Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 17/8/2010 21:43'(GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa theo kịp nhu cầu

Nguồn nhân lực du lịch chưa phát triển theo kịp nhu cầu. Ảnh: QT

Nguồn nhân lực du lịch chưa phát triển theo kịp nhu cầu. Ảnh: QT

Từ năm 2008 đến nay, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đã được đẩy mạnh thêm một bước. Công tác đào tạo mới được tăng cường thêm một bước; công tác đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực được chú trọng hơn; công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực du lịch được củng cố; tăng cường liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch ở trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi tay nghề để tôn vinh và phát hiện, đánh giá chất lượng nhân lực và đào tạo nhân lực ngành du lịch...

Cụ thể, quy mô đào tạo tăng, ngành nghề đào tạo chuyển dịch tiến bộ, mạng lưới cơ sở đào tạo mở rộng, nâng dần năng lực và chất lượng đào tạo. Mỗi năm tuyển sinh du lịch khoảng 22.000 chỉ tiêu, tăng 22% so với năm 2007; tốt nghiệp khoảng 20.000. Đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn có xu hướng tăng.

Hiện cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường ĐH, 80 trường CĐ (trong đó có 8 trường CĐ nghề); 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trung cấp nghề); 2 công ty và 23 trung tâm đào tạo nghề, tăng 3,5 lần so với năm 2007. Năng lực đào tạo được nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; đội ngũ giảng viên, giáo viên, đào tạo viên phát triển; chương trình đào tạo hoàn chỉnh dần. Hiện nay, các cơ sở đào tạo về du lịch của cả nước đào tạo 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội còn nhiều bất cập, thể hiện rõ nhất là bộ máy nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa đủ mạnh; biên chế công chức quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực du lịch còn hạn hẹp; chính sách cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật không đầy đủ, lạc hậu; danh mục ngành, nghề đào tạo lạc hậu chậm sửa đổi, bổ sung, thiếu nhiều nghề so với yêu cầu của thị trường...

Cùng với đó, mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lục của ngành. Các cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi đó, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên là các trọng điểm du lịch hoặc đang trở thành các trung tâm du lịch lại thiếu các cơ sở đào tạo. Năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch còn hạn chế. Việc đào tạo lại và bồi dưỡng chưa theo kịp nhu cầu; liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội chưa tốt...

Nguyên nhân của những hạn chế trên được cho là do nhận thức về đào tạo ngành du lịch theo nhu cầu xã hội còn chưa đầy đủ; chưa có định hướng chung và giải pháp cụ thể; công tác thống kế, nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; đầu tư cho đào tạo lại và bồi dưỡng nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức; đào tạo lại và bồi dưỡng còn nhiều bất cập…

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cần đế 1,5 đến 1,7 triệu lao động. Đến 2020, lao động du lịch gián tiếp theo nhu cầu xã hội sẽ cần khoảng 2,2-2,5 triệu người.

Để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong năm 2010-2011 là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo theo nhu cầu xã hội; thành lập và nâng cao năng lực một số tổ chức liên quan đến đào tạo theo nhu cầu xã hội trong du lịch; triển khai và tham gia triển khai các dự án và đề án về phát triển nhân lực theo nhu cầu xã hội.../.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất