Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ hiện nay, dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện
tại Việt Nam nhưng vẫn phải tuyên truyền để người dân không quá hoang
mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan.
Đặc biệt, các cấp, ngành liên quan phải làm sao để khi các chủng mới
xuất hiện cũng không gây tác hại giống như cúm A/H5N1 trước đây.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác phòng
chống dịch cúm ở người và Phòng chống dịch sởi" tại 63 tỉnh, thành phố
do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/2, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, theo Bộ Y tế và
các nhà chuyên môn, dịch sởi xuất hiện vào thời gian này không phải do
tỷ lệ tiêm vắcxin sởi thấp vào năm nay mà do tích tụ từ những năm trước.
Chính vì vậy, phải đặc biệt lưu ý đối với các vắcxin khác trong thời
gian vừa qua vì nhiều lý do mà tỷ lệ tiêm chủng ít đi. Bởi vì tỷ lệ tiêm
chủng xuống thấp hiện sẽ chưa thấy tác hại của việc này nhưng những năm
sau sẽ thấy rõ và dịch sởi hiện nay là một minh chứng rõ ràng. Không có
loại vắcxin nào khi tiêm lại tuyệt đối không có phản ứng; không có
ngành y tế ở một đất nước, kể cả các nước tiến bộ lại không xảy ra những
sự cố liên quan đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Vấn đề
là ngành y tế phải giảm được tối thiểu các rủi ro và tuyên truyền có
tính hướng dẫn cụ thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các bộ, ngành
liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Ngoài các bộ chủ chốt như Bộ
Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, công tác
phòng dịch còn phải cần tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều kinh nghiệm
trong phòng chống, xử lý dịch nên cần phải thống kê những kinh nghiệm
tốt thành những tiêu chí và hướng dẫn cụ thể; đồng thời tăng cường công
tác truyền thông, trong đó có truyền thông đại chúng. Các cơ quan nhà
nước ở tất cả các cấp phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ
và chính xác, dễ hiểu để phục vụ hoạt động truyền thông đại chúng.
Bộ Y tế nhận định dịch cúm A/H7N9 có thể sớm xâm nhập vào Việt Nam và
nguy cơ cao bùng phát thành dịch ở người. Đồng thời, cúm A/H5N1 sẽ tiếp tục gia tăng ca bệnh trên người.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết hiện nay, Việt Nam
chưa có truờng hợp mắc cúm A/H7N9 trên nguời cũng như gia cầm. Tuy
nhiên, truớc tình hình số mắc gia tăng đột biến tại Trung Quốc đã lan
rộng đến tỉnh biên giới giáp Việt Nam nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào
Việt Nam là rất cao. Do đó, có thể rất sớm trong thời gian tới Việt Nam
sẽ ghi nhận trường hợp mắc trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận
virus trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người.
Về dịch bệnh cúm A/H5N1, trong hai tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã ghi
nhận hai trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp. Các
trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm
virus cúm A/H5N1. Tích lũy từ năm 2003 (năm ghi nhận trường hợp mắc bệnh
đầu tiên vì cúm A/H5N1) đến nay, cả nước đã có 126 ca mắc, trong đó có
64 trường hợp tử vong tại 41 tỉnh, thành phố.
Cùng với diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm lây sang người, cuối
năm 2013 và đầu năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng của bệnh sởi
tại một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch
triển khai tiêm vắcxin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắcxin sởi. Dự
kiến có khoảng 200.000 trẻ sẽ được tiêm vắcxin sởi trong đợt này…/.
Theo TTXVN