Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Chủ Nhật, 9/10/2016 21:56'(GMT+7)

Tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế - Góc nhìn từ y tế cơ sở

 

 

1. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó nâng cao chất lượng BHYT vừa là chủ trương, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) của Đảng đã đề ra: “Phát triển và nâng cao chất lượng BHYT, xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; phát triển mạnh các loại hình BHYT tự nguyện, BHYT cộng đồng...”(1). Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011-2020 được Đại hội XI (2011) thông qua cũng đã ghi rõ: “Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách BHYT, khám chữa bệnh và viện phí phù hợp; có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân”(2). Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020” với mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng  trên 80% dân số tham gia BHYT. Quản lý, sử dụng an toàn, có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT. Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 13-6-2014 tại kỳ họp thứ 7 và gần đây là Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ tăng chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2016- 2020, đến năm 2020, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt trên 90%; trong đó, một số địa phương được giao chỉ tiêu đạt gần 100% là Lào Cai 98,8%, Thái Nguyên và Điện Biên 98,5%, Hà Giang 98,2%...

Nhờ đó, trong những năm qua, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng bình quân mỗi năm 4,3% và đạt 75,3% dân số vào năm 2015. Nhóm người nghèo, cận nghèo có BHYT chiếm 26% tổng số người tham gia BHYT. Mức hỗ trợ đóng BHYT cho các hộ gia đình cận nghèo tăng từ 50% lên 70%. Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho đối tượng chính sách tăng dần, chiếm 20% tổng ngân sách nhà nước cho y tế. Quyền lợi của người có thẻ BHYT cũng được tăng lên. Mức đồng chi trả đã được điều chỉnh giảm đối với một số nhóm.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tiến độ bao phủ BHYT có chiều hướng chậm lại. Tốc độ gia tăng giảm từ 8,3% (2011) xuống 2,9% (2014). Tỷ lệ bao phủ BHYT thấp ở nhóm doanh nghiệp (48%), nhóm tự nguyện (34%) và nhóm cận nghèo (55%). Nhóm tự nguyện có mức phí tham gia thấp trong khi tần suất sử dụng và chi phí bình quân đầu thẻ cao. Mức độ bảo vệ tài chính của BHYT còn thấp do thiếu hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế, dẫn đến người có BHYT phải trả chi phí tiền túi cao. Tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình không giảm, tỷ lệ bị nghèo đói do chi trả dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên. Do đó, tỷ lệ dân số được bao phủ BHYT tăng chậm so với mục tiêu Chiến lược đề ra. Các nhóm đối tượng còn lại khó áp dụng và thực thi việc tuân thủ BHYT bắt buộc. Bao phủ BHYT chưa đủ chiều sâu do phạm vi gói dịch vụ BHYT chưa dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu của người dân. Trong khi đó, YTCS chưa đủ khả năng thu hút và làm hài lòng các đối tượng tham gia BHYT. Để khắc phục tình trạng nêu trên, một trong những khâu quan trọng tạo nên sự đột phá để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu về BHYT toàn dân là phải nâng cao chất lượng YTCS, trước hết để nhân dân dễ tiếp cận và sử dụng có chất lượng và hiệu quả các dịch vụ y tế, từ đó có niềm tin tham gia BHYT với ý nghĩa đem lại lợi ích cho cộng đồng, gia đình và chính bản thân mình.

2. YTCS có vai trò hết sức quan trọng trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu của người dân, đồng thời tác động mạnh mẽ đến mục tiêu và tiến độ bao phủ BHYT toàn dân. YTCS được xác định bao gồm y tế tuyến huyện và y tế tuyến xã (trong tuyến xã có y tế thôn, bản), là đơn vị y tế gần dân nhất, tác động nhanh nhất, lớn nhất đến sức khỏe của cộng đồng người dân. Với chức năng phát hiện sớm nhất những vấn đề sức khỏe, đồng thời thực hiện hầu hết các dịch vụ cơ bản như truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, khám chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn luyện tập và phục hồi chức năng...; YTCS cũng là nơi thể hiện rõ rệt nhất sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe; là nơi trực tiếp thực hiện và kiểm nghiệm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế và những chính sách xã hội liên quan đến y tế, trong đó có chính sách BHYT, vì thế những tốt, xấu của BHYT thường được bộc lộ và tác động đến tình cảm, thái độ của người dân ngay từ trong cộng đồng cơ sở.

Chính vì vậy, củng cố hệ thống YTCS và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu  luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế Việt Nam. Ngay từ đầu công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội VI của Đảng (1986) yêu cầu “có biện pháp tích cực và chính sách thích hợp nhanh chóng củng cố mạng lưới y tế, nhất là y tế huyện, quận và cơ sở”. Tiếp đến các Đại hội của Đảng đều nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của hệ thống YTCS, tăng cường chất lượng và hiệu quả của hệ thống YTCS là nhiệm vụ cấp bách, cần nhanh chóng “hoàn chỉnh mô hình tổ chức và củng cố mạng lưới YTCS”(3). Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Ban Bí thư Trương ương khóa IX đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể trong việc củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống YTCS. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 1-4-2013 Ban Bí thư khóa XI đã ra Kết luận số 126-TB/TW yêu cầu đẩy nhanh việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý YTCS, đồng thời khẳng định: “Tiếp tục tăng cường đầu tư có hiệu quả ngân sách nhà nước, cả Trung ương và địa phương cho hoạt động của YTCS; huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để phát triển YTCS”. Từ đó, tăng cường diện bao phủ BHYT ở cơ sở.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quy định, hỗ trợ hệ thống tổ chức y tế địa phương, đưa dịch vụ y tế có chất lượng đến gần dân hơn. Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội xác định đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ nêu nhiệm vụ củng cố và hoàn thiện mạng lưới YTCS, bảo đảm 100% số xã có trạm y tế...; kết hợp hài hòa các hoạt động giữa các đơn vị y tế trong huyện. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, làm cho mọi người dân thấy rõ hơn lợi ích của BHYT để tham gia.

Nhờ các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hệ thống YTCS đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến các dịch vụ BHYT. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, huyện tuy đạt 72%, nhưng tỷ trọng sử dụng quỹ BHYT chỉ là 32%. Trong khi dân số nông thôn chiếm 72,6% nhưng chỉ có 41% số bác sỹ và 18% số dược sĩ; nhiều trạm y tế không có đủ thuốc điều trị theo danh mục quy định, thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị cũ, hỏng, không sử dụng được nên chưa bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với các đối tượng BHYT ở cơ sở.

Để thu hút nhân dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, thì không chỉ hô hào nâng cao nhận thức mà phải làm cho người dân được thụ hưởng thật sự từ lợi ích của BHYT, người dân được tiếp cận, sử dụng có hiệu quả BHYT trong khám chữa bệnh và những giá trị đích thực mang lại cho họ trong cộng đồng. Vì thế, đòi hỏi YTCS phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và nhân viên y tế cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như thái độ phục vụ.

YTCS có điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ không chỉ vì gần người dân về mặt địa lý mà cán bộ YTCS thường là thành viên có uy tín của cộng đồng dân cư nhờ lợi thế về chăm sóc sức khỏe và cung cấp sự hỗ trợ cho nhân dân khi đi khám, chữa bệnh; hiểu được đặc điểm tâm lý – xã hội và những khó khăn về kinh tế, quá trình sử dụng dịch vụ y tế... do vậy, nhân viên YTCS có khả năng cung cấp thông tin, hỗ trợ và hướng dẫn nhân dân sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng và hiệu quả. Thông qua nhân viên YTCS, các dịch y tế đến được với người dân, giúp họ xác định được nơi khám chữa bệnh ổn định, khám chữa bệnh kịp thời, làm giảm số lần khám chữa bệnh, thời gian ốm đau, bệnh tật được rút ngắn, giảm chi phí y tế. Từ đó, tạo nên niềm tin, sự hài lòng của nhân dân khi tham gia BHYT.

Khi người dân sử dụng dịch vụ y tế ổn định và có hiệu quả thì cơ sở y tế có được nguồn thu ổn định, đảm bảo tài chính y tế, số lần nhân dân sử dụng thẻ BHYT giảm sẽ góp phần tăng kết dư quỹ bảo hiểm y tế; đồng thời, góp phần giảm nhân lực, tài chính y tế và quá tải bệnh viện ở các tuyến trên. Từ đó, chắc chắn diện bao phủ BHYT sẽ tăng nhanh cùng với chất lượng dịch vụ tại YTCS được nâng lên.

3. Để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu diện bao phủ BHYT toàn dân cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng BHYT từ hệ thống YTCS, tạo những bước đột phá trong nhận thức, thay đổi tư duy, thái độ của người dân khi tham gia BHYT.  

Trước hết, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần quán triệt sâu sắc và rộng rãi đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt về quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020” và Thông báo Kết luận số 126-TB/TW ngày 1-4-2013 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cộng đồng xã hội cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và mỗi người dân đối với việc thực hiện chính sách BHYT; thấy được vị trí, tầm quan trọng của BHYT đối với việc chăm sóc sức khỏe và đảm bảo ASXH của mỗi địa phương và đất nước; thấy được tầm quan trọng của YTCS trong việc đáp ứng mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông về BHYT cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao ý thức và thực hiện chính sách BHYT trong chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân. Tham mưu cho cấp ủy đảng của địa phương có những giải pháp tuyên truyền kịp thời, góp phần triển khai chính sách BHYT. Lồng ghép công tác truyền thông với thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu người dân của các cơ sở khám, chữa bệnh; các trung tâm y tế dự phòng; các trung tâm kế hoạch hóa gia đình nhất là ở tuyến cơ sở, tạo nên niềm tin, sự hài lòng của người dân, đáp ứng lợi ích thiết thực để họ tham gia BHYT. Có một thực tế hiện nay là vẫn còn thiếu sự kết nối thông tin giữa các tuyến và các cơ sở y tế, sự phối hợp giữa y tế dự phòng và điều trị, giữa các tuyến và giữa các cơ sở y tế trong việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả; đồng thời, vẫn thiếu cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, làm hạn chế phần lớn người dân tham gia BHYT.

Thứ ba, tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp đầu tư có hiệu quả ngân sách nhà nước cho hoạt động YTCS; tạo điều kiện cho các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cộng đồng thông qua BHYT. Thông qua đó, xây dựng đồng bộ các chính sách phát huy nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác y tế trong việc tham mưu, quản lý, triển khai các chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và BHYT trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho nhân dân, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc khám, chữa bệnh ban đầu có chất lượng và sử dụng BHYT có hiệu quả ngay tại địa bàn với chi phí thấp, góp phần đảm bảo ASXH.

Thứ tư, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hiện nay, hệ thống YTCS đã phủ rộng toàn quốc với 99% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 78% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 96% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 95,9% thôn, bản trong cả nước có nhân viên y tế hoạt động. Tuy nhiên chất lượng các dịch vụ y tế ở cơ sở còn rất khó khăn cả về trang thiết bị, thuốc men và nhân lực. Các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 52,2% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Năng lực phòng bệnh, quản lý sức khỏe, CSSK dựa vào cộng đồng còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp. Hầu hết các tỉnh đã thành lập trung tâm y tế huyện, trong đó có 460 trung tâm thực hiện 1 chức năng (y tế dự phòng), 233 trung tâm thực hiện 2 chức năng (y tế dự phòng và khám chữa bệnh); 668/693 huyện (62 tỉnh) có Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình, nhưng vẫn chưa tạo dựng được niềm tin, sự hứng khởi cho người dân khi tham gia BHYT.

Như vậy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bao phủ BHYT gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ YTCS là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ là chìa khóa để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần thúc đẩy nhân dân tham gia BHYT một cách tự nguyện vì lợi ích của bản thân và cộng đồng, góp phần đảm bảo ASXH và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

____________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006,  tr.219.

(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.128-129; 128.

 

 


GS.TS. Nguyễn Quốc Trung- ThS. Phạm Gia Cường
Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất