Thứ Bảy, 28/9/2024
Thể thao
Thứ Ba, 10/4/2012 8:53'(GMT+7)

Phát triển thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

 

Sức khoẻ là kết quả của sự phát triển tổng hợp và thống nhất về thể chất, tinh thần và xã hội ở một con người cụ thể - một thực thể tâm-sinh học-xã hội. Thể dục thể thao (TDTT) có giá trị đặc biệt đối với việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phát triển và hoàn thiện thể chất con người. Hơn nữa, TDTT còn có giá trị xã hội to lớn là làm cho con người có khả năng tự thể hiện, tự khẳng định và hoàn thiện mình; tạo cho con người niềm vui giao tiếp, gắn bó với tập thể, cộng đồng và xã hội; góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao tính tích cực xã hội, tiếp nhận những định hướng giá trị của xã hội.

Đảng ta luôn khẳng định rõ vị trí và tầm quan trọng của TDTT trong việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo ra sức mạnh và động lực phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh hoạt động TDTT cả về quy mô và chất lượng, góp phần nâng cao thể lực và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam”(1). Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao”(2). Đại hội XI đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển TDTT, nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.

Như vậy, để TDTT phát triển, hoàn thành nhiệm vụ của mình như văn kiện của Đảng đã nêu, công tác TDTT trong những năm tới cần phát huy mọi giá trị của TDTT để không chỉ phát triển con người Việt Nam nói chung, mà còn thiết thực góp phần tích cực đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Trên tinh thần ấy, phát triển thể dục thể thao cần phải gắn với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam. Theo đó, mục tiêu của TDTT phải hướng vào phát triển toàn diện con người Việt Nam, trước hết là thế hệ trẻ về sức khoẻ, thể lực và các phẩm chất trí tuệ, đạo đức nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Để đạt được mục tiêu trên, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác thể dục thể thao.

Trước hết cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về tầm quan trọng của TDTT đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và nâng cao thể lực cho thanh thiếu niên, phục vụ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác TDTT phải được toàn xã hội quan tâm và tham gia một cách tự giác, tích cực. Cần có sự phối hợp thống nhất và đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội trong thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, trước hết là sự phối hợp giữa các ngành Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cần dựa vào các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội để chỉ đạo công tác TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực và giáo dục lối sống cho thanh thiếu niên tại cộng đồng.

Các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cần được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động TDTT cho thanh thiếu niên, đồng thời coi đó là một nội dung quan trọng của công tác Đoàn.

Cần nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với việc chăm sóc sức khoẻ thể chất, đặc biệt cần quan tâm giáo dục thói quen tự rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, xây dựng nếp sống trong sạch, lành mạnh; động viên và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động TDTT. Cần tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ thể chất của trẻ em trong gia đình và tại cộng đồng.

Hai là, phát triển TDTT cần hướng vào mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể lực, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức, ý chí con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, để đạt được mục tiêu đó cần phát triển sâu rộng và toàn diện các lĩnh vực TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và đặc biệt là TDTT trường học (bộ phận nền tảng của TDTT nước ta).

Về TDTT quần chúng: cần tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức TDTT cơ sở, hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT cho mọi đối tượng, trước hết là thanh thiếu niên.

Hình thành các điểm tập luyện, các câu lạc bộ có tổ chức do thanh niên ở mỗi xã, phường, đơn vị cơ quan, trường học đảm nhiệm. Đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tổ chức tập luyện, thi đấu TDTT quần chúng.

Tập trung chỉ đạo việc phối hợp, lồng ghép hoạt động TDTT với các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Giữ gìn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các hình thức và phương pháp rèn luyện sức khỏe cổ truyền, làm cho việc luyện tập TDTT trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của mọi người dân.

Về TDTT trường học: cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, yếu kém kéo dài trong nhiều năm (như thiếu giáo viên thể dục chuyên trách, thiếu cơ sở vật chất, lớp học thể dục…).

Để tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về TDTT trường học, Nhà nước cần có chương trình quốc gia về phát triển TDTT trường học với các mục tiêu toàn diện, thiết thực và hiệu quả. Cần gắn việc rèn luyện thể chất cho học sinh với công tác y tế học đường để xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống các bệnh học đường và phát hiện sớm các bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực của học sinh.

Về thể thao thành tích cao: cần xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, trong đó nên lựa chọn các môn thể thao trọng điểm để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong quá trình đào tạo vận động viên.

Tập trung đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao, nâng cao chất lượng tuyển chọn và chất lượng huấn luyện các vận động viên trẻ có năng khiếu. Xây dựng chính sách và cơ chế phù hợp để phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng thể thao.

Tăng cường công tác đào tạo và sử dụng cán bộ y học TDTT, bác sỹ thể thao phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe, đánh giá trình độ tập luyện, hồi phục và chữa trị chấn thương thể thao.

Ba là, phải làm cho TDTT trở thành sự nghiệp của toàn dân và toàn xã hội.

Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa TDTT trên cơ sở đổi mới quản lý nhà nước và quản lý xã hội về TDTT. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về TDTT dựa trên sự phân định chức năng của bộ máy quản lý nhà nước và quản lý xã hội về TDTT. Hoạt động quản lý nhà nước cần tập trung vào việc hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, thanh tra, giám sát các hoạt động sự nghiệp TDTT. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong tổ chức và điều hành các hoạt động TDTT; tạo hành lang pháp lý phù hợp để thu hút mọi nguồn lực tham gia phát triển TDTT; tích cực chuyển giao các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ TDTT cho các tổ chức xã hội về TDTT quản lý.

Phát triển mạnh và từng bước hoàn thiện các tổ chức xã hội về TDTT như: câu lạc bộ, hội TDTT, tiến tới thành lập Liên hiệp các hội TDTT Việt Nam để thống nhất quản lý các tổ chức xã hội về TDTT trên phạm vi cả nước.

Trước mắt, cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và tổ chức điều hành các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao, năng lực tự chủ và tự quản về tài chính của các câu lạc bộ, liên đoàn, hiệp hội TDTT. Tiếp tục hoàn thiện quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao trong môn bóng đá, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao như: bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, bilard snoker.

Khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ TDTT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dụng cụ, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao với các hình thức sở hữu khác nhau. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong tổ chức và hoạt động TDTT nhằm thu hút mọi nguồn lực tham gia phát triển TDTT, đồng thời gắn TDTT với các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội.

Bốn là, đảm bảo định hướng công bằng xã hội trong hoạt động và hưởng thụ các giá trị của TDTT.

Trước hết, cần coi đầu tư cho TDTT là đầu tư cho phát triển bền vững nguồn lực con người. Nhà nước cần tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển TDTT tại những khu vực nghèo và còn nhiều khó khăn như khu vực miền núi phía Bắc, vùng nghèo ở miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và các khu công nghiệp, góp phần từng bước thực hiện công bằng trong hoạt động và hưởng thụ các giá trị của TDTT. Đặc biệt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng Trung ương cần quan tâm nhiều hơn đến các các hoạt động rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn./.

TS Trương Anh Tuấn
-----------------------

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H, 2001, tr. 297-298.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 129.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất