Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 30/6/2010 17:9'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống nhanh và đồng bộ

Ngày 30/6/2010, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện và triển khai nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Tới dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham dự hội nghị còn có rất nhiều các đồng chí thuộc các Bộ, Ban, Ngành hữu quan.


Nghị quyết 23 đã và đang đi vào cuộc sống

Hội nghị đã được nghe các đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương báo cáo tình hình triển khai và thực hiện Nghị quyết 23.

Cho đến nay, Ban Bí thư đã thông qua 2 đề án. Đề án thứ nhất là Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học, nghệ thuật trong hệ thống các trường chính trị-hành chính do Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. Hiện nay, học viện đang triển khai gấp giáo trình để năm học 2010-2011 có thể đưa vào chương trình dạy cho các trường. Đề án thứ hai của Ban Tổ chức Trung ương chủ trì là Quy định số 284-QĐ/TW, ngày 5/2/2010, về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ 1 đề án mà sản phẩm của đề án này là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010, “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”, trong đó có chương IV: Một số quy định áp dụng đối với các hội có tính chất đặc thù. Trong đó, điều 35 quy định: các hội có tính chất đặc thù được cấp kinh phí hoạt động theo biên chế được giao, bảo đảm kinh phí để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, được khuyến khích tạo điều kiện tham gia một số hoạt động quản lý Nhà nước, các dịch vụ công, thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thực hiện các chương trình, đề tài, dự án.

Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch được giao 6 đề án, trong đó có 2 đề án trùng với các đề án đã được Chính phủ giao cho năm 2010, nên Bộ đã gộp lại thành 4 đề án trình Chính phủ xem xét quyết định, phê duyệt. Đó là các đề án: 1) Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sỹ. Chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn học, nghệ thuật và thành lập Quỹ sáng tác. 2) Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật. 3) Xây dựng chính sách thẩm định, quảng bá, thuế ưu đãi... đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong nước, văn hóa phẩm của Việt Nam đưa ra nước ngoài và giới thiệu tinh hoa văn học nghệ thuật của thế giới vào Việt Nam, chính sách bảo tồn, quảng bá, phát huy di sản văn học, nghệ thuật dân tộc, nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý vốn văn học, nghệ thuật truyền thống, xây dựng và phát huy văn học nghệ thuật quần chúng, chính sách xuất bản, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng qua các ấn phẩm văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng. 4) Trên cơ sở quy hoạch và rà soát, đánh giá lại các công trình hiện có, xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm) từ năm 2010-2020.

Hiện tại, Bộ đang triển khai 2 đề án còn lại: Xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật và Xây dựng chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh sinh viên trong các trường họp.

Hội đồng lý luận luân, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của lĩnh vực lý luận, phê bình. Năm 2009 và 2010, Hội đồng đã tổ chức được 4 lớp tập huấn chính trị, nghiệp vụ bồi dưỡng cho các lãnh đạo, phóng viên, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về công tác lý luận, phê bình tìm hiểu rõ hơn quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn học, nghệ thuật, tổ chức các cuộc hội thảo, khoa học có tính học thuật, định hướng trong hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh. Nhiều nhà lý luận, phê bình đã có những bài viết sắc sảo đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng, trực diện đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp đổi mới của nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện và triển khai nghị quyết 23. Ảnh Thu Hằng

Để Nghị quyết 23 tiếp tục đi vào cuộc sống

Các đại biểu tham dự hội nghị đã phát biểu ý kiến, thảo luận về tình hình triển khai và thực hiện Nghị quyết 23. Theo đồng chí Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, sau hai năm ban hành Nghị quyết 23, Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch đã thực hiện 6 đề án, cụ thể hóa 36 Nghị định, chính sách, chương trình, tạo động lực mới cho văn nghệ sỹ sáng tạo ra những tác phẩm trước Đại hội Đảng lần thứ XI rất có ý nghĩa. Đồng chí mong rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt các đề án và thành lập các nhóm chuyên gia tập trung xây dựng các đề án đó thành các nghị định, thông tư.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, 6 đề án được thực hiện đúng và trúng những vấn đề bức xúc hiện nay, tuy nhiên, sự vận hành, hiện thức hóa các đề án còn chậm. Nên sớm thực hiện để tạo sự cộng hưởng, gắn bó chặt chẽ giữa các văn nghệ sỹ với Đảng và Nhà nước, cần đầu tư hơn nữa việc quảng bá và đưa các sản phẩm văn học nghệ thuật ra nước ngoài và tới từng người dân. Trong việc đào tạo các cán bộ trẻ hiện nay, ngoài việc đào tạo trong nước, nên đào tạo ở nước ngoài, ở những nước có nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến để văn hóa nghệ thuật Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hóa. Nên chăng Nhà nước có thể xem xét  bỏ phần tính thuế thu nhập của các giải thưởng, các tài trợ dành cho văn nghệ sỹ.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nhận định việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 23 nhanh và đi vào cuộc sống. Cần cụ thể hóa chức năng tư vấn, thẩm định, phản biện góp ý của các hội nghệ thuật có tính chất đặc thù. Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn cụ thể về việc thi hành tính thuế thu nhập từ các tài trợ, các giải thưởng dành cho văn nghệ sỹ.

GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn học dân gian phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú đã đánh giá việc thực hiện sơ kết 2 năm thực hiện và triển khai nghị quyết 23 của Bộ Chính trị thiết thực, không hình thức, đi vào cuộc sống nhanh và đồng bộ, đã làm được 6 việc đáng hoan nghênh:

- Các đề án dù có tiến hành chậm một chút nhưng đã động viên khích lệ rất rõ các văn nghệ sỹ, thể hiện rõ nét trong những tác phẩm sáng tác chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

- Đã khẩn trương xây dựng mới, bổ sung và hoàn thiện thêm các đơn vị chính sách cần thiết trong thời gian rất nhanh.

- Tư tưởng nghị quyết 23 đã được các hội văn học nghệ thuật vận dụng đưa vào báo cáo chính trị ĐH các hội.

- Có chuyển biến trong công tác cán bộ, đã đưa vào chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý.

- Nhận thức đúng đắn trong chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Ban cán sự Đảng các cấp đối với công tác văn học, nghệ thuật hiện nay.

- Có sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, Ngành và các hội văn học nghệ thuật, từ cơ quan trung ương đến địa phương đã được tiến hành.

Đồng chí cũng tán thành với ý kiến đẩy nhanh các công việc còn lại, tạo động lực mới cho các văn nghệ sỹ và đề nghị Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo những công tác: Chính phủ sớm phê duyệt và ban hành chính sách. Chỉ đạo và đổi mới mạnh công tác cán bộ từ trung ương tới địa phương, ra quy định về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý, công tác phát hiện và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Từ khi có các phê duyệt, cần chỉ đạo sớm các cơ chế đầu tư, sử dụng, quảng bá và phát huy các tác phẩm văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, vẫn phải làm tốt công tác tuyên truyền. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp chặt chẽ với các hội văn học nghệ thuật, các cơ quan thông tấn từ trung ương đến cơ sở đều thấm nhuần tư tưởng Nghị quyết 23.

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng nhất trí với những ý kiến được thảo luận tại hội nghị. Bộ trưởng khẳng định, với chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, Bộ sẽ gấp rút xúc tiến công tác xây dựng các văn bản pháp quy; cố gắng đẩy nhanh tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành vào cuối năm 2010 và năm 2011 môt số văn bản pháp luật liên quan đến những vấn đề cấp bách nhât như chế độ, chính sách đối với văn nghệ sỹ và phát triển văn học nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; đồng thời có lộ trình để xây dựng các văn bản pháp luật khác để trình Thủ tưởng trong năm 2011.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong tháng 7, Chính phủ sẽ sớm phê duyệt 4 đề án do Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch trình lên; xem xét phê duyệt chính sách cho các văn nghệ sỹ có công với đất nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tháng 8, trình 2 đề án còn lại để Chính phủ có thể xem xét và phê duyệt vào tháng 9; sớm trình và hoàn thành về đề án thành lập Vụ Văn học; nhân dịp 2/9 năm nay, Bộ cần lên kế hoạch đặt hàng trong vòng 5 năm để các văn nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm ca ngợi  thành tựu to lớn, vẻ vang của đất nước 65 năm qua;  Bộ cũng cần xem xét việc quảng bá, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tới người dân...

Bộ Tài chính chủ trì và có thông báo chính thức về việc hướng dẫn cụ thể về thuế thu nhập đối với nhuận bút, giải thưởng và tài trợ cho các văn nghệ sỹ, các hội văn học nghệ thuật vào tháng 7 tới.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất