Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 14/2/2014 13:53'(GMT+7)

Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm dịch bệnh nguy hiểm

Điều trị bệnh nhân bị nhiễm cúm. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hữu oai/TTXVN)

Điều trị bệnh nhân bị nhiễm cúm. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hữu oai/TTXVN)

Ngày 13/2, tại Washington D.C đã khai mạc cuộc họp Chương trình an ninh y tế toàn cầu do Mỹ khởi xướng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn trước các nguy cơ do dịch bệnh nguy hiểm và bệnh truyền nhiễm gây ra. 

Tham dự cuộc họp có đại diện một số tổ chức quốc tế lớn và 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Uganda là hai quốc gia được chọn triển khai các dự án thí điểm trong khuôn khổ chương trình.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Các dịch vụ y tế và con người của Mỹ, bà Kathleen Sebelius khẳng định việc lây lan mầm bệnh là mối hiểm họa tiềm tàng, nhưng trên thế giới chỉ có gần 1/5 số các quốc gia có khả năng ứng phó kịp thời với các dịch bệnh mới xuất hiện. 

Theo vị đại diện của nước chủ nhà, Chương trình an ninh y tế toàn cầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh có quá nhiều quốc gia thiếu hụt cơ sở hạ tầng y tế để có thể nhanh chóng phát hiện sự lây lan dịch bệnh và đưa ra cảnh báo kịp thời trước khi dịch bệnh có thể trở thành mối đe dọa và lây lan sang các nước khác.

Chương trình an ninh y tế toàn cầu đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong việc thực hiện những nguyên tắc đã được thông qua trong Điều lệ y tế quốc tế (IHR) năm 2010; tăng cường hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo tất cả các nước đều có đủ năng lực giám sát, phát hiện sớm, xử lý các dịch bệnh và chia sẻ kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế để có thể ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh theo đúng các mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các nước thành viên về kỹ thuật và tài chính, nhất là hỗ trợ kỹ thuật trong việc giám sát dịch bệnh, xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án tài trợ, tăng cường các dự án phối hợp liên ngành giữa y tế và nông nghiệp.

Trong khuôn khổ tham gia chương trình này, Việt Nam và Uganda đã được lựa chọn làm nơi triển khai các chương trình thí điểm. Theo đó, trong hai năm 2013-2014, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm các dịch bệnh nguy hiểm tại Viện vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, cả hai viện này đã có đầy đủ năng lực xét nghiệm phát hiện virus nguy hiểm như cúm A H7N9, bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS-Cov). 

Ngoài ra, USCDC cũng hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Văn phòng đáp ứng phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (EOC) với nhiệm vụ đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên ngành và các tổ chức quốc tế xử lý các vấn đề y tế công cộng.

Tại Uganda, USCDC cũng khởi động dự án thí điểm trong năm 2013 về cải thiện năng lực phát hiện dịch tả, bệnh lao kháng thuốc và sốt xuất huyết. Dự án cũng được đánh giá mang lại những tiến bộ nhanh chóng.

Dự kiến trong năm nay, USCDC và Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đầu tư 40 triệu USD cho các dự án tương tự ở khoảng 10 quốc gia khác và dự kiến sẽ nâng tổng số tiền đầu tư lên 45 triệu USD trong năm 2015, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua.

Các quốc gia hiện đang tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu gồm có Argentina, Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Ethiopia, Phần Lan, Pháp, Gruzia, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Kazakhstan, Mexico, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Anh và Việt Nam./.


Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất