Trong chiến lược Diễn biến hoà bình (DBHB), “giặc” nội xâm luôn được coi là đồng minh của các thế lực thù địch. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, giặc nội xâm là thứ giặc nguy hiểm, “gian giảo và xảo quyệt”. Nó luôn giấu mặt vô hình nhưng có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bản chất của giặc nội xâm trong chế độ ta chính là cá nhân chủ nghĩa “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết… không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó. Những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
Có thể nói, các căn bệnh của cá nhân chủ nghĩa làm cho nội bộ mất đoàn kết, tính tổ chức kỷ luật lỏng lẻo, tinh thần trách nhiệm kém và không chấp hành đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch xâm nhập, triệt để khai thác, lợi dụng. Cũng như con người, nếu cơ thể khỏe mạnh thì ít có vi trùng xâm nhập, khi sức đề kháng kém, thì bệnh tật bùng phát.
Trong bài viết cho tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 12 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh Trần Lực) có viết: “Kẻ địch gồm ba loại: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to… Loại thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp-hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi-để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”.
Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thì kẻ địch thứ ba này trở nên cực kỳ nguy hiểm, nó không chỉ là bạn đồng minh, đồng hành mà còn như một thứ công cụ đắc lực trợ giúp cho các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Tình trạng tham ô, tham nhũng thường xảy ra trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; chi tiêu thường xuyên bằng vốn ngân sách nhà nước; quản lý sử dụng nguồn vốn ODA; thực hiện các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tích cực phòng, ngừa tham nhũng. Chỉ tính riêng năm 2009, các bộ, ngành Trung ương đã tiến hành 3.038 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 202 vụ vi phạm với tổng giá trị sai phạm 16,5 tỷ đồng; xử lý kỷ luật 187 cán bộ, công chức và kiến nghị xử lý hình sự 13 cán bộ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện 379 vụ vi phạm với giá trị thiệt hại là 50.579 triệu đồng, xử lý 442 cán bộ, công chức vi phạm. Các cơ quan pháp luật đã tiến hành khởi tố 289 vụ, truy tố 321 vụ và xét xử sơ thẩm 308 vụ. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề xã hội quan tâm, lo ngại, bức xúc nhất hiện nay. Sở dĩ như vậy là do năng lực và sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở còn hạn chế; một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết tâm đi đầu trong phòng ngừa tham nhũng; trên một số lĩnh vực, cơ chế, chính sách còn sơ hở, thiếu đồng bộ và chưa được khắc phục kịp thời; tính tiền phong gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên không những chưa được phát huy mà còn không ít trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, đối tượng tham nhũng thường rơi vào những người có chức, quyền trong xã hội, hành vi tham nhũng tinh vi nên không ít khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
Thiết nghĩ, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trước hết chúng ta phải học tấm gương “Dĩ công vi thượng” của Bác, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Chừng nào các cơ chế, chính sách được ban hành chưa đặt lợi ích của nhân dân lao động lên trên hết, chính quyền các cấp chưa sâu sát thực tế và gần gũi quần chúng, chưa thật sự tôn trọng nhân dân thì chừng ấy “giặc” nội xâm càng có đất sinh sôi nảy nở. Chính vì vậy, các cấp, các ngành từ Trung ương, đến cơ sở cần tăng cường giáo dục đảng viên về đường lối, chính sách, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên đi đôi với duy trì nghiêm kỷ luật trong Đảng. Bên cạnh đó, các chế độ sinh hoạt, kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong Đảng phải thường xuyên, nghiêm túc. Mỗi đảng viên cần phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự điều chỉnh mình để tiến bộ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với tập thể, bởi mỗi người đều có tính cách, hoàn cảnh, đời sống riêng. “Nếu những lợi ích cá nhân không trái với lợi ích tập thể, thì không phải là xấu… Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn”.
Phòng ngừa, đấu tranh với "giặc" nội xâm không những góp phần làm cho Đảng ta trong sạch mà còn góp phần tích cực làm thất bại âm mưu DBHB của các thế lực thù địch./.
(Theo: Lê Quý Hoàng/QĐND)