Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 11/7/2010 20:39'(GMT+7)

Phim lịch sử Việt Nam: “Đã có đâu mà thích!”

Phim Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, kịch bản Văn Lê, Bộ VH-TT&DL tài trợ Hãng phim giải phóng thực hiện) hoàn tất phần hậu kỳ vào tháng 7-2010.

Phim Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, kịch bản Văn Lê, Bộ VH-TT&DL tài trợ Hãng phim giải phóng thực hiện) hoàn tất phần hậu kỳ vào tháng 7-2010.

Các vị đại biểu không “bị” đặt viết tham luận như thường thấy. Chẳng đợi giục đến tên, nhiều gương mặt quen thuộc của điện ảnh đã trình bày thẳng thừng những suy nghĩ của mình về “xác ướp của điện ảnh nước nhà” - một tên gọi khác thay cho “dòng phim lịch sử VN”. Đôi ba ý kiến tranh luận về diện mạo phim sử Việt kèm tiếng thở dài “đã có đâu mà thích”, “một lát phù điêu quá mỏng trong nền điện ảnh”.

Để rồi lại nhìn sang điện ảnh và truyền hình các nước láng giềng, ghen tị trước những cuộc thống lĩnh của phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc trên màn ảnh nhỏ nước nhà, thậm chí bám rễ vào trí nhớ của nhiều thế hệ khán giả Việt. Dù đã biết, đã thấy nhưng nghe “thanh niên VN biết về nàng Dae Jang Geum hơn là công chúa, thi sĩ, Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân; trẻ con nhầm Lê Lợi là anh trai Lê Duẩn; hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với khách nước ngoài tượng Lý Thái Tổ là Tào Tháo” mà không thể không buồn.

Hồi chuông cảnh báo về sự vắng, thiếu của dòng phim lịch sử đã rung lên từ lâu, một cuộc hội thảo cũng không nằm ngoài mục đích xới lên dòng phim, “trông xem xác ướp này còn hồn vía hay không”. “Khán giả ở đâu, công chúng ở đâu, sau cái cớ “làm phim mừng đại lễ” thì dòng phim này sẽ đi về đâu?”.

Cùng chung mối lo ấy của đạo diễn Hà Sơn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát không nén được xúc động: “Đại lễ sắp đến rồi, phim nhựa chưa thấy đâu! Nghệ sĩ không có lỗi mà như người mắc lỗi!”. Bà nhắc lại khối lượng tác phẩm khổng lồ từ cuộc thi kịch bản phục vụ đại lễ cách đây tám năm. Nay, tâm huyết của bao nhà biên kịch chỉ như một tập giấy bán đồng nát cất trong kho nhà. Dẫu cuộc hội thảo của Cục Điện ảnh nằm trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, nhưng bà Hồng Ngát lưu tâm quyết định cuối cùng thuộc về những nhà quản lý cấp cao hơn đơn vị cục hay bộ.

“Chỉ một lệnh “giãn tiến độ” là một bộ phim phải dừng lại, người làm phim lại ngồi xuống tự trách mình”. Lời nói này của bà Hồng Ngát có thể khiến không ít người nhìn sang nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc. Phá sản cuộc thi kịch bản đạo diễn năm 2007, Thái tổ Lý Công Uẩn của ông từng được thành phố Hà Nội lựa chọn làm phim mừng đại lễ, giờ vẫn chỉ nằm trên giấy.

“Chưa thành hình nhưng dòng phim lịch sử luôn gặp những phản biện, có những phản biện không chỉ làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này mà còn làm các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim cũng không mặn mà mở hầu bao vốn liếng”. Dứt lời, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh động viên các đồng nghiệp: “Chúng ta vẫn có khán giả là điểm tựa để xuất phát, đừng nản chí...”.

Thiếu vắng bóng dáng những nhà làm phim khu vực phía Nam trong hội thảo lại nhớ đến Lý Huỳnh, người đã giao nộp đúng thời hạn một bộ phim lịch sử đến công chúng trong năm 2010. Có khen có chê nhưng phải có ai đó khai mở đường, để tới một ngày qua phim ảnh người Việt được “nhìn thấy” Huyền Trân công chúa mà không phải nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, hoàng hậu Trần Thị Dung mà không phải Võ Tắc Thiên và hiểu rõ cuộc đời Nguyễn Trãi chứ không chỉ Khổng Minh - Gia Cát Lượng...

Những câu chuyện của quá khứ có thêm một con đường sinh động - thú vị đến với hôm nay để “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” không còn chỉ nằm trong mong muốn hay ý định./.

Theo Tuổi trẻ online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất