(TG) - Từ đề cử của Bộ Y tế và Tổng Hội y dược Việt Nam, Hiệp hội quản lý bệnh viện châu Á đã quyết định trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời cho bà Vi Thị Nguyệt Hồ tại Hội nghị quản lý bệnh viện châu Á lần thứ 15 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự vinh danh này dành cho những đóng góp của bà đối với sự nghiệp phát triển điều dưỡng ngoại khoa nói riêng và ngành điều dưỡng Việt Nam nói chung.
Tên tuổi của bà Vi Thị Nguyệt Hồ gắn liền với hai cây đại thụ của nền ngoại khoa Việt Nam là cố GS. Tôn Thất Tùng và cố PGS.Tôn Thất Bách. Người ta nói rằng, đằng sau thành công của một người đàn ông là cái bóng của một người phụ nữ. Đối với bà Vi Thị Nguyệt Hồ, điều đó đúng, về nhiều nghĩa, nhưng hơn thế, vượt lên trên hình ảnh ẩn dụ một cái bóng, bà đã khẳng định mình một cách độc lập trong công việc. Trong gia đình, bà là hậu phương vững chắc của chồng và con trai. Trong phòng mổ, bà là một hỗ trợ viên đắc lực đằng sau nhiều ca mổ của hai vị Giáo sư đầu ngành. Với những cống hiến thầm lặng, tận tâm trong công việc điều dưỡng viên, đóng góp nhiệt thành cho đoàn thể, bà được đồng nghiệp kính trọng và yêu mến. Đó là một câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ bình dị nhưng đầy thú vị hẳn sẽ làm say mê nhiều người.
“Nghề điều dưỡng đã chọn tôi”
Sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc” (cháu nội của Tổng đốc thành Thái Bình Vi Văn Định) và được gia đình tạo điều kiện học hành đầy đủ, thông thạo cả Tiếng Pháp và Tiếng Anh, bà sớm kết hôn với GS.VS. Tôn Thất Tùng khi tuổi đời còn rất trẻ. Khi đó ông là bác sĩ của nhà thương Làm Phúc (Bệnh viện Việt Đức ngày nay). Đi theo tiếng gọi của cách mạng và thông điệp phụ nữ bình quyền, phu nhân của GS.VS Tôn Thất Tùng đã hưởng ứng bằng cách tham gia đội Hồng thập tự (nay là Hội Chữ thập đỏ). Hằng ngày, bà đến nhà thương Làm Phúc để chăm sóc những người bệnh, học cách theo dõi sức khỏe, chăm sóc người ốm, thay băng, chăm sóc vết thương… Cho đến nay bà đã trải qua 60 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, trong đó 40 năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, 20 năm là Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam.
Những năm 1948 – 1949, gia đình bà Vi Thị Nguyệt Hồ theo cách mạng lên chiến khu ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang để cấp cứu, điều trị và chăm sóc cho hàng vạn các thương bệnh binh. Năm 1954, Giải phóng thủ đô, ông bà trở về Hà Nội. Ban đầu, bà Nguyệt Hồ tình nguyện vào làm việc cùng các đồng nghiệp của chồng, sau đó bà tham gia lớp học y tá sơ cấp chính quy tại Đại học Y Hà Nội rồi làm việc chính thức trong Bệnh viện Việt Đức, trở thành người y sĩ làm công việc gây mê và dụng cụ viên phòng mổ. Bà đã thể hiện được tài năng, góp phần thành công cho các ca mổ khó của GS. Tôn Thất Tùng và cả PGS. Tôn Thất Bách.
Bệnh viện Việt Đức của những năm đầu sau Giải phóng thủ đô thiếu thốn đủ thứ, “vá găng, mài kim khâu vết mổ” là chuyện thường tình nhưng bà Nguyệt Hồ luôn quán xuyến, chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật chu đáo hoàn hảo nhất cho cuộc mổ. Để mổ cấp cứu, cần phải dự trù số lượng máu cần cho ca mổ, không đủ máu đồng nghĩa với ca mổ phải hoãn lại hoặc người bệnh có thể tử vong. Do đó, bà thường xuyên xuống tận ngân hàng máu của bệnh viện làm việc cụ thể, vận động người cho máu và khi cần cấp cứu bà đã nhiều lần cho máu của mình để cứu người bệnh...
Bà Hồ nhớ lại: Thời đó khó khăn là thế nhưng tôi vẫn duy trì những nguyên tắc vệ sinh vô trùng phòng mổ như: vệ sinh phòng mổ hàng ngày, đầu giờ sáng, giữa 2 ca mổ và cuối ngày bà đều lau chùi máy móc, tủ, bàn mổ và sàn nhà cũng như không bao giờ quên tổng vệ sinh định kỳ hàng tuần, hàng tháng, vì nguyên tắc bất di bât dịch của GS. Tôn Thất Tùng trong thực hiện mỗi ca mổ là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vô trùng trong phòng mổ. GS. Tôn Thất Tùng cũng chỉ yên tâm khi mọi việc đã được y tá Nguyệt Hồ “tổng duyệt”. Hiểu rất rõ công việc của phẫu thuật viên, đặc biệt các ca mổ lớn như: mổ tim, cắt gan khô, điều dưỡng Nguyệt Hồ luôn chuẩn bị rất chu đáo vật dụng dự phòng cho các tình huống khó có thể xảy ra để phẫu thuật viên nhanh chóng có dụng cụ xử trí.
“Trong phòng mổ, GS. Tùng khó tính lắm, ai sai sót sẽ bị ông mắng. Nhưng bù lại, ai làm tốt thế nào cũng được thưởng hộp sữa đặc, lúc đó là món bồi dưỡng quý lắm. Còn ở nhà, hầu như sáng sáng ông đều tự tay pha cà phê đem đến tận nơi cho vợ”, bà Nguyệt Hồ hạnh phúc khi nhớ về những năm tháng là người bạn nghề, bạn đời với cố GS. Tôn Thất Tùng.
Nhờ nỗ lực không ngừng của bản thân, không chỉ phụ giúp chồng rất hiệu quả những ca mổ tim, cắt gan vô cùng khó khăn trong điều kiện thiếu thốn mà sau này khi thiết bị phòng mổ hiện đại hơn bà vẫn tiếp nhận, tham gia phụ mổ cho con trai là PGS. Tôn Thất Bách.
Là con nhà quan, học trường Pháp từ nhỏ nên tiếng Pháp với y sĩ Nguyệt Hồ ngày đó là tiếng phổ thông. Tiếng Anh cũng được bà tự học và sử dụng khá nhuần nhuyễn. Mỗi khi có chuyên gia nước ngoài tới thăm và làm việc, bà rất tự tin trò chuyện, giao tiếp lưu loát, trao đổi công việc. Mỗi lần bà cùng chồng đi công tác ở nước ngoài hay tham dự hội thảo, ngoài các vấn đề lớn trao đổi về khoa học, bà không quên chia sẻ những khó khăn của Việt Nam như những thiếu thốn từ xà phòng rửa tay đến kim luồn, dây truyền và găng tay…. Vậy là các bạn đồng cảm và ngay lập tức trước cửa phòng mổ, phòng hồi sức các bệnh viện mà bà có cơ hội trao đổi bên nước bạn đều có thùng giấy to với dòng chữ: “For Việt Nam – GS.Tôn Thất Tùng”, mọi thứ không dùng đến họ đều bỏ vào thùng này và gửi về Việt Nam cho GS. Tôn Thất Tùng ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Hơn 40 năm gắn bó với phòng mổ Bệnh viện Việt Đức, bà Nguyệt Hồ đã có nhiều đóng góp duy trì các chuẩn mực thực hành trong phòng mổ. Bà cũng là tấm gương mẫu mực về y đức, sự thương yêu và tận tụy phục vụ người bệnh. Trong quá trình công tác, bà đã đào tạo nhiều thế hệ điều dưỡng và sinh viên y thực tập tại các phòng mổ.
Vào những năm 1980, sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, với mong muốn tập hợp và đoàn kết lực lượng cả nước, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đã tập hợp những người lãnh đạo là bác sĩ và điều dưỡng (khi đó gọi là y tá) từ miền Bắc (Lê Đức Chính, Phạm Văn Thân, Nguyễn Thu Nhạn, Nguyễn Ngọc Hàm, Phạm Đức Mục, Nguyễn Thị Niên, Nguyễn Thị Hằng…); miền Trung (Nguyễn Hoa) và miền Nam (Trịnh Thị Loan…), khởi xướng xin phép thành lập Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam. Bà đã cùng các đồng nghiệp tổ chức nhiều cuộc họp, nhiều hội thảo, gặp nhiều cá nhân lãnh đạo của Bộ Y tế (cố GS.VS Phạm Song, cố GS Hoàng Đình Cầu..), Ban Tổ chức và Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội Vụ) để tiếp cận xin phép và truyền thông về sự cần thiết thành lập Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam. Sau hàng loạt những nỗ lực của cá nhân bà Hồ và nhóm khởi xướng, ngày 26 tháng 10 năm 1990 Chính phủ đã cho phép thành lập Hội Y tá-Điều dưỡng Việt Nam và sau này bà được tập thể lãnh đạo Hội suy tôn là người sáng lập hội Điều dưỡng Việt Nam.
Niềm tự hào của PGS.VS. Tôn Thất Bách: "Mẹ tôi là điều dưỡng!"
Hồi nhớ lại tuổi trẻ say mê và hào hứng ấy, bà nói: “Duyên phận cho tôi gặp anh Tùng, nhưng cũng chính duyên phận gắn bó tôi với nghề điều dưỡng. Mà có lẽ nghề này đã chọn tôi, đã “ngấm” vào tôi ngay từ khi còn là cô nữ sinh trường Pháp đang tuổi ăn, tuổi học vì thế mà tôi đã tình nguyện tham gia đội “Hồng Thập tự” từ rất sớm, rồi cứ thế tôi gắn bó với nghề- với nghiệp chăm sóc người bệnh đến 40 năm liền”- bà Hồ kể lại.
Là vợ, là mẹ của hai bậc thầy trong chuyên ngành ngoại khoa của nền y học Việt Nam, được giới y học thế giới đánh giá cao và ngưỡng mộ, song bà Vi Thị Nguyệt Hồ luôn tự khẳng định mình bằng chính những công việc mà bà lựa chọn. Đồng nghiệp trong ngành nhớ về bà, là một Vi Thị Nguyệt Hồ, cán bộ điều dưỡng tận tâm, xuất sắc, bình dị và sống tình cảm. Đặc biệt, thời gian gắn bó với Bệnh viện Việt Đức là một quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời bà. Là vợ của một giáo sư đầu ngành, bà rất được trọng vọng. Nhưng bà vẫn có cuộc sống độc lập của riêng mình, không dựa dẫm, núp dưới cái bóng quá lớn của chồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà đến Bệnh viện làm việc bằng chiếc xe đạp cũ. Dù ông lúc nào cũng có xe đón xe đưa, bà Hồ chỉ đi xe cùng ông trong những dịp họ mời cả hai vợ chồng đi họp…
Theo bà Nguyệt Hồ, y tá trước đây giờ đã được đổi là điều dưỡng thường đảm đương những công việc khá vất vả nhưng thầm lặng lắm. Chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc người bệnh tốt nhất, rồi mừng với người bệnh khi khỏe mạnh về nhà. Xã hội có tiến đến đâu thì con người vẫn cần sự yêu thương, chăm sóc. Trong cuộc sống đời thường sự phân chia giầu nghèo, giai cấp là rõ ràng, nhưng chỉ khi bị ốm đau con người ta mới hiểu rằng người ta đều như nhau vì không ai có thể chọn: tôi chọn bệnh này – tôi không muốn bệnh kia và vì thế họ càng cần những người có tấm lòng bao dung, độ lượng tất cả vì người bệnh. Không chỉ trong phòng mổ mà còn cả quãng thời gian chăm bệnh nhân hậu phẫu cũng phải rất sát sao.
“Khi còn làm việc, trước khi ra về, thế nào chúng tôi cũng đảo lại thăm bệnh nhân, sớm mai đến cũng qua thăm họ trước khi giao ban để còn nắm tình hình người bệnh. Điều dưỡng ví như cái báo động, khi bệnh nhân có biến đổi gì nặng phải nhận biết được để báo nhanh với bác sĩ. Mà bản thân cũng phải biết xử trí, biết sơ cứu đầu tiên để giúp bệnh nhân không lâm vào nguy kịch”- bà Vi Thị Nguyệt Hồ nhớ lại.
Trong suốt 22 năm (1990-2012), với cương vị là chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đã cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho sự phát triển của nghề điều dưỡng, bà được đánh giá là niềm tự hào của điều dưỡng cả nước, là tấm gương mẫu mực về say mê nghề nghiệp, là ngọn cờ đoàn kết và tập hợp hội viên cả nước. Với những cống hiến và đóng góp to lớn, bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng III, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Ở tuổi gần 90, nhìn lại cuộc đời mình, bà có nhiều hồi ức đẹp: “Chồng tôi là người bác sĩ rất có trách nhiệm với bệnh nhân và với gia đình. Và nếu như tôi làm tốt công tác hậu cần chăm sóc con cái, gia đình và tổ chức tốt công việc trong phòng mổ giúp cho chồng tôi GS. Tôn Thất Tùng và con trai tôi sau này, để họ hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa cho bệnh nhân thì đó chẳng phải là hạnh phúc hay sao? Con trai tôi, cậu Bách ấy, luôn luôn tự hào mỗi lần giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế: “Mẹ tôi là Điều dưỡng”.
Hải Đăng