Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Sáu, 2/9/2016 14:52'(GMT+7)

Bệnh lý tim bẩm sinh và những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị

GS. TS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp trong một ca phẫu thuật tim nội soi

GS. TS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp trong một ca phẫu thuật tim nội soi

Phóng viên (PV): Là một chuyên gia của ngành phẫu thuật tim mạch, xin GS cho biết những nguyên nhân gây nên bệnh tim bẩm sinh và mức độ nguy hiểm của bệnh?

GS. TS. Lê Ngọc Thành: Bệnh tim bẩm sinh là những khiếm khuyết, bất thường về cấu trúc tim và hệ thống mạch máu lớn trong lồng ngực, xảy ra ở thời kỳ bào thai.

Về nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học có đề cập đến một số yếu tố nguy cơ cao (mẹ nhiễm virus trong quá trình mang thai, hóa chất, thuốc, yếu tố di truyền…), tuy nhiên đến nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa được khẳng định.

Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch là những bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tim bẩm sinh rất khác nhau. Có những dị tật nhẹ có thể không cần điều trị hoặc điều trị rất ít cho tới tuổi trưởng thành. Nhưng cũng có những dị tật nặng và phức tạp, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tới mạng sống của trẻ ngay từ lúc mới sinh. Trong nhiều trường hợp, biến chứng của tim bẩm sinh có thể phát triển khi trẻ đã trưởng thành.

PV: Thực trạng tình hình mắc bệnh tim bẩm sinh ở nước ta hiện nay, thưa GS?

GS. TS. Lê Ngọc Thành: Với tần suất 0,8-1% trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh, số lượng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh là không nhỏ. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 12.000 – 14.000 trẻ ra đời mắc bệnh tim bẩm sinh.

Điều này khiến chúng ta phải đối mặt và giải quyết 2 vấn đề:

Nhóm bệnh nhân tim bẩm sinh đã được phát hiện điều trị từ nhỏ nay đến tuổi trưởng thành, đây là thành quả của việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế như chẩn đoán sớm, thuốc điều trị, tiến bộ ngành gây mê hồi sức, phẫu thuật và can thiệp tim mạch. Có thống kê cho thấy đến nay tỷ lệ này lên đến 85% so với con số 15% chỉ các đây vài chục năm). Những bệnh nhân này cần được tiếp tục theo dõi, điều trị, nhiều trường hợp cần đến can thiệp, phẫu thuật lại. 

Nhóm thứ 2 là các bệnh nhân người lớn có bệnh tim bẩm sinh mới được phát hiện lần đầu, bệnh phát hiện muộn khi đã có những hậu quả nặng nề lên tim phổi và toàn thân. Nhóm này thường gặp nhiều ở các nước nghèo, việc tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu của người dân còn khó khăn.

PV: GS có thể cho biết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống đối với người trưởng thành mắc bệnh tim bẩm sinh là gì?

GS. TS. Lê Ngọc Thành: Người trưởng thành mắc bệnh tim bẩm sinh phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề mới thách thức họ không chỉ là y tế hay phẫu thuật mà còn các vấn đề về phát triển tâm sinh lý và định hướng nghề nghiệp.

Đối với người trưởng thành mắc bệnh tim bẩm sinh, vấn đề thường gặp là bệnh tiếp tục diễn biến cần can thiệp lại, giải quyết hậu quả các biến chứng do không được phát hiện sớm; các rối loạn nhịp tim trầm trọng; vấn đề hoạt động thể lực; bệnh tim bẩm sinh và tuổi già; đặc biệt ở phụ nữ là vấn đề thai sản.

Đa số phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, nhất là những người đã được theo dõi điều trị chặt chẽ, phẫu thuật sửa chữa, đều có thể mang thai. Tuy nhiên, tùy loại tổn thương, mức độ nặng của bệnh, có được chuẩn đoán và điều trị hay không… là những yếu tố ảnh hưởng đến việc mang thai. Những phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh nếu không được khám, chẩn đoán, điều trị; không có được sự tư vấn đầy đủ của chuyên gia y tế khi mang thai có rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Vừa qua, tại Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên y tế của Viện tim mạch, khoa Sản và khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai đã tập trung cấp cứu 1 sản phụ bị suy tim nặng, ngừng tuần hoàn và phải mổ lấy con ngay tại giường cấp cứu.  Bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh có lỗ thông liên thất lớn phát hiện muộn không có khả năng phẫu thuật, nhập viện Tim mạch Bạch Mai khi đang mang thai tuần thứ 33, tình trạng suy tim phổi rất nặng, ngừng tuần hoàn tiên lượng không qua khỏi. Các bác sỹ phải quyết định cứu đứa trẻ: vừa cấp cứu hồi sinh tim phổi cho mẹ, vừa quyết định mổ gấp lấy thai tại bệnh phòng. Cháu bé hiện đang được chăm sóc hồi sức tích cực.

Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, các bác sỹ cũng vừa phải giải quyết một ca bệnh phức tạp: sản phụ thai lần đầu, có hội chứng Marfan (bệnh lý bẩm sinh do bất thường gien), hậu quả gây hỏng van tim động mạch chủ nặng, tim giãn to, phồng lớn đoạn động mạch chủ lên trong lồng ngực. Trường hợp này nguy cơ cao tử vong đột ngột cho cả mẹ và thai nhi do suy tim, vỡ khối phồng. Vấn đề áp dụng các biện pháp chẩn đoán và điều trị cũng không hề dễ dàng do nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển thai. Các bác sỹ đã phải hội chẩn các chuyên khoa để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Sau ca phẫu thuật kéo dài thay van tim và thay đoạn mạch máu bị phồng bằng mạch nhân tạo, trồng lại hệ thống mạch vành nuôi cơ tim, rất may đến thời điểm này các thầy thuốc đã giữ được sự an toàn cho cả mẹ và con.

Đây chỉ là 2 ví dụ trong số rất nhiều các ca bệnh tim bẩm sinh ở người lớn hàng ngày các cơ sở y tế phải giải quyết.

 
 Ca phẫu thuật ít xâm lấn nội soi hỗ trợ thay van hai lá tại TTTM  BV E Trung ương: rạch da 5-6cm dưới nếp lằn vú mở qua khoang giữa 2 xương sườn

PV: Xin GS chia sẻ về những tiến bộ y khoa trong điều trị bệnh tim bẩm sinh hiện nay?

GS. TS. Lê Ngọc Thành: Rất may mắn là một tỷ lệ lớn bệnh tim bẩm sinh được chữa khỏi hoàn toàn bằng can thiệp, phẫu thuật. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trong thời gian gần đây các phương pháp can thiệp tim mạch qua da và phẫu thuật nội soi ít xâm lấn được áp dụng rộng rãi cho nhiều loại dị tật tim bẩm sinh.

Tại nhiều quốc gia, các đơn vị chuyên biệt chăm sóc cho người mắc bệnh tim bẩm sinh đã được thành lập với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm giúp dự báo và tư vấn cho họ các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Các phương pháp điều trị giảm nhẹ được nghiên cứu áp dụng.

PV: Được biết, một bước tiến mới trong phẫu thuật tim ít xâm lấn đã được áp dụng thành công tại Trung tâm tim mạch bệnh viện E - đó là tiến hành phẫu thuật nội soi tim hở hoàn toàn. Giáo sư có thể độc giả biết về lộ trình của việc làm chủ kỹ thuật y khoa mang tính đột phá này?

GS. TS. Lê Ngọc Thành: Một trong những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến tâm lý và các hoạt động xã hội của người bệnh sau mổ tim kinh điển là phẫu thuật phải cưa mở rộng xương ức để lại sẹo xấu kéo dài giữa ngực. Với phương pháp ít xâm lấn, các thầy thuốc giải quyết các thương tổn trong tim chỉ qua các dụng cụ đặt từ hệ thống mạch máu ngoại vi, hoặc qua các vết mổ nhỏ thẩm mỹ 4-6cm tách qua các lớp cơ ở khoang liên sườn phía sau bên mà không phải cưa mở rộng xương ức phía trước. Phương pháp ít xâm lấn có tính ưu việt giảm thiểu sang chấn, nhanh chóng phục hồi sau mổ, có tính thẩm mỹ cao đem lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh.

Tại Việt Nam, các thầy thuốc tim mạch đã hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật này và ứng dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng điều trị bệnh. Thậm chí nhiều bác sỹ can thiệp tim mạch của chúng ta rất có uy tín trong khu vực và thế giới, được mời giảng dạy, trình diễn ở nước ngoài.

Sau gần 300 ca phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ điều trị cho bệnh Tim bẩm sinh, bệnh van hai lá, mạch vành, với sự đầu tư cả về phương tiện cũng như đào tạo nhân lực, học tập và trao đổi kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu ở các nước phát triển, Trung tâm Tim mạch bệnh viện E đã tiến hành phẫu thuật tim nội soi toàn bộ vá lỗ thông liên nhĩ và sửa chữa một số thương tổn đơn giản. Phương pháp đã đạt tới cấp độ 3 trên bậc thang 4 cấp độ theo phân loại của hiệp hội phẫu thuật tim ít xâm lấn thế giới (cấp độ 4: phẫu thuật robot, phẫu thuật từ xa) và được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Phẫu thuật nội soi toàn bộ trong phẫu thuật tim hở đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của phẫu thuật tim mạch trong mục tiêu chung của ngành Y ứng dụng những biện pháp tiên tiến chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời khẳng định khả năng và sự hội nhập các thầy thuốc Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn GS!


Cao Nguyên
(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất