Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 7/4/2019 15:3'(GMT+7)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Vĩnh Long

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà học sinh dân tộc Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh VGP)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà học sinh dân tộc Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh VGP)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC GẮN VỚI BẢO TỒN PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER

Nói chuyện thân mật với thầy cô và các em học sinh dân tộc Khmer tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phát triển giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chính sách và đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, Nhà nước đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo. Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường.

Theo Phó Thủ tướng, cả nước hiện có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số gần 110 nghìn học sinh nội trú. Trong đó, số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia chiếm khoảng 40%. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Bày tỏ vui mừng khi nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp, bảo đảm các điều kiện dạy và học, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường luôn đẩy mạnh cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức…

(Ảnh: VGP)

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo địa phương và của ngành giáo dục Vĩnh Long cũng như những kết quả đạt được của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để con em người dân tộc thiểu số của tỉnh có điều kiện học tập tốt để vươn xa hơn, thực hiện tốt mục tiêu phát triển bình đẳng giữa các dân tộc anh em.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Long, trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cần tập trung phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tốt chương trình của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trước mắt là chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Quan tâm giáo dục toàn diện học sinh, nhất là dạy chữ và dạy làm người. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa có tâm vừa có tầm, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm nhằm tổ chức, quản lý tốt các mặt hoạt động của trường. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyển, giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi thầy cô giáo là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhắc nhở các em học sinh về truyền thống cách mạng trung kiên của quê hương Vĩnh Long anh hùng, nơi sinh ra những người con ưu tú cho dân tộc ta như cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và nhiều Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng, thương bệnh binh... đã đóng góp xương máu cho đất nước được độc lập, thống nhất, đem lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm, chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Hạnh Phúc Tăng. (Ảnh: VGP)

CHƯ TĂNG, SƯ SÃI VÀ ĐỒNG BÀO KHMER CÓ NHIỀU ĐÓNG GÓP TO LỚN CHO ĐẤT NƯỚC

Đến thăm các chư tăng chùa Hạnh Phúc Tăng (tỉnh Vĩnh Long), Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và bà con đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Năm 2018, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; hạ tầng giao, thông, thủy lợi còn hạn chế… nhưng kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ tiếp tục có bước phát triển khá cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Đối với đồng bào Khmer, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, chế độ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer được tiếp tục đầu tư như: Hỗ trợ trùng tu, nâng cấp các ngôi chùa, xây dựng lò hỏa táng, trang bị dàn nhạc ngũ âm… Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện tốt, nhất là được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế. Các công trình hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, môi trường... được quan tâm đầu tư, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tình hình an ninh, chính trị ổn định; hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng. Truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo được phát huy; hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước có nhiều mặt tiến bộ, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần được quan tâm hơn nữa, nhất là công tác Phật sự và công tác giảng dạy, học tập thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo của Phật giáo Nam tông Khmer…

Nhân buổi gặp mặt này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong muốn toàn thể đồng bào Phật tử, các vị chư tăng là người dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt khó để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú; nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; các vị chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer làm tốt công tác Phật sự và xây dựng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ngày càng vững mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, từ nay đến ngày diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây (14 - 16/4), các cấp chính quyền trong tỉnh có kế hoạch thăm hỏi, động viên, kịp thời giúp đỡ các hộ Khmer nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong không khí yên vui, đầm ấm, để không một người dân, một gia đình đồng bào Khmer nào không có Tết.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng ôn lại những đóng góp to lớn của các chư tăng, sư sãi và đồng bào Khmer đã có nhiều công lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc./.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất