đã nhận xét với tôi, bộ mặt của các bệnh viện đã có bước chuyển biến mới: cơ sở xanh, sạch, đẹp hơn, quy trình khám, chữa bệnh đã từng bước được đơn giản, giảm thời gian chờ của người bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ đã tốt hơn trước. Rõ ràng, sau một thời gian nỗ lực, chất lượng khám, chữa bệnh đã được nâng cao, tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện huyện, tỉnh đã tăng được công suất sử dụng giường.

Các tỉnh, thành phố rất ủng hộ và quyết tâm cùng Bộ Y tế sắp xếp, kiện toàn hệ thống các đơn vị sự nghiệp y tế từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh giản đầu mối, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là tuyến cơ sở và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là cơ sở để đổi mới, thay đổi hoạt động của trạm y tế xã theo hướng thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân.

Toàn ngành đã làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch, không để dịch lớn xảy ra ở các vùng mua lũ, hạn hán. Hiện nay chúng tôi đang tích cực chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh miền trung bị lũ lụt như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi..

Một vấn đề nữa là Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, ngành Y tế, bảo hiểm xã hội cố gắng, người dân quan tâm đến sức khỏe nên đã có 80,8% dân số có bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2016, mặc dù dịch bệnh không bùng phát như năm 2015 vì được ngành Y tế dự phòng tốt, nhưng thực tế hiện nay đang đối mặt với sự tăng nhanh số ca nhiễm Zika ở khu vực phía Nam.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ xử lý ra sao để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika tại Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2016, với sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác kiểm soát và phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta đã không ngừng được nâng cao và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Dịch cúm A(H5N1), viêm màng não do não mô cầu, sởi, rubella và một số bệnh truyền nhiễm khác như tả, sốt rét, tiêu chảy, dịch hạch đã được khống chế trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như thay đổi về khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến chủng của vi sinh vật gây bệnh, sự giao lưu ngày càng gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, một số bệnh truyền nhiễm đã được khống chế vẫn có nguy cơ gia tăng như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Đặc biệt, có sự gia tăng số trường hợp nhiễm vi rút Zika ở khu vực miền Nam do khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên có muỗi vằn (Aedes aegypti) lưu hành thường xuyên với mật độ cao. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika. Ngoài ra, sự gia tăng giao lưu, thương mại, du lịch với các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực, miễn dịch cộng đồng thấp và hiện bệnh do vi rút Zika chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động ngăn chặn sự lây lan của vi rút Zika trong thời gian tới, giảm thiểu các nguy cơ gây hại do nhiễm vi rút Zika, Bộ Y tế tập trung triển khai một số hoạt động trọng tâm như sau: 1) Tiếp tục triển khai giám sát, theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, chủ động dự phòng các trường hợp mắc mới và dự phòng trẻ mắc chứng đầu nhỏ trong bối cảnh có Zika. Chỉ đạo hệ thống sản khoa, nhi khoa tiếp tục triển khai quyết liệt sàng lọc, giám sát chứng đầu nhỏ trước và sau sinh, quản lý tốt thai nghén đặc biệt phụ nữ mang thai có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết. 2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và người dân về tình hình dịch bệnh, các chỉ đạo, khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, đặc biệt đối với những phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai. 3) Cập nhật quy trình giám sát, chẩn đoán xác định trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika, phác đồ điều trị bệnh do vi rút Zika. Tổ chức tập huấn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em về khám sàng lọc, giám sát, xét nghiệm, theo dõi trẻ mắc chứng đầu nhỏ và các biện pháp xử lý đối với các phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai nhiễm vi rút Zika. 4) Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

PV:Trong nhiệm kỳ thứ hai làm Bộ trường ngành Y tế, Bộ trưởng đã có những quyết định thay đổi đáng kể bộ mặt của ngành, đặc biệt là trong việc “thay đổi thái độ phục vụ để làm hài lòng người bệnh”. Xin đồng chí cho biết, những dự định tiếp theo để bảo đảm sự thay đổi này có thể tồn tại lâu dài và trở thành chuyên nghiệp? 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh những thành tích đạt được, còn rất nhiều tồn tại cần giải quyết. Nguyên nhân những tồn tại đó là: Về khách quan, do tình trạng quá tải bệnh viện, áp lực làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, sự xuống cấp, thiếu thốn của trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, là thiếu trầm trọng nhân lực y tế, quá tải bệnh viện. Về chủ quan, một số lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa triệt để với quyết tâm cao nhất; vẫn nặng về cơ chế bao cấp ngày xưa.  Về phía cán bộ y tế, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, tâm lý “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ... nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc). Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là hành vi, thói quen trong giao tiếp, ứng xử, nhất là những cán bộ trẻ, có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, thái độ không phù hợp, không thân thiện, không mang bản chất nhân văn của người cán bộ y tế. Về phía người dân: có nhiều người bệnh, gia đình người bệnh có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (kể cả khi chờ làm các xét nghiệm cần phải có đủ thời gian mới có kết quả); không thông cảm với ngành Y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc...

Để thực hiện một cách triệt để, trong thời gian tới, Bộ Y tế có những giải pháp cụ thể: Một là, đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh; Hai là, đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế: phụ cấp thâm niên, lương khởi điểm của các sĩ; Ba là, tổ chức ký cam kết thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; có cơ chế theo dõi, kiểm tra các cam kết; tích cực tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ y tế.

Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế và tổ chức các phong trào thi đua trong bệnh viện, xây dựng phong cách, văn minh thân thiện. PV: Có thể thấy việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế là một trong những giải pháp trong việc đổi mới phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế. Vậy Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo”, nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải được gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ y tế. Bộ Y tế đã quan tâm và tiếp tục thực hiện. Một là, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại... Hai là, quan tâm, triển khai thực hiện lộ trình nâng giá viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Ba là, đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính; hướng dẫn, yêu cầu các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong năm 2017, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2017, tiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố. Dự kiến thực hiện vào quý I, đầu quý II-2017. Đối với đối tượng không có thẻ BHYT, hiện nay vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh BHYT nên nhiều người chưa tham gia BHYT. Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương, nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.

Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền, khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

PV: Thưa Bộ trưởng, sau rất nhiều nỗ lực, ngành Y tế cũng vẫn còn nhiều bộn bề, trăn trở. Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành phải đối mặt trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong thời gian vừa qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố và nhiều tỉnh, thành phố đã đi 2, 3 lần, tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh và thấy rằng đúng là ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành Y tế vẫn còn một số vấn đề sau cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết. Thứ nhất, hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên. Thứ hai, mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay là phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật trong khi tư tưởng “có bệnh mới chữa” vẫn còn tồn tại. Nhiệm vụ của ngành Y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực. Thứ ba, chúng ta có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã. Thứ tư, là cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh, sạch, đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh. Thứ năm, về BHYT toàn dân: với một xã hội phát triển thì tôi mong ước rằng mọi người dân đều có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua BHYT thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT.

Ngoài ra, còn nhiều thách thức mà ngành Y tế vẫn tiếp tục đối mặt, cần những giải pháp đột phá để giải quyết như: 1) Nguồn ngân sách cho y tế còn hạn hẹp, các dự án ODA ngày càng giảm mạnh trong khi nhu cầu bệnh viện, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cao, việc đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn xã hội hóa công tác y tế đã được triển khai nhiều năm và có kết quả đáng khích lệ, song việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức quản lý, tái đầu tư cho y tế còn là những vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện. 2) Về giảm quá tải bệnh viện và nâng cao sự hài lòng của người bệnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một số nơi, một số cán bộ y tế chưa có chuyển biến tốt nên vẫn còn hiện tượng làm người bệnh không hài lòng. Qua đợt kiểm tra một số bệnh viện, cũng đã kỷ luật một số cán bộ y tế thuộc bệnh viện Trung ương. Do đó, công tác truyền thông, giáo dục y tế và thanh tra, kiểm tra y tế cần phải tiến hành thường xuyên và phải nâng mức kỷ luật đối những cán bộ cố tình làm sai trái quy định và đạo đức của ngành. 3) Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề nan giải cần có sự tham gia của tất cả xã hội.

Còn nhiều vấn đề nữa, nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được. Vì vậy chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra.

PV: Bộ trưởng đang ấp ủ những đột phá gì trong chỉ đạo điều hành để toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong năm 2017?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”. Là một thành viên Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng tính kiến tạo từ việc tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để hoàn chỉnh hệ thống các luật, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của ngành Y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo hành lang pháp lý để các đơn vị hoạt động cũng như thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh vẫn được xem là khâu đột phá quan trọng.

Bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng - hiệu quả và chất lượng bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

 

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất